“Hồi sinh” những bảo vật quốc gia

Nhiều năm nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia (TTLTQG) IV, TP Đà Lạt (Lâm Đồng), miệt mài nghiên cứu và áp dụng thành công nhiều kỹ thuật mới để bảo quản “Mộc bản triều Nguyễn”, với 9 chủ đề: Lịch sử, địa lý, quân sự, pháp chế, văn thơ, tôn giáo-tư tưởng-triết học, ngôn ngữ-văn tự, chính trị-xã hội, văn hóa-giáo dục, 34.619 tấm khắc gỗ văn bản chữ Hán-Nôm thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, không chỉ là nguồn tài liệu quý mà còn là những tác phẩm nghệ thuật. Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc TTLTQG IV cho biết: "Từ năm 2016 đến nay, trung tâm đã nghiên cứu phương pháp vệ sinh tài liệu mộc bản bị rêu mốc, cặn mực bám dày bằng kỹ thuật hiện đại. Quy trình vệ sinh này nhằm giảm tải sức lao động, rút ngắn thời gian thực hiện công việc (vệ sinh hiện đại trung bình mỗi ngày xử lý được khoảng từ 7 đến 9 tấm tài liệu, trong khi vệ sinh mộc bản bằng phương pháp thủ công, 1 tấm phải mất từ 2 đến 4 ngày công) mà không gây ảnh hưởng đến giá trị bảo tồn tài liệu mộc bản. Hiện đã xử lý 12.181 tấm".

Tài liệu “Mộc bản triều Nguyễn” được TTLTQG IV bảo quản trong kho chuyên dụng theo chế độ thông gió tự nhiên, không làm lạnh, chỉ sử dụng chế độ quạt gió của hệ thống điều hòa không khí. Bên cạnh đó, nhà kho chuyên dụng còn được trang bị hệ thống phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm an ninh hiện đại.

leftcenterrightdel
Cán bộ Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV kiểm tra tình trạng vật lý của "Mộc bản triều Nguyễn". Ảnh: NGUYỄN XUÂN

Công tác bảo quản công phu, tốn tiền bạc và công sức bao nhiêu thì việc làm sao để những di sản ấy “sống lại” trong đời sống đương đại, phát huy được giá trị trong mọi mặt đời sống là điều mà những người làm công tác bảo tồn, lưu trữ và nghiên cứu luôn trăn trở. Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (VT, LTNN): Hiện Việt Nam có 7 di sản tư liệu, trong đó 3 di sản tư liệu thế giới, 4 di sản tư liệu châu Á-Thái Bình Dương. Là cơ quan đầu ngành về lưu trữ, di sản sau khi được vinh danh, Cục VT, LTNN có sứ mệnh, trách nhiệm bảo quản an toàn và phát huy giá trị của các di sản, đáp ứng yêu cầu của Chương trình Ký ức thế giới đặt ra.

“Mộc bản triều Nguyễn” và “Châu bản triều Nguyễn” (được UNESCO công nhận năm 2014) là hai di sản thuộc quyền quản lý của Cục VT, LTNN. Để phát huy giá trị những di sản sau khi được vinh danh, hằng năm cục đã tổ chức nhiều hoạt động nghiệp vụ như: Xây dựng phim, clip ngắn và nhiều ấn phẩm công bố nội dung mộc bản; biên soạn và xuất bản những cuốn sách giới thiệu về “Mộc bản triều Nguyễn”. Những công trình nghiên cứu, tạo điều kiện tốt nhất kéo dài tuổi thọ cho di sản cũng được tiến hành thường xuyên. Cùng với đó là các hình thức khác như: Triển lãm lưu động, tại chỗ và triển lãm chuyên đề; biên soạn và xuất bản sách giới thiệu về “Mộc bản triều Nguyễn”, trao phiên bản tài liệu mộc bản tặng một số tỉnh, thành phố xây dựng trang thông tin điện tử mocban.vn giới thiệu tài liệu; thông qua chuỗi sự kiện “Di sản với học đường”, giới thiệu tài liệu “Mộc bản triều Nguyễn” đến các trường học... Do đó, không chỉ những nhà nghiên cứu mà tất cả người dân có nhu cầu đều được tiếp cận di sản như một tài liệu có tính xác thực, chính thống, làm tham chiếu cho nhiều vấn đề của hiện tại.

