Gương mặt mỹ nhân từ truyền thuyết

Với hơn 61 di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, cách mạng kháng chiến, trong đó có 22 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 102 tấm bia, 165 câu đối, 140 hoành phi; 60 sắc phong, 18 chuông, khánh quý cùng hàng ngàn trăm văn vật, hàng nghìn bút tích… sẽ thật khó nếu chỉ đi dạo một vòng để hiểu hết về hồ Tây. 

Chùa Trấn Quốc là một ngôi chùa cổ gắn liền với giá trị lịch sử, văn hóa của Thủ đô Hà Nội ngàn năm tuổi nằm trên một "hòn đảo" duy nhất nằm ở phía Đông hồ Tây. 

Hồ Tây từ lâu đã khiến bao người phải si mê bởi vẻ đẹp cỏ cây, hoa lá bởi sắc nước mây trời sóng sánh ngàn năm thay đổi theo từng giờ, từng phút. Biết bao huyền thoại, trầm tích phủ bóng lên nó trở thành những lễ hội dân gian đặc sắc hay bởi những con người tài hoa quanh cái nôi gió của hồ. 

Đặc biệt, trong văn học Việt Nam thế kỷ XVIII có ba nhà thơ nữ tài danh thì cả ba đều đã sống bên sóng nước hồ Tây và để lại những sáng tác bất hủ nhờ bối cảnh của hồ Tây. Đó là Đoàn thị Điểm, Hồ Xuân Hương và Bà huyện Thanh Quan.

Trong truyền thuyết của cha Lạc Long Quân đã thấy rõ, hồ Tây với vai trò là nhánh còn sót lại của sông Hồng sau khi sông đổi dòng chảy thì không còn bồi đắp đất đai cho Bắc Bộ. Tuy nhiên, hồ Tây đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho bao thế hệ tài tử giai nhân. Hồ Tây lấp lánh cho mình riêng một kho văn học gắn với văn học Thăng Long, phản ánh lịch sử dân tộc, hiện tượng hiếm với nhiều khu vực khác. 

“Lạ thay cảnh Tây hồ!

Lạ thay cảnh Tây hồ!

Trộm nhớ thuở đất chia chín cõi,

Nghe rằng đây đá mọc một gò

Trước Bạch Hồ vào ở đó làm hang, Long vương trổ nên vùng đại trạch,

Sau Kim Ngưu do vào đây hóa vực, Cao vương đào chặn mạch hoàng đô

Tiếng nghe gọi Dâm Đàm, Lãng Bạc,

Cảnh ngầm in tinh chử, băng hồ…”.

                                                                                                   (Tụng Tây Hồ phú, Nguyễn Huy Lượng)

"Tụng Tây Hồ phú" của Nguyễn Huy Lượng viết từ năm 1801 cho một lễ tế tại hồ Tây có câu ngắn, câu dài được vận vần hồ làm người đọc si mê từng chữ, từng từ láy trong bài chỉ dùng một lần không lặp lại góp phần miêu tả mọi khía cạnh của hồ từ lịch sử, vẻ đẹp đến truyền thuyết cổ xưa, văn vật. 

Khi vừa ra đời bài phú được Nho sinh thời ấy tán tụng, ai ai cũng muốn chép lại 86 liên để lưu giữ khiến giá giấy mực ở kinh thành lúc đó cũng tăng theo. Bài phú mở đầu bằng hai câu cảm thán trước cảnh đẹp nơi đây. Điều gì làm nên cảnh “lạ thay cảnh Tây hồ” nếu không phải là bàn tay thần tiên tạo ra.

Hồ Tây từ lâu đã khiến bao người phải si mê bởi vẻ đẹp cỏ cây, hoa lá bởi sắc nước mây trời sóng sánh ngàn năm thay đổi theo từng giờ, từng phút nhất khi hoàng hôn buông xuống. 

Dân gian có nhiều truyền thuyết về sự hình thành hồ Tây, mỗi truyền thuyết theo dòng lịch sử đổi khác nhưng cơ bản vẫn không thay đổi bảo lưu văn hoá Thăng Long gắn liền hay lý giải tên gọi của hồ qua mỗi thời kỳ, có thể kể đến như: Đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm đàm, Tây hồ.

Hồ Tây trong thi ca, văn học 

Không chỉ có văn nhân mà vua Lê Thánh Tông cũng có nhiều bài thơ viết về hồ Tây như "Gặp tiên ở hồ Lãng bạc" (Trích Thánh Tông di thảo); "Hoa sen" bằng chữ Hán và bài "Hoa sen non" bằng chữ Nôm. 

“Dìu dịu Lam Điền ngọc mới tương,

Hồ thanh, sắc ánh, mặt dường gương.

Ngọc in làm dáng tiền sơ đúc,

Chàm nhuộm nên màu, tán chửa giương.

Lạt biếc mới khai mày Thái mẫu,

Thắm hồng còn kín má Vương Tường.

Khách thơ hứng nghĩ hiềm chưa đủ,

Mười trượng hoa thì mười trượng hương”.

                                                                             (Hoa sen non, Lê Thánh Tông)

Trong bài "Hoa sen non" cho thấy cái tài và tâm hồn lãng mạn của người đứng đầu Hội tao đàn Nhị thập Bát tú được thành lập bởi vua Lê Thánh Tông (1442-1498) cùng 28 triều thần sau được hiểu là “Hội nhà văn cung đình của Việt Nam”.

