Đây cũng là mong muốn của bà Trang Lê (tên đầy đủ Lê Thị Quỳnh Trang), Chủ tịch Hiệp hội các nhà thiết kế thời trang Đông Nam Á, Giám đốc Công ty Cổ phần truyền thông đa phương tiện (MultiMedia JSC) trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.

Thời trang phải đi vào cuộc sống

Phóng viên (PV): Là người khởi xướng và truyền cảm hứng những câu chuyện về thời trang Việt Nam thông qua mua bản quyền và sản xuất chương trình Người mẫu Việt Nam (Vietnam’s Nextop Model), Nhà thiết kế thời trang Việt Nam (Project Runway Vietnam), Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam (Vietnam International Fashion Week)... bà đặt kỳ vọng gì cho thời trang Việt Nam?

Bà Trang Lê: Hơn 10 năm trước, khi thời trang Việt Nam còn đang ở giai đoạn đơn giản và non trẻ, tôi may mắn đã có cơ hội được cọ xát, tiếp xúc với guồng quay của thời trang thế giới khi MultiMedia JSC mua bản quyền và sản xuất các chương trình truyền hình thực tế về thời trang ngang tầm quốc tế như: Vietnam’s Next Top Model, Project Runway Vietnam... Càng đi nhiều, được tận mắt chứng kiến sự phát triển chuyên nghiệp của thời trang thế giới, tôi càng học hỏi và tích lũy thêm được nhiều kiến thức, kinh nghiệm, từ đó ước mơ về một tuần lễ thời trang thực thụ dành riêng cho Việt Nam cứ lớn dần. Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam (VIFW) ra đời, đó cũng chính là khát vọng của tôi với ý nghĩa tạo bệ phóng cho thời trang Việt Nam được vươn ra thị trường quốc tế, đồng thời đem những xu hướng của thời trang thế giới đến gần hơn với công chúng trong nước.

leftcenterrightdel
Bà Trang Lê. 

Đến hôm nay, có thể nói VIFW đã góp phần tích cực vào sự thay đổi và khởi sắc từng ngày cho thị trường thời trang Việt Nam, giúp Việt Nam xác định được vị thế và ghi danh trên bản đồ thời trang thế giới. VIFW được đánh giá là tuần lễ thời trang lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 4 tại châu Á, chỉ sau Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc) và Thượng Hải (Trung Quốc).

Tuy nhiên, để thời trang Việt Nam thực sự trở thành một nền công nghiệp đúng nghĩa đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Thời trang phải gần gũi với cuộc sống, đến được với người tiêu dùng. Thị trường Việt Nam chúng ta có rất nhiều tiềm năng, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, nếu chúng ta xây dựng được những chính sách hỗ trợ, phát triển đúng đắn thì trong tương lai không xa, chúng ta sẽ có quyền được tự hào và chứng kiến những thương hiệu thời trang “Made by Vietnam” trên thị trường quốc tế, thay vì chỉ là đất nước gia công dệt may với các sản phẩm “Made in Vietnam” như hiện nay.

leftcenterrightdel

Bộ sưu tập “Hẹn em” của NTK Adrian Anh Tuấn lấy cảm hứng từ di sản văn hóa trình diễn trong Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam thu đông 2022. Ảnh: MULTI 

PV: Để có những thành công như hiện nay cho các sự kiện về thời trang Việt Nam được bà khởi xướng và tổ chức, bí quyết của bà là gì?

Bà Trang Lê: Tại Học viện đào tạo và xây dựng hình ảnh-IMAGE COACH do tôi sáng lập, có 3 yếu tố mà tôi luôn muốn truyền cảm hứng đến tất cả học viên, đó là: Không sợ hãi (Fearless), Tin vào bản thân (Believe in Yourself) và Hãy là chính mình (Be Unique). Đó cũng chính là chìa khóa giúp tôi đương đầu với mọi thử thách để đạt đến thành công nhất định như ngày hôm nay, cũng như truyền cảm hứng đến các người mẫu, nhà thiết kế hay ở nhiều lĩnh vực khác. Điều quan trọng nhất, đó là đừng bao giờ trở thành bản sao của người khác, mà hãy là chính mình. Đặc biệt là những người làm nghề thời trang càng phải có quan điểm rõ về điều này, không ngừng học hỏi, tin vào bản thân, dám nghĩ dám làm, sống với đam mê và luôn sáng tạo.

Tựa vào văn hóa để phát triển công nghiệp thời trang

PV: Theo bà, lợi thế của ngành công nghiệp thời trang Việt Nam hiện nay là gì? Thời trang Việt có cơ hội như thế nào để có thể định danh là một trong những mũi nhọn của công nghiệp văn hóa?

