Sinh năm 1984, Trung tá Trần Ngọc Thạch là Chủ nhiệm bộ môn trẻ nhất của Khoa Chiến thuật. Trước đó, suốt 5 năm học tập, anh luôn đạt học viên giỏi, rèn luyện tốt. Tốt nghiệp loại giỏi, anh được giữ lại trường làm giảng viên Khoa Chiến thuật. Trong giảng dạy, anh vận dụng nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học tích cực, khai thác tốt giáo án điện tử vào giảng dạy, vận dụng phần mềm sơ đồ tư duy, các video, hình ảnh minh họa, phần mềm mô phỏng... để tăng tính sinh động của bài giảng; tạo hứng thú học tập, giúp học viên ghi nhớ lâu, kiến thức có sự liên kết với nhau...

 Trung tá Trần Ngọc Thạch (người cầm cờ) duy trì tập bài thực hành huấn luyện đội ngũ chiến thuật tại thao trường. 

Chính vì vậy, Trung tá Trần Ngọc Thạch được lãnh đạo khoa tin tưởng phân công giảng những chủ đề khó. Bản thân anh 5 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; 1 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân; chủ nhiệm một đề tài đoạt giải nhì Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 22 và nhiều giải thưởng, danh hiệu khác.

Phía sau những thành tích ấy của Trung tá Trần Ngọc Thạch, ít ai biết rằng, anh từng quyết định bỏ học khi đang học THPT vì biến cố gia đình. Thầy giáo Quách Hưng Hộ, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lạc Thủy C, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) nhớ lại: “Vào năm học lớp 12, người bố thân yêu của Thạch không may đột ngột qua đời. Quá sốc trước sự ra đi của bố, Thạch quyết định nghỉ học, từ bỏ ước mơ vào đại học để ở nhà phụ giúp mẹ nuôi em ăn học. Các thầy, cô giáo và bạn bè thực sự tiếc cho Thạch vì nhà trường đặt nhiều kỳ vọng vào em. Thế rồi các thầy cô, bạn bè động viên, Thạch đã thay đổi ý định, quyết tâm ôn thi và đã thi đỗ vào Trường Sĩ quan Lục quân 1”.

Đại tá Lương Văn Nhạn, Phó chủ nhiệm khoa Chiến thuật đánh giá: “Trung tá Trần Ngọc Thạch là cán bộ trẻ có năng lực tốt, phương pháp dạy học tích cực, có tinh thần ham học hỏi, cầu tiến bộ và luôn gần gũi, hòa đồng với mọi người. Tôi tin rằng, Thạch sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường binh nghiệp”.

Bài và ảnh: NGUYỄN TIẾN ĐẠT (Khoa Triết học Mác-Lênin, Trường Sĩ quan Chính trị)