QĐND-Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến
Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi
Còn sót lại trên bàn bông cúc tím
Bốn cánh tàn, ba cánh sắp sửa rơi
Hò hẹn mãi cuối cùng em đã tới
Như cánh chim trong mắt của chân trời
Ta đã chán lời vu vơ, giả dối
Hót lên! Dù đau xót một lần thôi.
Chần chừ mãi cuối cùng em cũng nói
Rằng bồ câu không chết trẻ bao giờ
Anh sợ hãi bây giờ anh mới nhớ
Em hay là cơn bão tự ngàn xa.
Quả tim anh như căn nhà bé nhỏ
Gió em vào - nếu chán - gió lại ra
Hò hẹn mãi cuối cùng em đứng đó
Dẫu mùa thu, hoa cúc cướp anh rồi...
HOÀNG NHUẬN CẦM
Lời bình của VIỆT PHONG
Mỗi nhà thơ có quá trình sáng tác nhất định thì chủ đề có thể thay đổi; nhưng có những yếu tố bất biến tạo thành phong cách thơ ca riêng biệt. Hành trình thi ca của Hoàng Nhuận Cầm là một ví dụ thích hợp để minh họa cho luận điểm nói trên.
Người đọc sẽ còn nhớ rất nhiều những bài thơ của Hoàng Nhuận Cầm những năm 1970-khi đó là chàng sinh viên khoa Văn khoác chiếc áo xanh bộ đội ra chiến trường và… làm thơ. Những năm sau đó, thơ Hoàng Nhuận Cầm hay nói về những chuyện không vui của một người trải qua nhiều tổn thương tinh thần trong cuộc sống. Dù thơ Hoàng Nhuận Cầm già dặn bao nhiêu, rút cuộc, ông vẫn làm thơ bằng cảm xúc bản năng, giọng điệu chân thành, đôi khi là sôi nổi như thời còn thanh niên. Đó chính bản sắc thơ Hoàng Nhuận Cầm, bao năm rồi không đổi!
Cũng như những bài thơ tình của Hoàng Nhuận Cầm viết khi đã là một người đàn ông trưởng thành, “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến” là một bài thơ tình buồn của một mối tình kết thúc không có hậu. Mở đầu bài thơ đã là một sự lỡ hẹn trái ngang trong tình yêu: “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến/ Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi”.
Tình yêu không chỉ đến khi duyên phận được trời định mà đôi khi, tình yêu còn đến từ sự nhẫn nại, đợi chờ như là phép thử đâu là tình yêu đích thực: “Hò hẹn mãi cuối cùng em đã tới/ Như cánh chim trong mắt của chân trời/ Ta đã chán lời vu vơ, giả dối/ Hót lên! Dù đau xót một lần thôi”.
Đọc thơ Hoàng Nhuận Cầm, không nên kỳ vọng thơ của ông sẽ kể một câu chuyện nào đó. Nhiều bài thơ của Hoàng Nhuận Cầm trong đó có bài thơ “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến” chỉ là những suy nghĩ mang tính triết luận về tình yêu, với mỗi khổ thơ là một ý niệm riêng rẽ. Và để những ý niệm triết luận về tình yêu trở nên “mềm hóa”, Hoàng Nhuận Cầm đã sử dụng những hình ảnh cụ thể, thi liệu giàu chất thơ để người đọc tiếp nhận bài thơ theo cảm xúc lãng mạn: “Chần chừ mãi cuối cùng em cũng nói/ Rằng bồ câu không chết trẻ bao giờ/ Anh sợ hãi bây giờ anh mới nhớ/ Em hay là cơn bão tự ngàn xa”.
Đọc khổ thơ thứ ba, ta nhận thấy một sự mơ hồ về ý nghĩa, nhiều người đã có bình luận “bồ câu” và “cơn bão” tượng trưng cho điều gì trong tình yêu? Tiếp nhận thơ không nên cố gắng giải mã theo kiểu rõ ràng “một là một, hai là hai”, mà nên xem khổ thơ này là lời thổ lộ về nỗi lo sợ tình yêu tan vỡ ngay cả khi tình yêu vẫn tồn tại trong nhau.
Hiểu khổ thơ thứ ba như vậy mới thấy ý nghĩa của khổ thơ cuối: “Quả tim anh như căn nhà bé nhỏ/ Gió em vào - nếu chán - gió lại ra/ Hò hẹn mãi cuối cùng em đứng đó/ Dẫu mùa thu, hoa cúc cướp anh rồi...”. Đây là những hình ảnh ngổn ngang, chấp nhận những rủi ro, những cay đắng trong tình yêu có thể đến bất cứ lúc nào. Nhưng một người, lại là một người thơ, sẽ không bao giờ để ý những bất trắc bởi vị ngọt tình yêu mang lại vẫn thật tuyệt vời, vẫn đẹp như mùa thu ngàn đời.
Cả bài thơ “Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến” dù có những câu thơ buồn, ngậm ngùi những dự cảm bất an về một cuộc tình tương lai; vẫn còn đó sự trong trẻo, tươi mới của một trái tim yêu hết mình. Sự trong trẻo giọng điệu, ngôn từ trẻ trung đặc trưng của Hoàng Nhuận Cầm-một nhà thơ suốt đời viết về tuổi trẻ và tình yêu của những người trẻ-chắc chắn sẽ còn quyến rũ bao đôi lứa nhiều năm về sau.