Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Thanh Tú-“bông hồng của điện ảnh cách mạng”: Với vai diễn cô Nhu trong phim “Sao tháng Tám” của đạo diễn, NSND Trần Đắc ra mắt khán giả năm 1976, NSND Thanh Tú là một trong hai gương mặt nữ nghệ sĩ (cùng với NSND Trà Giang) được đưa vào từ điển Larousse của Pháp với những cống hiến cho nghệ thuật điện ảnh cách mạng.

Sinh năm 1944 trong một gia đình trí thức ở Hà Nội, Thanh Tú theo học và tốt nghiệp tại Trường Sân khấu Hà Nội (nay là Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội). Bà trở thành diễn viên kịch, từng thành công với những vai diễn như: Tania trong vở kịch cùng tên, đạt kỷ lục với hơn 1.200 suất diễn; quận chúa Minfo trong “Âm mưu và tình yêu”... Trong điện ảnh, Thanh Tú đóng bộ phim đầu tiên với vai Thảo trong “Biển lửa” của đạo diễn Phạm Kỳ Nam (ra mắt năm 1966); năm 1969, bà tiếp tục thể hiện vai cô diễn viên Hương Giang trong bộ phim “Tiền tuyến gọi”; vai chị Hảo trong “Vùng trời” (năm 1975)...

Dấu ấn vai Nhu trong bộ phim “Sao tháng Tám” đưa bà tới bục vinh quang khi đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ IV-năm 1977, được Ủy ban Phụ nữ toàn Liên bang Xô viết trao giải đặc biệt khi dự LHP Moscow, được đưa vào Bách khoa toàn thư điện ảnh Liên Xô (tên gọi lúc bấy giờ). Cũng từ vai diễn này, bà được giới làm nghề và công chúng ví như “bông hồng đẹp của điện ảnh cách mạng”.

Ngoài phim, nghệ sĩ Thanh Tú vẫn coi sân khấu là “thánh đường”, vì thế mỗi khi nhắc đến sân khấu, ánh mắt bà luôn lấp lánh niềm vui. Ở tuổi "xưa nay hiếm" nhưng NSND Thanh Tú vẫn ngày ngày làm việc, tham gia một số dự án phim, vẫn truyền năng lượng tích cực cho thế hệ trẻ thông qua các buổi dạy diễn xuất, dẫn chương trình... và dành cho mình những khoảng lặng trong tâm hồn để làm thơ, sáng tác kịch bản sân khấu.

 NSND Lan Hương để lại dấu ấn với điện ảnh Việt trong diễn xuất “Em bé Hà Nội”. Ảnh nhân vật cung cấp 

NSND Như Quỳnh-"đôi mắt biết cười": NSND Như Quỳnh sinh năm 1954 tại Hà Nội, là con gái của cặp diễn viên cải lương nổi tiếng Tiêu Lang và Kim Xuân. Năm 1972, Như Quỳnh tham gia bộ phim đầu tiên “Bài ca ra trận”; đến năm 1974, với vai cô Nết trong phim “Đến hẹn lại lên”, Như Quỳnh đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất LHP Việt Nam lần thứ III-năm 1975. Ngoài ra, bà còn tham gia nhiều bộ phim, như: “Đêm miền yên tĩnh”, “Số đỏ”, “Gánh hàng hoa”, “Đông Dương”, “Xích lô”, “Mùa hè chiều thẳng đứng”, “Bến không chồng”, “Chuyện của Pao”, “Áo lụa Hà Đông”...

Sở hữu gương mặt biểu cảm đặc trưng như biết nói ngay cả khi im lặng nhất, đôi mắt khi cười thì sáng bừng, khi buồn lại vô cùng sâu thẳm, Như Quỳnh khẳng định được vị trí của mình-một vị trí khó có người thay thế cho những vai diễn thuần Việt, cần nội tâm và một tài năng diễn xuất chuẩn mực. Không chỉ gặt hái được nhiều thành tựu trong nghệ thuật, NSND Như Quỳnh còn được ngưỡng mộ bởi hôn nhân hạnh phúc với chồng là nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo cùng hai cô con gái ở phố cổ Hàng Đào. Ở tuổi 70, nếu không đi làm phim, NSND Như Quỳnh thường dậy sớm đi chợ, nấu ăn cho gia đình, muốn các con nhìn vào cách sống của bố mẹ để làm theo.

NSND Lan Hương-nổi danh từ “Em bé Hà Nội”: Bộ phim “Em bé Hà Nội” được sản xuất năm 1974 bởi Hãng phim truyện Việt Nam, do NSND Hải Ninh làm đạo diễn. Bối cảnh phim là Hà Nội năm 1972, sau đợt giội bom B-52 của Mỹ. Trong cảnh hoang tàn, đổ nát của thành phố, Ngọc Hà (Lan Hương khi đó 10 tuổi hóa vai)-một em bé 12 tuổi đơn độc đi tìm bố mẹ và em gái bị thất lạc. Cô bé được những người lính tốt bụng giúp đoàn tụ với em gái.

Diễn xuất chân thực cùng những góc quay đặc tả kết hợp với triết lý nhân văn khiến “Em bé Hà Nội” trở thành một trong những phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Chắc hẳn khán giả xem phim sẽ luôn ám ảnh bởi đôi mắt to tròn, ngơ ngác của nhân vật chính. Đây cũng chính là điểm nhấn ở diễn viên Lan Hương khiến đạo diễn Hải Ninh bỏ nhiều công sức thuyết phục gia đình cho cô đóng phim. Nhớ lại vai diễn đầu đời, NSND Lan Hương kể, bà diễn xuất hoàn toàn theo hướng dẫn của đạo diễn, bảo khóc là khóc, chạy là chạy. Nhìn lại gần 50 năm làm nghề, nghệ sĩ nói hài lòng vì đã cống hiến hết mình, giành nhiều huy chương lẫn bằng khen của Nhà nước cho những vai diễn trên màn ảnh rộng và sân khấu. Với Lan Hương, bà luôn thấy tự hào vì được khán giả nhớ đến và gọi kèm với cái tên “Em bé Hà Nội”.

CHÂU XUYÊN - MINH HỒNG 

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.