Nhà văn Nguyễn Huy, người có nhiều năm sống, công tác, chiến đấu trên mảnh đất Vĩnh Linh đã miêu tả về nỗi đau chia cắt của nhân dân đôi bờ giới tuyến trong tác phẩm Vĩnh Linh: “Cùng với những hình ảnh gần như đã thành lệ, năm nào cũng vậy, vào ngày lễ, tết, đặc biệt là ngày tết âm lịch, nhân dân hai bờ nam bắc đổ ra các bến sông để tìm kiếm người thân ở hai bên giới tuyến. Cách một con sông hơn hai trăm mét, nên khó lòng nhìn rõ nhau. Họ tìm kiếm người thân qua cách ăn mặc, qua dáng hình, qua tiếng nói, tiếng gọi…

Với bà con bờ nam, việc tìm kiếm này là một sự mạo hiểm lớn. Bọn cảnh sát, mật vụ luôn theo sát bên chân họ, không rời nửa bước. Nhiều khi nhìn thấy dáng dấp người thân bên kia bờ bắc, nhưng đành phải cắn răng câm nín. Nếu cất tiếng gọi sẽ bị bọn cảnh sát cho ăn ngay báng súng của chúng đứng rình chực sau lưng. Họ chỉ còn chảy nước mắt nhìn theo. Có lúc nghe thấy người thân bên kia bờ bắc gọi đúng tên mình, nhưng không dám trả lời vì có thể bọn mật thám rình rập đâu đó, sẽ ghi tên họ vào sổ đen “gia đình Việt cộng”.

leftcenterrightdel

Cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” ở bờ Nam cầu Hiền Lương. Ảnh: NCH 

Mặc dù bị kẻ địch bao vây o ép như vậy, nhưng nhân dân hai bờ Bến Hải - Hiền Lương vẫn tìm ra trăm phương nghìn kế để thăm hỏi, trao đổi tin tức qua con sông giới tuyến. Họ nói với nhau bằng thứ ẩn ngữ với những kỷ vật quen thuộc của nhau. Họ mặc chiếc áo mà ngày chung sống với nhau vẫn thường mặc, đội lên đầu, quấn quanh cổ chiếc khăn mà ngày tập kết tiễn đưa tặng nhau. Họ chọn khúc sông hẹp nhất, quãng bờ trống trải hơn cả, đứng ra sát mé nước cho người ở bờ bên kia nhìn thấy. Nếu họ mới sinh thêm một đứa con, họ bồng theo con, hoặc mới mua được chiếc xe đạp mới, họ dắt theo chiếc xe đạp. Những người không có kỷ vật gì để nói với nhau bằng thứ ẩn ngữ lạ lùng đó, thì đi dọc bờ sông tự gọi tên mình lên.

Người bên kia bờ nghe đúng tên người thân thì sẽ đáp to trả lời: “Tôi đây!”. Người bên này sông: “Tôi đây!”. Người bên kia sông: “Tôi đây!”. Suốt trong ba ngày Tết, tiếng “Tôi đây, Tôi đây” vang vọng không ngừng trên mặt sông. Người hai bờ hướng theo tiếng “Tôi đây” quen thuộc cùng đưa nhau đến những quãng sông hẹp, trống vắng để được nhìn nhau, giơ tay chào nhau, cười với nhau, khóc với nhau. Trước mặt hai người là dòng sông chia cắt. Hai người ở hai bờ có lúc là hai mẹ con, cha con, hai anh em, hai chị em… và nhiều nhất là hai vợ chồng. Riêng những người “Tôi đây” ở bờ nam phải khó khăn nguy hiểm lắm mới nhìn sang được những “Tôi đây” bên bờ bắc. Họ phải tìm đủ cách khôn khéo ngụy trang che mắt bọn cảnh sát, mật vụ. Họ phải đóng vai người đi rửa rau, gánh nước, giặt quần áo, mò cua bắt ốc ven sông…

Khi trao đổi báo tin với người bên kia bờ bắc bằng ẩn ngữ, động tác họ làm phải thật tự nhiên như những diễn viên kịch câm vậy. Muốn báo tin cảnh gia đình hiện cực khổ lắm, họ rũ rũ những tấm áo rách vá tả tơi. Muốn báo tin trong nhà có người mới chết, họ vờ quấn lại vành khăn tang trên đầu. Muốn báo tin trong nhà có người vừa bị giặc bắt, họ chắp hai cổ tay lại sau lưng như người bị xiềng trói…

Từ cảnh khốn cùng, vây hãm, o ép của quân thù, mà những người dân Vĩnh Linh hai bờ nam bắc đã sáng tạo nên biết bao động tác có sức diễn đạt tình cảm và chuyên chở những nội dung thông báo phức tạp mà kẻ địch không sao hiểu được. Đau lòng nhất vẫn là cảnh mẹ gặp con, con gặp mẹ giữa đôi bờ giới tuyến.

