“Muốn lớp trẻ yêu thích nghệ thuật dân tộc thì ta phải làm mới nó", đạo diễn Vương Duy Biên - Giám đốc nhà hát múa rối Trung ương Việt Nam và cũng là tác giả vở “Hồn quê” đã nói với chúng tôi như thế sau khi tác phẩm của ông được công diễn.
Việc công diễn vở “Hồn quê” trong các đợt giữa tháng 10, đầu tháng 11 tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức và Nhà hát Múa rối Trung ương Hà Nội đã tạo ra một tiếng vang trong giới nghệ thuật nói riêng và khán giả Thủ đô nói chung. Một số trích đoạn của vở đã được chọn biểu diễn phục vụ các phu nhân và phu quân các vị khách dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ.
Vở diễn được xây dựng công phu với sự huy động toàn bộ diễn viên của cả ba đoàn dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Vương Duy Biên và nhà biên đạo - NSND Ứng Duy Thịnh trên nền âm nhạc, phối khí của nhạc sĩ Quốc Trung trong hơn hai tháng qua. Vở diễn gồm ba phần chính: Đất nước Việt Nam mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước; Những con người làng quê Việt Nam đoàn kết yêu thương nhau và cuối cùng là Văn hoá Việt Nam toả sáng.
Đây là sự mạnh dạn thử nghiệm của Nhà hát và là bước đột phá của nghệ thuật múa rối khi lần đầu tiên trong một vở diễn rối nước có sự kết hợp giữa nghệ thuật sắp đặt và rối nước Việt Nam trên nền âm nhạc có chất liệu dân tộc nhưng được hòa âm, phối khí hiện đại… Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam, trong một vở diễn, các tác giả đã tạo ra sự chuyển động của nghệ thuật sắp đặt có tiết tấu. Trước đây, ta thường quen thấy nghệ thuật sắp đặt là sự sắp đặt tĩnh của các đồ vật, khi xem, người xem phải chuyển động quanh đồ vật nhưng trong "Hồn quê" điều đó đã được đảo ngược lại khi người xem thì tĩnh còn những gì được sắp đặt lại chuyển động.
Vở diễn không dùng tích mà lần lượt kết hợp với các trò được biên tập hiện đại, chẳng hạn ta thường thấy trong trò có hai con phượng mầu đỏ thì nay, lần đầu tiên các tác giả đã mạnh dạn thay hai con phượng đỏ bằng 6 con mầu trắng, dưới tác dụng của đèn sân khấu màu sắc của chúng thay đổi thành màu xanh, lam, đỏ… khiến cho người xem thấy sự bất ngờ và sân khấu có một vẻ đẹp mới, độc đáo hơn. Trong vở diễn, đôi khi sân khấu nước dừng lại để người xem tập trung vào những sự sắp đặt trên bờ - những cảnh sống của con người làng quê. Nhưng cũng có khi, đạo diễn dừng cảnh những con người làng quê lại để nhường sân khấu cho rối, khiến người xem có cảm giác được xem lại một vở rối nước cổ truyền ở ao làng xưa. Lần đầu tiên trong nghệ thuật rối nước Việt Nam, cả rối nước và con người cùng diễn trong một vở - điều này đã làm cho rối nước cổ mang hơi thở đương đại.
Nội dung của vở diễn "Hồn quê" nhằm tới một tiêu chí giản dị, đó là khơi gợi quê hương trong mỗi chúng ta, khiến cho người xem như trở về với làng quê Bắc Bộ cổ xưa. Đây là sự thay đổi lớn trong nội dung so với Múa rối nước cổ truyền Việt Nam (chỉ diễn tích, trò, không diễn kịch bản dàn dựng).
Lần công diễn vừa qua, Nhà hát tổ chức bán vé với giá 30.000 đồng môt vé nhưng số lượng khán giả đến xem rất đông. Điều đó cho thấy các nghệ nhân múa rối nước đã "không chỉ phát huy mà còn phát triển" (Lời ông Vương Duy Biên) được nghệ thuật múa rối nước, đưa nó đến được với đông đảo công chúng chứ không chỉ là khách nước ngoài hay những nhà nghiên cứu. Buổi diễn đã thu hút nhiều tầng lớp khán giả: từ cụ già, em bé, hay thanh niên đều thấy có mặt. Khán giả Huy Tuấn 19 tuổi ở Văn Miếu đã thốt lên: “Em thấy hay lắm vì em cứ nghĩ múa rối chỉ có vài trò cũ thôi, lần đầu tiên em thấy được những trò diễn mới và thấy được cảnh quê thế này”.