Đến bậc vua chúa còn ca tụng về nơi đây thì còn lạ gì rất nhiều tâm thi sĩ cũng thích làm thơ về hồ Tây, có thể kể đến như: Phùng Khắc Khoan, Ngô Thì Sĩ, Cao Bá Quát, Nguyễn Du…

Không thua kém các nhà thơ, các tác giả văn xuôi cũng có đóng góp không nhỏ vào kho văn chương Tây Hồ như "Vũ Trung tuỳ bút" của Phạm Đình Hổ, "Thượng kinh ký sự" của Hải Thượng Lãn Ông… đều cho thấy hình ảnh hồ nước hiện trên trần ngập lấp lánh. 

Hồ Tây không chỉ như một tấm gương nước, mà còn là một tấm gương phản ánh tâm tư tình cảm của văn nhân thi sĩ. 

Bên cạnh các tác phẩm văn xuôi về Tây hồ về thời kỳ này hoặc để phản ánh đời sống nhộn nhịp của người dân, mô phỏng đền, điện hoặc lên án thói thác lạc của vua quan đương triều. 

Chỉ đến thời hiện đại, nhất là vạt thơ mới năm 1930 - 1945 lại ít thấy hình bóng của hồ Tây. Không biết cái Lạc Hồ trong thơ Thế Lữ có phải tựa hồ Tây không: 

“Hôm qua đi hái mấy vần thơ,

Ở mãi vườn tiên gần Lạc Hồ:

Cảnh tĩnh trong hoa chim mách lẻo.

- Gió đào mơn trớn liễu buông tơ”.

                                                   (Vẻ đẹp thoáng qua, Thế Lữ)

Kể ra cũng thật dễ hiểu khi các nhà thơ thời này muốn xa lánh, vượt trần gian muốn hóa hổ, hóa nai về rừng, muốn tìm đến một tinh cầu giá lạnh cho thỏa cái tôi thì cảnh chỉ là phụ trợ.

Không phải là một đối tượng tạo cảm hứng chính, chỉ từ sau năm 1954 thơ về hồ Tây mới bắt được mạch trở lại với Hồ Dzếnh sen Tây hồ nở muộn niềm đau day dứt đến nỗi khi chẳng thể rủ em đi chợ Đồng Xuân:

“Hồ Tây dẫu muộn mùa sen

Vẫn còn một đóa y nguyên buổi đầu

Như ngày ta mới quen nhau

Thư đưa hồi hộp, tay trao ngượng ngùng

 

Nhớ em nhớ đến khôn cùng

Hương sen càng mát, nỗi lòng càng đau”.

                                                                                      (Rủ em đi chợ Đồng Xuân, Hồ Dzếnh)

Từ đầu thập niên 40 đến sau cách mạng 1945, có nhiều nhà văn sinh trưởng bên hồ đã cho ra nhiều tiểu thuyết gắn với hồ Tây như Người ven thành, Mười năm, Chuyện cũ Hà Nội..., đặc biệt là bài Bút ký Hồ Tây thực sự là áng văn đáng đọc và chiêm ngẫm. 

Không giống như hồ Gươm, thời chiến tranh hồ Tây rộng lớn có thể làm công tác che giấu và bảo vệ cán bộ, điều này được kể trong bút ký “Bãi sậy ven sông Hồng” của Quang Dũng:

“Những người hoạt động nội thành mỗi khi nghĩ đến phía tây và phía bắc của Hà Nội, là nghĩ ngay đến Hồ Tây và bãi sậy sông Hồng. Ai có thể ngờ những mảng bèo ở Hồ Tây lại có thể làm cái công tác che giấu và bảo vệ cán bộ. Người cán bộ nội thành có những lối đi ngay trước mắt địch mà chúng không hề biết. Anh nằm ở ven hồ thì cái mảng bèo rộng có khi hàng mấy mẫu kia đi lừ lừ trên mặt nước theo hướng gió nào, anh phải nắm được. Gió nam thì bèo dạt về phía Nhật Tân, Quảng Bá hay Trích Sài”.

(Bãi sậy ven sông Hồng, Quang Dũng)

Có lúc hàng trăm nhà văn sinh sống và học tập quanh Hồ Tây tại trường Bồi dưỡng viết văn Quảng Bá thành lập năm 1960 thuộc Hội Nhà văn Việt Nam quản lý kéo dài đến năm 1975 thì kết thúc sứ mệnh.

Trải qua 15 năm, Hội Nhà văn Việt Nam đã bồi dưỡng được 7 khóa, giới thiệu được nhiều gương mặt nổi tiếng trên văn đàn. Đến năm 2015, Bảo tàng Văn học Việt Nam được khánh thành tại trường Bồi dưỡng viết văn Quảng Bá xưa trưng bày 4.000 hiện vật của 117 nhà văn nhà thơ. Tất cả đều được gắn bó không rời với Hồ Tây.

Sự thật cho thấy, vẻ đẹp, tình yêu, thiên nhiên, tài trí con người làm cho thi nhân từ cổ chí kim đều say đắm Hồ Tây. Nó phả vào tâm hồn của bất cứ ai yêu mến văn chương, yêu thiên nhiên một niềm say mê dù chưa một lần đặt chân tới.

Bài và ảnh: HỒNG PHÚC