Lễ khai mạc có sự tham gia biểu diễn của hàng trăm nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp thuộc các đơn vị nghệ thuật Trung ương và các địa phương cùng lực lượng học sinh, sinh viên các trường phổ thông, đại học trên địa bàn thành phố Việt Trì. Trong đó có các nghệ sĩ tên tuổi như: Trọng Tấn, Anh Thơ, Ngọc Ký, Ngọc Liên, NSND Thanh Hoài, NSND Thúy Ngần, NSƯT Ngọc Bích, NSƯT Dịu Hương, Nghệ nhân Văn Tuấn, Khánh Hồng, Nghệ nhân dân gian Phạm Hải Hưng....

leftcenterrightdel
 Tiết mục nghệ thuật mở màn lễ khai mạc. 

Chương trình gồm 3 phần: Linh thiêng nguồn cội - Đất tổ Hùng Vương; tinh hoa di sản; khát vọng Lạc Hồng. Tổng đạo diễn Lễ khai mạc Lê Thế Song chia sẻ: "Thông qua Lễ khai mạc, chúng tôi muốn mọi người dân đều thấy tự hào về miền di sản Phú Thọ với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và nghệ thuật Hát Xoan. Điểm đặc biệt của màn biểu diễn này là có sự tham gia của 100 nghệ nhân dân gian lớn tuổi và 90 học sinh tiểu học từ 4 phường Hát Xoan nổi tiếng của Phú Thọ. Điều này cũng thể hiện ý thức gìn giữ di sản, trao truyền di sản qua các thế hệ, gìn giữ bản sắc của dân tộc, thể hiện sự trường tồn của dân tộc, đó là niềm tự hào không chỉ của Phú Thọ mà của tất cả mọi người dân Việt Nam”.

leftcenterrightdel
 Giới thiệu di sản nghệ thuật Hát Xoan tại buổi lễ. 

Chuỗi sự kiện Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa-Du lịch Đất Tổ diễn ra từ ngày 21 đến 28-4 với 5 hoạt động chính, gồm: Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa-Du lịch Đất Tổ năm 2023; Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh; kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; Hội nghị-Hội thảo “Phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch”; Triển lãm di sản văn hóa, du lịch các vùng kinh đô Việt Nam.

Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam bày tỏ: “UNESCO rất mừng vì Chính phủ Việt Nam đề cao, phát huy vai trò của di sản văn hóa phi vật thể để phát triển kinh tế. Để di sản sống được, chuyển giao cho các thế hệ sau thì di sản cần được coi trọng, được đánh giá đúng. Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là công cụ thể hiện vai trò và tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể. Việt Nam luôn là thành viên tích cực của UNESCO và luôn chia sẻ bài học thành công của mình với các quốc gia khác trong lĩnh vực văn hóa”.

leftcenterrightdel
 Giới thiệu di sản nghệ thuật Hát Xoan tại buổi lễ. 

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định: “Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2023 là nơi hội tụ của các tinh hoa di sản văn hóa của mọi miền Tổ quốc, sẽ mang đến cho du khách và nhân dân hành hương về với cội nguồn Đất Tổ những trải nghiệm sâu sắc, để hiểu thêm, yêu hơn và càng tự hào về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Đặc biệt, lễ hội là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường 20 năm Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong triển khai các Chương trình hành động về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể theo tinh thần của Công ước 2003. Các di sản văn hoá Việt Nam tiếp tục được bảo tồn và lan tỏa hệ giá trị bản sắc, nhân văn; góp phần đưa văn hiến Việt Nam cùng tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại”.

leftcenterrightdel
 Biểu diễn hát Quan họ. 

“Tôi đánh giá cao và biểu dương tỉnh Phú Thọ trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu; đặc biệt đã cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UNESCO có sáng kiến kết nối các di sản sản văn hóa phi vật thể nhân dịp Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm nay. Tôi đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Phú Thọ bảo đảm các điều kiện tốt nhất để các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian có không gian sáng tạo, biểu diễn; du khách có thời gian trải nghiệm, khám phá những giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời để đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế”, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá.

Trong khuôn khổ lễ khai mạc đã diễn ra hoạt động kỷ niệm 20 năm Công ước năm 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Tin, ảnh: HỮU TRƯỞNG-HẢI ANH