Quả thực đã lâu lắm rồi, trong một vở diễn của một loại hình dân tộc mới tạo ấn tượng với người xem như thế này.
Kết thúc đợt công diễn, ông Vương Duy Biên tâm sự: “Khi múa rối sắp đươc công nhận làm Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới thì Nhà hát chúng tôi ra vở “Hồn quê”. Sau đợt công diễn đầu tiên, chúng tôi rất vui khi thấy sự đón nhận của công chúng Thủ đô, của các bạn đồng nghiệp, đặc biệt chúng tôi vô cùng vinh dự khi được đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-thông tin Lê Doãn Hợp, Thứ trưởng Bộ VHTT Trần Chiến Thắng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm… Tại buổi biểu diễn, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nhận xét: "Rối nước xem thế này rõ ràng sinh động hơn, và có hơi thở của thời đại".
Gặp gỡ trao đổi với diễn viên trong Nhà hát, chúng tôi được nghe các anh chị tâm sự: “Khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi khi tập vở này chính là sự thay đổi của nghệ thuật múa rối. Từ trước tới nay, rối nước là phải đi với chèo, nay lại phải tiếp xúc với nhạc hiện đại; xưa diễn rối các diễn viên chỉ điều khiển rối thì nay phải ra diễn cùng với các "diễn viên rối". Khi gặp kịch bản mới chúng tôi thật sự ngỡ ngàng không biết Giám đốc Nhà hát định làm gì? Cũng thời gian đó, Nhà hát chúng tôi đang xây dựng lại, các đoàn không có chỗ luyện tập. Để tập luyện, Nhà hát phải mượn địa điểm trường Tiểu học Nguyễn Trãi - Trung Tự. Hơn nữa, hàng ngày các đoàn vẫn phải làm việc và diễn theo lịch. Vì thế, chúng tôi thường tập vở này bắt đầu vào lúc 9 giờ tối hàng ngày tới 1-2 giờ sáng hôm sau, vất vả và mệt mỏi nhưng sau khi vở ra, nhận được nhiều sự ủng hộ của đồng nghiệp chúng tôi hạnh phúc lắm”.
Một điều cũng rất bất ngờ đối với diễn viên nhà hát là sự xúc động của những người trong cùng ngành nghệ thuật khi tới xem. Trung tá Đoàn Lê - Trưởng đoàn chèo Tổng cục Hậu cần sau khi xem xong đã nói với ông Vương Duy Biên: “Tôi cũng là người nhà quê đây! Cảm ơn các anh! Những thứ mà lớp trẻ có thể chưa biết tới hoặc sắp quên thì các anh đã gợi nó lại”.
Để có một "Hồn quê" thành công như vậy, gần nửa năm qua, Nhà hát múa rối phải lặn lội đi tìm những đạo cụ ở miền quê đồng bằng Bắc bộ: những đôi quang gánh, ngọn đèn dầu, áo tơi, cối xay lúa, cối giã gạo... phải tập đi tập lại sao cho những cảnh diễn rối nước và sắp đặt được hài hòa, quyện vào nhau, không gây nên những điều trái ngược giữa nghệ thuật dân tộc cổ truyền và nghệ thuật hiện đại. Nhờ vậy mà "Hồn quê" đã thực sự thu hút khán giả, có thể đưa khán giả về với những miền quê đồng bằng Bắc Bộ đầy mộc mạc, giản dị và chan chứa tình người.
Tháng 12 tới, vở “Hồn quê” sẽ tham gia Liên hoan sân khấu thực nghiệm và diễn cho hội nghị APEC. Mong rằng trong tương lai có nhiều vở diễn mang ý nghĩa giá trị về nghệ thuật và nội dung như “Hồn quê” của Nhà hát múa rối tới với công chúng.
NGỌC HÀ