Hơn nửa đời người gắn bó với nghề

Ghé thăm nhà nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn đúng lúc ông đang cặm cụi hoàn thành các con dấu gỗ. Tận mắt chứng kiến đôi tay thoăn thoắt, tỉ mẩn đục đẽo từng chi tiết và được lắng nghe những tâm sự của nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn, tôi mới phần nào thấu hiểu được những khó khăn cũng như nỗi vất vả để bám trụ lấy nghề.

Nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn tỉ mỉ khắc dấu gỗ.

Nói về cơ duyên đến với nghề điêu khắc con dấu truyền thống, ông Phạm Ngọc Toàn tâm sự: "Từ nhỏ, tôi đã được tiếp xúc với đồ gỗ, chạm trổ, được xem các ông, bà, cô chú tự tay điêu khắc lên những con dấu bằng gỗ với đủ hình thù khác nhau. Sau đó, tôi cũng tự mày mò, vừa nhìn vừa làm theo".

Để tạo ra một con dấu gỗ khắc thủ công, ông Phạm Ngọc Toàn cho biết người nghệ nhân phải trải qua nhiều bước, đó là: Chọn gỗ, mài phôi, vẽ phác họa, chạm khắc... Trong các bước này, công đoạn điêu khắc là quan trọng hơn cả, chỉ một cái lỡ tay là các chi tiết sẽ bị xấu, bị mất đi cái hồn vốn có. Vì vậy, người nghệ nhân khi làm đến bước này phải thực sự chú tâm, cẩn thận.

Dưới bàn tay tài hoa, khéo léo của nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn, các thành phẩm con dấu gỗ dần hình thành và hoàn thiện. Nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn chia sẻ: "Những dấu gỗ khắc nhỏ, họa tiết đơn giản chỉ mất khoảng 15-20 phút là ra thành phẩm, còn những dấu gỗ khắc kích thước lớn, họa tiết cầu kỳ, đòi hỏi sự tỉ mỉ thì phải mất khoảng 3-4 ngày, thậm chí là cả tháng để hoàn thiện.

Cũng theo nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn, khắc dấu gỗ thủ công khó nhất là làm vừa ý khách hàng bởi mỗi người có một yêu cầu khác nhau. Chẳng hạn, một số khách hàng đặt dấu theo tên công ty, nhưng một số khác lại đặt theo hình bùa chú, hợp với phong thủy… Với những hình mới, người nghệ nhân buộc phải tìm hiểu ý nghĩa để có thể thổi hồn và tạo chiều sâu cho những con dấu.

“Nếu khách hàng chọn những con dấu đã có mẫu sẵn thì tôi chỉ việc in thẳng hình lên, còn với những hình mới, tôi phải phác họa theo mô tả của từng người. Sau khi khách hàng hài lòng với hình phác thảo, tôi sẽ gọt tỉa từng chi tiết để cho ra thành phẩm”, ông Phạm Ngọc Toàn thông tin.

Thay đổi để bắt kịp xu hướng

Đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn. 

Nếu như trước đây con dấu gỗ chủ yếu có hình vuông hoặc tròn, khắc chữ triện và một số hoa văn trong tín ngưỡng thì giờ đây để thích nghi với sự phát triển của xã hội và đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, những con dấu đã có sự thay đổi về hình dáng và kích thước. Không chỉ vậy, để bắt kịp xu hướng của giới trẻ, người thợ khắc dấu gỗ thủ công còn phải tự mày mò, học hỏi để sáng tạo ra những con dấu có thiết kế độc lạ, ấn tượng.

Chia sẻ về những khó khăn khi theo đuổi nghề truyền thống, ông Phạm Ngọc Toàn bộc bạch: “Nghề khắc dấu thủ công đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận nhưng thu nhập không cao. Thêm vào đó, cùng với sự phát triển của công nghệ và sự ra đời của nhiều món đồ chơi thiết kế bắt mắt, hiện đại, nghề khắc dấu truyền thống đã phần nào bị mai một. Cũng chính vì thế mà trong thời gian làm nghề đã có thời điểm tôi định dừng lại để chuyển sang làm nghề khác có thu nhập tốt hơn. Tuy nhiên, vì nghĩ đây là nghề truyền thống của cha ông để lại và mong muốn quảng bá nét văn hóa của Việt Nam tới bạn bè quốc tế nên tôi đã quyết tâm bám nghề đến cùng.  

Là một người dành tình yêu đặc biệt cho những con dấu gỗ, anh Trần Minh Hải (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tâm sự: “Đối với tôi, những sản phẩm truyền thống được làm thủ công luôn có một sức hút đặc biệt. Giữa cuộc sống vội vã và bon chen, những con dấu nhỏ như đưa ta về với một không gian cổ kính, truyền thống ngàn xưa của dân tộc. Bởi vậy mà, vào chiều chủ nhật hằng tuần, tôi thường đưa con trai đến cửa hàng của chú Toàn để mua và xem khắc con dấu”.

Cửa hàng nhỏ của nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn trên phố Hàng Quạt.

Thấm thoát đã mấy chục năm gắn bó với nghề khắc dấu gỗ thủ công tại phố Hàng Quạt, giờ đây khi nhắc đến con dấu gỗ truyền thống, ai ai cũng nhớ đến ông Phạm Ngọc Toàn và địa chỉ nhà ông cũng đã trở nên quen thuộc trên nhiều mặt báo trong nước và quốc tế. Thế nhưng với ông, sự nổi tiếng không quan trọng mà quan trọng hơn cả là làm sao giữ được nghề truyền thống trước sự thay đổi của xã hội. Nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn vẫn luôn cho rằng niềm vui và động lực lớn nhất để ông gắn bó với nghề là mỗi thành phẩm do bàn tay mình chế tác được khách hàng đón nhận và trân trọng. 

Bài và ảnh: TÚ ANH