Cảm nhận sâu sắc sự đau thương, chia lìa của cả dân tộc nói chung và người dân Quảng Trị nói riêng, trong thời gian sinh sống tại Vĩnh Linh, vào một buổi chiều năm 1957, trong nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã viết lên ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương. Đây là ca khúc nói lên sự đau thương chia cắt của người dân hai miền Nam - Bắc. Là nỗi khắc khoải chờ mong của người mẹ miền Nam dành cho người con ra tập kết ở miền Bắc. Cũng có thể là nỗi nhớ thương da diết, thủy chung của đôi lứa yêu nhau, của người vợ dành cho chồng: “Thuyền ơi, thuyền ơi có nhớ bến chăng/ Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”. Hay là lời thề sắt son tin tưởng vào cách mạng, tin tưởng vào ngày vui chiến thắng: “Nhắn ai luôn giữ câu nguyền/ Qua cơn bão tố vững bền lòng son”. Bằng ca từ mộc mạc, gắn với hình ảnh quen thuộc của sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long đó là “thuyền” và “bến”, tác giả đã đánh thức, lay động triệu triệu trái tim con Lạc, cháu Hồng cả hai miền Nam - Bắc hướng về nhau, luôn tin vào một ngày đất nước sẽ thống nhất, đồng bào sẽ sum họp, gia đình đoàn viên.

Trong muôn vàn hình ảnh đấu tranh, muôn vàn cảnh ngộ đau lòng mà người dân Vĩnh Linh hai bờ sông Bến Hải đã phải trải qua trong những năm đất nước bị chia cắt, người dân Vĩnh Linh hôm nay, vẫn thường nhắc lại cảnh đấu tranh sơn cầu Hiền Lương thống nhất một màu. Bà Nguyễn Thị Hương, sống tại xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh nhớ lại: “Lúc đó tôi đang làm việc ở ngành giao thông - vận tải tỉnh Hà Tĩnh. Cuối năm 1958, bất ngờ được cấp trên điều động về đơn vị giao thông nhận nhiệm vụ sơn cầu Hiền Lương".

Tại đây, bà Hương vinh dự được giao trọng trách đội trưởng. Từ sau năm 1956, chính giữa cầu vạch một đường chỉ ngang bằng sơn trắng, rộng 1cm, làm ranh giới giữa hai miền. Chỉ riêng một việc sơn cầu cũng lộ rõ âm mưu chia cắt lâu dài đất nước. Phía ta đưa ra 3 phương án: Ta sơn cả cầu hoặc đối phương sơn cả cầu hoặc mỗi bên sơn một nửa bên mình nhưng phải đồng màu. Nhưng chính quyền Sài Gòn không trả lời, trước tình thế đó, ta chủ động sơn cầu theo màu rỉ sắt nâu đỏ giống như màu sơn hiện tại của chiếc cầu. Với lý do “Quốc gia không thể chung màu cùng Việt cộng”, “Quốc gia yêu hòa bình nên sơn màu xanh, còn Việt cộng thích chiến tranh nên sơn màu đỏ”. Phía chính quyền Sài Gòn muốn trên một chiếc cầu cũng phải vĩnh viễn có hai màu sơn. Tuy nhiên, khi chính quyền Sài Gòn sơn cầu màu xanh thì ta liền sơn theo màu xanh. Chiếc cầu thành một màu. Phía bên kia tức tối sơn ngay lại màu nâu đậm, ta cũng sơn lại màu nâu đậm. Sơn màu nâu đậm chưa kịp khô, thì chính quyền Sài Gòn đã sơn ngay lại màu xanh…

Ngoài nỗi đau chia cắt, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải cũng là nơi thể hiện ý chí, khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước. Và cũng tại nơi này, đã chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình yêu, sự thủy chung son sắt đợi chờ của bao đôi lứa yêu nhau. Đó là tình yêu và đám cưới đặc biệt của ông Hoàng Nghi và bà Hoàng Thị Hoa. Năm 1972, khi quân đội Sài Gòn mở Chiến dịch Lam Sơn 72 nhằm tái chiếm tỉnh Quảng Trị, bà Hoa từ phía Nam sông Bến Hải đưa người thân ra Bắc dưỡng thương đã vô tình gặp ông Nghi là dân quân du kích thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh. Sau một thời gian ở Vĩnh Linh, hai người đã thầm thương, trộm nhớ. Lúc nảy sinh tình yêu thì bà Hoa lại phải vượt sông Bến Hải trở lại huyện Triệu Phong để tiếp tục công tác, phục vụ chiến đấu. Nỗi nhớ cứ ngày một đong đầy đã thôi thúc ông Nghi vượt dòng Bến Hải, vượt mưa bom, bão đạn vào tìm bà Hoa.

Rồi những lần gặp gỡ vội vàng, những cánh thư gửi đi càng làm cho họ yêu thương, nhung nhớ và quyết tâm đến với nhau nhiều hơn. Mãi đến sau ngày hòa bình lập lại thì đám cưới hai người mới được tổ chức. Đó cũng là câu chuyện cảm động của ông Trần Mốc, sĩ quan công an vũ trang, người đứng gác phía bờ Bắc cầu Hiền Lương với người yêu bên bờ Nam sông Bến Hải. Nhìn đôi uyên ương nắm tay nhau qua cầu mà ai cũng nước mắt rưng rưng trong niềm vui sướng dâng tràn.

Năm 2002, ngoài chiếc cầu Hiền Lương lịch sử được phục chế nguyên mẫu, đáng chú ý nhất là công trình tôn vinh mang tên cụm tượng đài "Khát vọng thống nhất" đặt ở bờ Nam sông Bến Hải, được chia thành hai phần, gồm hình tượng người mẹ miền Nam và em bé mang nỗi chờ mong khắc khoải, mắt hướng về phía miền Bắc. Phía sau hình tượng người mẹ và em bé là hình ảnh những tàu lá dừa của miền Nam thân yêu vút lên từ trong lòng đất. Đó chính là khát vọng thống nhất non sông, đất nước.

NGUYỄN CHÍ HIẾU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.