Sân chơi đoàn kết
Không khí Tết rộn ràng bao trùm Hội trường Đỗ Xuân Hợp của Học viện Quân y khi Đội Thi đua (lưu học sinh Lào) xuất hiện với trang phục Táo quân vui nhộn. Phần chào hỏi của đội nhanh chóng nhận được những tràng pháo tay tán thưởng của khán giả qua màn kịch hài hước vừa thể hiện sự am hiểu phong tục, tập quán Việt Nam, vừa cho thấy khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt rất linh hoạt, dí dỏm.
Trải qua các phần thi của vòng chung kết, 4 đội thi là những học viên Lào, Campuchia đào tạo bác sĩ đa khoa từ khoá DH 52 đến DH 57, đại học dược tại Học viện Quân y đã rất xuất sắc thể hiện sự hiểu biết về văn hóa, con người Việt Nam cũng như tinh thần đoàn kết hữu nghị giữa 3 nước anh em Việt Nam-Lào-Campuchia; truyền thống Học viện Quân y.
 |
Các phần thi thể hiện tinh thần đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa 3 nước anh em Việt Nam-Lào-Campuchia. |
Dù mới học ở Việt Nam được hai năm nhưng học viên Malin Phounsavath (lưu học sinh Lào) đã thể hiện khả năng sử dụng tiếng Việt đáng kinh ngạc. Xuất sắc giành giải Nhất cá nhân tài năng và cùng đồng đội đoạt giải Nhất Hội thi Olympic tiếng Việt lần thứ 3, Malin Phounsavath phấn khởi nói: “Qua hai năm ở đây, em học tiếng Việt từ thầy cô, bạn bè Việt Nam và đọc truyện cổ tích Việt Nam. Đây là lần đầu tiên em dự thi và em thích nhất câu hỏi về lễ hội Đền Hùng. Em mới nghe kể ở Việt Nam có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, cả nước có chung một ngày Giỗ Tổ, mọi người dân là anh em một nhà. Ở Lào không có ngày như vậy nên em rất muốn trực tiếp dự lễ hội đó”.
Còn với học viên Uk Ratanak Piseth (lưu học sinh Campuchia), sau 5 năm học tập ở Học viện Quân y, đây là lần thứ 3 em dự cuộc thi này nên khá tự tin. Đánh giá cao sự chuẩn bị, phối hợp ăn ý của các đội chơi, Uk Ratanak Piseth bộc bạch: “Em đến với hội thi lần này bằng sự cố gắng làm tốt hơn lần trước, đó đã là thành công của em. Mỗi lần thi là một lần có cơ hội để thêm yêu, thêm hiểu về văn hóa, nét ứng xử của người Việt Nam và Học viện Quân y. Những kiến thức bổ ích được học ở Việt Nam chắc chắn sẽ được em mang về phục vụ nhân dân và đất nước Campuchia, nên em sẽ tận dụng tốt nhất thời gian học tập ở đây”.
Phía dưới hội trường, các cổ động viên là học viên Lào, Campuchia và Việt Nam cũng có cơ hội giao lưu kiến thức qua phần giải đố ca dao, tục ngữ tiếng Việt khiến hội thi thực sự là một sân chơi lành mạnh, sôi nổi, góp phần làm phong phú đời sống sinh hoạt tập thể cho học viên.
Cùng chung mái nhà
Với các bạn học viên đào tạo liên kết của hai nước bạn Lào và Campuchia đến học tập tại Học viện Quân y, bên cạnh việc phải vượt qua những khó khăn về thời tiết, văn hóa, khoảng cách địa lý thì ngôn ngữ cũng là một trong những thử thách không hề dễ dàng. Chia sẻ về cuộc thi, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Hệ trưởng Hệ 3, Trưởng ban tổ chức hội thi cho hay: "Với chủ đề “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Học viện Quân y (10-3-1949 / 10-3-2024)", hội thi nhằm bồi dưỡng cho học viên Lào và Campuchia nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Việt trong học tập và cuộc sống, rèn luyện bản lĩnh, tự tin trước đám đông... Từ đó, củng cố niềm tin, mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống mà lớp lớp cha anh đã dày công vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử của 3 dân tộc”.
Hài lòng với phần trả lời trực tiếp của các thí sinh trong phần thi hùng biện, Thượng tá Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng ban giám khảo, Tổ trưởng Tổ Tiếng Việt, Khoa Ngoại ngữ, Học viện Quân y, cho biết: “So với hai kỳ thi trước, lần này thí sinh đã thể hiện rất tốt sự linh hoạt trong sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, đồng thời kiểm soát tốt cảm xúc trên sân khấu”. Theo dõi các thí sinh trong suốt hội thi, Đại tá, TS Nguyễn Thị Tuyết Mai, Chủ nhiệm khoa Ngoại ngữ, Học viện Quân y, chia sẻ: “Các đội thi có sự chuẩn bị kỹ càng, nghiêm túc, thể hiện sự coi trọng cuộc thi và mong muốn giao lưu, học hỏi từ các đội bạn, trau dồi kiến thức, văn hóa tiếng Việt. Nội dung thi không chỉ hướng tới mục đích học tiếng Việt như một ngôn ngữ mà học về văn hóa, trong đó có những nội dung về kiến thức chuyên ngành y, văn hóa đối nhân xử thế hằng ngày của người Việt Nam. Mỗi quốc gia có nền văn hóa riêng, khi về chung một "mái nhà" Học viện Quân y, trong quá trình giảng dạy, những nội dung đưa vào có sự lựa chọn rất kỹ, kết hợp hài hòa văn hóa Việt Nam-Lào-Campuchia".
Bài và ảnh: THU HÀ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.