Hành trình để di sản tỏa sáng

Di sản tư liệu là thuật ngữ được sử dụng bởi Chương trình Ký ức thế giới do UNESCO khởi xướng từ năm 1992, nhằm chỉ những tư liệu, tài liệu có giá trị đặc biệt và có tầm ảnh hưởng rộng lớn trên thế giới. Di sản tư liệu được xem là những bảo vật, tài sản quan trọng của quốc gia, qua đó có thể hiểu được về lịch sử, văn hóa, kinh tế-chính trị và các lĩnh vực xã hội của cả nước hay từng vùng, miền, dân tộc, ngành nghề, dòng họ...

Đây đều là những di sản được coi là quốc bảo có giá trị nổi bật với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, tính duy nhất không thể thay thế và sức ảnh hưởng sâu rộng. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, PGS, TS Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhấn mạnh: “Việc phát huy giá trị di sản trong cuộc sống đương đại là vấn đề khó vì liên quan đến công tác bảo quản nghiêm ngặt của công tác bảo tồn. Tuy nhiên, ở góc độ nhà nghiên cứu, các nhà khoa học có thể tiếp cận tài liệu ở nhiều khía cạnh khác nhau, có những bài báo, công bố khoa học trên các tạp chí trong nước và quốc tế, góp phần xã hội hóa những kiến thức trong tư liệu”.

GS Trần Lâm Biền cho rằng: “Giá trị tự thân đích thực của những tư liệu là điều quan trọng nhất, việc được công nhận chỉ khẳng định giá trị của hệ thống tư liệu ấy. Cái hay nhất của "Mộc bản triều Nguyễn là vấn đề lịch sử gắn với chủ quyền của người Việt Nam. Những chứng cứ cụ thể ấy được thế giới công nhận. Do đó, những tư liệu này phải được coi trọng tuyên truyền, nếu không vai trò của nó sẽ bị chìm vào lãng quên”. GS Trần Lâm Biền nêu cụ thể, di sản “Mộc bản trường Phúc Giang” hay cuốn sách “Hoàng Hoa sứ trình đồ” đều thuộc về dòng họ Nguyễn Huy (Hà Tĩnh). Trong đó, "Mộc bản trường Phúc Giang" gồm hơn 2.000 bản gỗ thị lâu năm, khắc chữ Hán ngược tinh xảo, với nhiều dạng chữ như: Lệ thư, thảo thư, giản tự, cổ tự... để in sách phục vụ việc giáo dục, khoa cử chọn nhân tài cho quốc gia cuối thời Hậu Lê. Qua hồ sơ cho thấy kho tàng di sản có thể đang hiện hữu trong bất kỳ bộ sưu tập của cá nhân hoặc được các gia đình, dòng họ lưu giữ, với đa dạng thể loại, phong phú hình thức thể hiện.   

Góp phần vào việc quảng bá di sản tư liệu thế giới ở Việt Nam đến với người dân trong nước và thế giới một cách rộng rãi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai kế hoạch hưởng ứng thông báo của UNESCO về việc khởi động đăng ký hồ sơ trình đưa vào Danh sách Di sản tư liệu thế giới của Chương trình Ký ức thế giới năm 2020-2023 từ ngày 30-7-2021. Hoạt động này trước mắt giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm kê, phân loại các loại tài liệu; khích lệ các nhà nghiên cứu, khoa học bắt tay vào nghiên cứu, đánh giá những giá trị, tiến tới xây dựng hồ sơ di sản; đồng thời “đánh thức” những di sản tư liệu quý giá ở trong cộng đồng.

Hành trình khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa của các di sản tư liệu có lẽ sẽ còn là một chặng đường dài. Hy vọng, trải qua bao biến cố, với ý thức và sự chung tay của cả cộng đồng, các di sản tư liệu sẽ được quan tâm, triển khai với nhiều kế hoạch hành động, góp phần hồi sinh trở lại kho tàng giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc.   

Ngày 15-7-2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1230/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025, tạo thêm những đường lối, chủ trương để thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, các công trình có giá trị tiêu biểu quốc gia, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam vì sự phát triển bền vững đất nước.

THU HÀ