QĐND - Trong suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta để lại nhiều di sản văn hóa quý báu mà một trong số đó là võ thuật cổ truyền. Võ thuật cổ truyền Việt Nam có đặc điểm là luôn vận động và tiếp biến sáng tạo. Sáng tạo để phù hợp với sở trường, khắc phục sở đoản của người Việt Nam. Trong quá trình sáng tạo đó cha ông ta đã lấy nhiều hình tượng của muông thú trong tự nhiên để làm thành những thế võ “khắc địch chế thắng”.

Khi sáng tạo các thế võ, các võ sư thường có xu hướng lấy hình tượng của những loài vật uy mãnh, lanh lẹ như hạc, hổ, voi, rắn, rồng, khỉ. Hình tượng con dê trong võ thuật cổ truyền được thể hiện không nhiều song đó thường là đòn đánh chí mạng. Một trong những thế võ đó là “Hoàng dương thượng giác”, nghĩa là con dê vàng húc sừng. Thế võ này bắt đầu thức từ tư thế trảo mã tấn lấy đà rồi lao thân về phía trước giáng cùi chỏ về đối thủ. Võ sư, NSƯT Khắc Trịnh cho rằng, đây là tư thế phỏng theo hình tượng của con dê đực lúc lao lên bổ sừng vào đối thủ. Thế đánh này rất dũng mãnh, dồn địch thủ vào thế yếu rồi mới ra đòn quyết định. Có thể thấy với thế võ này hình tượng con dê đã được nâng tầm cao trong võ thuật. Qua đó cũng cho thấy cách nhìn nhận của người Việt Nam ta về võ thuật khác nhiều với võ thuật phương bắc khi luôn coi con dê ở kèo dưới như thế võ “Ngạ hổ khiên dương-Cọp đói vồ dê” là một ví dụ.

Đồng diễn võ cổ truyền dân tộc.

Trong võ thuật cổ truyền còn có thế tấn gọi là “kiềm dương tấn”, nghĩa là tấn bắt dê. Theo đó, con dê là loài vật nhỏ người ta không thể cưỡi lên được, và nó cũng quá to để đè bẹp xuống nên người ta chọn phần đầu gối để tì vào lưng dê, con dê có thể nhảy qua nhảy lại nhưng không thoát khỏi lối đè đó. Trong tư thế hai đầu gối hướng vào trục giữa thân phần thân trên của võ sĩ có thể di chuyển rất linh hoạt. “Kiềm dương tấn” hay được thấy ở những đòn thế được coi là mang tính chất âm, nhu, lấy sự vững chắc làm căn bản. “Tấn bắt dê” chắc chắn và cũng rất linh hoạt khi người võ sĩ muốn chuyển sang tư thế khác. Tư thế này thường được các võ sĩ thi đấu đối kháng (tán thủ) luyện tập để gân cốt thêm vững chắc.

Võ cổ truyền Việt Nam luôn coi trọng tính mở trong khi sáng tạo võ thuật. Nhiều võ sư ở các võ đường danh tiếng luôn khuyến khích môn sinh của mình nghiên cứu tạo ra các thế võ mới. Trong đó có việc kết hợp, tiếp biến những “chiêu, thức” có tính linh hoạt và khoa học cao từ nhiều môn phái khác nhau trên thế giới người sáng tạo cũng cần biết quan sát của ứng xử động vật khi bộc phát ra những hành vi bản năng tự vệ. Bồi đắp cho di sản của ông cha để lại luôn là cách làm hay để gìn giữ tinh hoa văn hóa nước nhà.

Bài và ảnh: ĐÔNG HÀ