Tại chương trình, nghệ nhân của các đoàn đã lần lượt sử dụng các nhạc cụ theo cách thức riêng của dân tộc mình để biểu diễn 3 phần: Âm vang núi rừng; Thanh âm đại ngàn và Biển hòa nhịp xoang - Nối vòng tay kết đoàn. Các tiết mục đều mang đậm âm hưởng văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Raglai, Ê-đê, T’rin, Tày, Nùng…

 Tiết mục mở màn "Âm vang hồn chiêng" của huyện Khánh Vĩnh biểu diễn.
Trao hoa và quà cho các đội.

Những âm thanh cồng chiêng, mã la vốn thường vang vọng ở núi rừng Tây Nguyên nay được diễn xướng, hòa tấu ngay bên bờ biển Nha Trang đã mang lại cảm xúc, hứng khởi mới lạ cho đông đảo người dân và du khách. Mỗi giai điệu đều gắn với đời sống hàng ngày của người dân, nói lên tiếng lòng, tâm tư, tình cảm của đồng bào các dân tộc thiểu số và được coi là sợi dây kết nối với thần linh, để gửi gắm những lời cầu nguyện, mong mỏi của con người đến với thế giới tâm linh…

 Các đại biểu tham dự đêm hội.
 Tấu chiêng C Na, thổi đinh năm của đoàn Khánh Vĩnh.

Điểm nhấn của chương trình là phần biển hòa nhịp xoang nối vòng tay kết đoàn; các đoàn Khánh Vĩnh, Ninh Hòa sử dụng tấu chiêng của dân tộc Ê-đê hoà cùng cồng, chiêng, mã la của dân tộc Raglai nối từ sân khấu xuống đống lửa bập bùng để cùng khán giả và du khách cùng nối vòng tay đi quanh ánh lửa trong tiếng cồng, chiêng, mã la và những điệu múa của các thiếu nữ dân tộc thiểu số.

 Mừng Tây Nguyên thắng trận của đoàn Khánh Sơn.

Anh Phạm Tuấn Hùng và vợ là Đàm Thị Tiệp Dư (quê ở Hà Nội), hiện đang sinh sống ở Liên bang Nga chia sẻ: “Kỳ nghỉ Tết Dương lịch năm nay, gia đình mình về nước và chọn Nha Trang để đi du lịch, đến đây ngoài tham quan danh lam thắng cảnh, gia đình mình còn được trải nghiệm văn hóa cồng chiêng ngay trên bờ biển xinh đẹp. Được xem các nghệ nhân biểu diễn lễ ăn mừng lúa mới thông qua những thanh âm hòa tấu kết hợp nhịp nhàng với điệu múa của các thiếu nữ hay tiếng cồng chiêng lúc khoan thai, khi thúc giục mình rất thích thú”.

 Múa lời đại ngàn của đoàn Khánh Vĩnh.
Tấu chiêng C Na và đốt lửa nối vòng tay kết đoàn. 
 Đông đảo du khách tham gia đêm hội “Âm vang văn hóa cồng chiêng".

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Khánh Hòa: “Thông qua chương trình đêm hội "Âm vang văn hóa cồng chiêng", chúng tôi muốn mang tới cho người dân và du khách những âm điệu trầm hùng cùng thanh âm sinh động, chân thực do chính những chủ nhân của di sản văn hóa tạo nên, để người dân ở phố biển Nha Trang cũng như đông đảo du khách hiểu thêm về văn hóa cồng chiêng. Đây cũng là hoạt động góp phần vinh danh những giá trị văn hóa của các thế hệ đi trước đã trao truyền lại cho lớp con, cháu sau này”.

Tin, ảnh: MAI VĂN ĐÔNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.