Ngược dòng thời gian, lần theo bản thần tích xưa và tư liệu lịch sử, chúng tôi trở về những năm tháng hào hùng, khi đất nước bị giặc phương Bắc đô hộ, Hai Bà Trưng đã dấy binh khởi nghĩa. Lời hiệu triệu của hai bà đã thôi thúc nhân dân khắp mọi miền, trong đó, có hai chị em Lê Ả Lan và Lê Anh Tuấn, người Đường Lâm, Sơn Tây.

Vốn là người khôi ngô, tuấn tú, võ nghệ tinh thông, giàu lòng yêu nước, khi Hai Bà Trưng dấy binh, cùng với các vị tướng tài ba dọc miền sông Hồng, hai chị em Lê Ả Lan, Lê Anh Tuấn đã tham gia cuộc khởi nghĩa, được hai bà giao cho những trọng trách quan trọng của các hướng tiến công dọc miền Sơn Tây, Thao Giang, giành được những chiến thắng oanh liệt, hào hùng.

leftcenterrightdel
Đền Nghè Văn Lang, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa. 

 

Từ bao đời nay, bên triền sông Hồng phù sa đỏ nặng, phía hữu ngạn, vùng đất Văn Lang, cư dân quanh vùng vẫn truyền lại tích xưa về hai vị tướng tài ba Lê Ả Lan và Lê Anh Tuấn. Vốn dĩ tại sao quê hương của hai vị ở vùng Sơn Tây nhưng khi thác về trời, lại có đền thờ tại xã Văn Lang, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, duyên cớ là bởi xưa kia, cha mẹ của hai vị vốn là người họ Lê ở Đường Lâm, Sơn Tây, vốn hiếm muộn con cái nên đã ngược dòng sông Hồng lên vùng Hạ Hòa tìm nơi đền miếu thiêng để cầu tự. Đến trang Văn Lang, trời đã tối, tìm đến ngôi đền Mẫu Nam Sang dưới chân núi Am để kêu cầu.

Do trời tối, đường xa dặm thẳm nên ông bà đã ngủ lại đền Nam Sang một đêm. Đang cuối canh ba, bà Đặng bỗng mơ thấy một người phụ nữ tuổi chừng 20, tay cầm hai cành hoa đào, trao cho và nói: “Vợ chồng ngươi có đức dầy, được trời biết đến mà ban cho hai vị Thành hoàng của bản trang, nở hoa sinh con gái, kết quả sinh con trai, nữ làm cung phi, nam làm khanh tướng”. Nói xong thì biến mất. Bà vợ liền đưa hai tay đón xin cả hai cành đào từ người phụ nữ. Tỉnh dậy, vợ chồng ông bà họ Lê biết rằng đây là Mẫu Tiên trên trời xuống ban lộc con cho. Ngày nay, dưới chân núi Am (xã Văn Lang) vẫn còn ngôi đền thờ Đức Thánh Mẫu linh thiêng, là nơi người dân mọi vùng đến cầu tự.

Thời gian trôi qua, ông bà đã sinh được một gái và một trai, đặt tên là Ả Lan và Anh Tuấn. Hai chị em lớn lên đều khôi ngô tuấn tú, thông minh và khỏe mạnh lạ thường. Ông bà đã cho con đi học chữ và đón thầy về dạy võ nghệ, kiếm cung. Năm hai chị em 17-18 tuổi, trời làm đại hạn, ruộng đất nứt nẻ, lúa khoai đều mất mùa, nhân dân khắp nơi đều đói kém. Trong hoàn cảnh ấy, bố mẹ lại bị quan quân đánh đập, ốm nặng mà chết. Hai chị em đi giao du khắp nơi trong thiên hạ để liên kết với các anh hùng hào kiệt.

Khi được tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa, hai chị em đã cùng mọi người kéo về Hát Môn, Phúc Thọ - Sơn Tây được giao làm tướng tiên phong, đem quân đánh giặc ở xứ Thao Giang. Bằng hai cánh quân thủy bộ, đội quân của Lê Ả Lan-Lê Anh Tuấn đi đến đâu, quan quân Đông Hán tan tác đến đó. Khi tới trang Văn Lang, kẻ thù cũng cuống cuồng rút chạy. Lê Ả Lan đem quân đóng giữ vùng Ao Trời còn Lê Anh Tuấn được giao làm phó tướng, đóng quân ở thung lũng chân núi. Ngoài ra, hai chị em còn cho lập đồn trại ở bến đò và bốn bên doanh trại.

Vào dịp tháng Giêng, nữ tướng Lê Ả Lan cho dân giã gạo nếp, thổi xôi, làm bánh, mổ trâu mở hội múa kiếm khao quân. Sau đó, hai chị em được lệnh tiến xuống giải phóng Luy Lâu (Bắc Ninh). Trong khi chiến đấu, Lê Anh Tuấn bị thương nặng ở chốn trận tiền. Sau chiến thắng, hai chị em được phong ấp ở đất Đường Lâm và được trở lại đóng ở Văn Lang. Mấy năm sau, vào ngày 25 tháng 8 âm lịch, cả hai chị em đều mất ở núi Ao Trời (nay thuộc xã Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ). Thần tích đền Nghè Văn Lang còn ghi rõ, khi thắng trận trở về lại đất Văn Lang, khi nhân dân mổ trâu vui mừng đón hai chị em tướng quân thì đi đến giữa đường, trời nổi cơn giông bão, mưa to, hai chị em Ả Lan và Anh Tuấn đã hóa về trời, để lại hai nấm đất mối đã đắp cao.

Sau khi nhị vị tướng quân thác về trời, cư dân trong khu đã báo về kinh đô, Trưng Nữ Vương vô cùng thương tiếc và xuống chiếu cho trang Văn Lang lập miếu thờ và ra sắc phong cho hai vị là Nhất phong Ả Lan Nương Đức Hạnh Đoan Trang Công Chúa và tặng phong "Hằng Nga Uyển Mỵ Trinh Phụ Phu Nhân"; phong thần hiệu cho Lê Anh Tuấn là Lê Anh Tuấn Hiển Vinh Uy Dũng Đại Vương và tặng phong: "Tế Thế Hộ Quốc An Dân, Phu Vạn Quảng Đại Cao Minh, hiệu Hựu Hùng Chấn Đại Vương Thượng Đẳng Thần". Nhân dân Văn Lang hương khói để tưởng nhớ công lao của hai chị em họ Lê đã hết lòng xả thân vì độc lập của dân tộc. Người dân quanh vùng vẫn gọi ngôi đền thiêng nơi đây là đền Nghè. Năm 1992, đền Nghè xã Văn Lang được Bộ Văn hóa-Thông tin cấp bằng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.

Hằng năm, cứ đến mồng 10 tháng Giêng, cư dân Văn Lang lại tổ chức Lễ hội đền Nghè để tưởng nhớ, tri ân công đức hai vị tướng tài ba của dân tộc. Những ngày tháng Giêng, tiết trời ấm áp, sắc xuân rạo rực, nhân dân Văn Lang và con em của xã dù làm ăn ở nơi xa cũng tề tựu về đền Nghè vui hội đền, thắp nén nhang trầm tưởng nhớ, tri ân công đức của hai vị tướng đã có công đánh đuổi ngoại xâm.

Bài và ảnh: NGUYỄN THẾ LƯỢNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.