Bà Trang Lê: Thời trang và văn hóa có mối quan hệ khăng khít. Trong thời đại bùng nổ thông tin, một đất nước muốn có nền thời trang tạo được dấu ấn và bản sắc, chắc chắn yếu tố văn hóa trong thời trang là điều không thể bỏ qua. Các nước phương Tây và Mỹ là những nước có nền công nghiệp thời trang phát triển từ lâu đời với nhiều thương hiệu, nhà thiết kế thời trang lừng danh. Tuy nhiên những năm gần đây, chúng ta đang chứng kiến sự lên ngôi của nhiều quốc gia châu Á trong lĩnh vực thời trang như Nhật Bản, Hàn Quốc... bởi những quốc gia này đã thành công trong việc tạo được “DNA” (tạm dịch là "bộ gene") khi khai thác yếu tố văn hóa trong thời trang. Đó cũng chính là lý do mà VIFW luôn tìm kiếm cơ hội hợp tác cùng các đại sứ quán, tổng lãnh sự các quốc gia có nền công nghiệp thời trang phát triển như Pháp, Italy, Hàn Quốc, Nhật Bản... để có thể kết hợp hai yếu tố văn hóa và thời trang một cách hiệu quả. Tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi đã được nhận Huân chương Công trạng-tước hiệu Hiệp sĩ của Chính phủ Italy vào năm 2021, vì những đóng góp vào sự phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam và Italy trong lĩnh vực thời trang nói riêng và văn hóa nói chung.

Đối với Việt Nam, tôi hoàn toàn tin tưởng vào tiềm năng phát triển cho thời trang Việt Nam. Kể từ khi VIFW ra đời, chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng, tích cực của thời trang Việt Nam trong 10 năm qua. Tuy nhiên, tôi nghĩ muốn thời trang Việt đi xa hãy đi cùng nhau. Vì thế, nếu nhận được sự hỗ trợ, đầu tư đúng đắn từ Chính phủ cho những hoạt động, tôi tin thời trang Việt Nam hoàn hoàn có thể trở thành ngành mũi nhọn để chúng ta quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè thế giới.

PV: Văn hóa Việt được bà định hướng như thế nào với các nhà thiết kế (NTK), người mẫu, cũng như sự kiện trong hành trình chinh phục quốc tế?

Bà Trang Lê: Tôi luôn tâm niệm “đi đến tận cùng văn hóa của dân tộc, chúng ta sẽ gặp nhân loại”, yếu tố văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dấu ấn cho thời trang của bất kỳ quốc gia nào. Văn hóa ở đây không phải là những trang phục truyền thống, mà là cách chúng ta được truyền cảm hứng từ văn hóa và khai thác vào thời trang. Tại mùa thứ 14 của VIFW thu đông 2022 với thông điệp “Cảm hứng di sản”, diễn ra tại thủ đô Hà Nội vừa qua, yếu tố văn hóa, truyền thống đã được khai thác mạnh mẽ thông qua những bộ sưu tập được lấy cảm hứng từ những di sản văn hóa Việt, như hình ảnh ruộng bậc thang của núi rừng Tây Bắc trong bộ sưu tập của NTK Vũ Việt Hà; hay hình ảnh chiếc áo trần bông, lá cờ hội đặc trưng của miền Bắc trong bộ sưu tập của NTK Đức Hùng... Trong quá trình làm việc với các NTK, chúng tôi luôn cố gắng gợi mở những chủ đề để từ đó bản thân mỗi NTK sẽ có các cách tiếp cận, truyền cảm hứng, sáng tạo khác nhau tạo nên bức tranh đặc sắc cho VIFW. Với mùa tổ chức lần thứ 15 tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục khai thác yếu tố văn hóa Việt Nam thông qua câu chuyện về chất liệu bền vững, thân thiện với môi trường được sản xuất hoàn toàn từ những làng nghề truyền thống của Việt Nam.

PV: Bà có nhận định gì về tương lai của thời trang Việt Nam và lời khuyên thế nào đối với các NTK?

Bà Trang Lê: Thời trang Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển, trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn cho Việt Nam trong thời gian tới. Chúng ta có rất nhiều NTK tài năng, có tư duy thiết kế và sáng tạo tốt. Tuy nhiên, để có thể tạo nên bản sắc, “hòa nhập không hòa tan”, mỗi NTK cần phải chủ động, tích cực đưa những yếu tố, những nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam vào trong thiết kế của mình. Bên cạnh đó, việc thường xuyên tự trau dồi kiến thức, cập nhật những thông tin, xu hướng của thời trang thế giới cũng là điều rất cần thiết. Để được cọ xát, học hỏi từ thời trang thế giới, các bạn cũng cần trang bị vốn ngoại ngữ vì đó chính là cánh cổng mở ra những chân trời tri thức mới. VIFW đã từng trở thành bệ phóng cho rất nhiều tên tuổi NTK, thương hiệu Việt Nam có cơ hội phát triển tại thị trường quốc tế như NTK Công Trí, NTK Thủy Nguyễn... Tôi tin rằng thông qua các hoạt động của VIFW, trong thời gian tới đây, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến thêm nhiều sự thành công hơn nữa của các NTK trẻ tài năng và những thương hiệu thời trang mới của Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

VƯƠNG HÀ (thực hiện)