Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội dự hội nghị. Cùng dự hội nghị còn có đại diện các bộ, ban ngành Trung ương và đại diện, lãnh đạo các địa phương trực thuộc TP Hà Nội.

Báo cáo tại hội nghị chỉ rõ, trong 10 năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, song trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Thủ đô tạo sự chuyển biến tích cực với những kết quả nổi bật.

Cụ thể, Thành ủy Hà Nội tiếp tục quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo những chủ trương, quan điểm về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam của Trung ương, kế thừa và phát huy tốt những thành tựu đạt được sau 15 năm Hà Nội thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), khẳng định cách làm sáng tạo, hiệu quả và phù hợp với tình hình cụ thể của Hà Nội, từng bước đáp ứng yêu cầu cũng như xu thế của thời đại.

Hà Nội đã cụ thể hóa bằng các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thiết thực. Đặc biệt, Thành phố quan tâm tới xây dựng chiến lược, tầm nhìn phát triển văn hóa phù hợp với xu thế của thời đại như việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội và lãnh đạo TP Hà Nội trao thưởng tặng các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW. 

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai được thực hiện nhất quán từ Thành phố tới cơ sở gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị các cấp, xây dựng đội ngũ làm công tác văn hóa, tăng cường nguồn lực cho văn hóa.

Đáng chú ý, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo cụ thể hóa việc phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Các phong trào quần chúng được phát động gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và phong trào xây dựng nông thôn mới thu hút đông đảo quần chúng tham gia, bước đầu hình thành nhiều mô hình về văn hóa và thể thao ở cơ sở.

Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Hà Nội được chú trọng. Nhiều công trình văn hóa được đầu tư, tôn tạo và phát huy vai trò đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân Thủ đô. Hà Nội là đơn vị đi đầu trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể góp phần làm rõ hơn bản sắc văn hóa Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Các đại biểu dự hội nghị. 

Chất lượng của các hoạt động văn hóa, văn nghệ ngày càng được đổi mới và nâng cao; sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật phong phú, đa dạng. Thành phố Hà Nội với vai trò là cơ quan thường trực chủ trì đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn của đất nước và Thủ đô để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế có nhiều khởi sắc. Công tác tuyên truyền, quảng bá về lịch sử, văn hóa của Hà Nội trên lĩnh vực thông tin đối ngoại có nhiều đổi mới, đạt hiệu quả cao.

Công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình mới được thực hiện chặt chẽ và đồng bộ từ thành phố tới cơ sở, trong đó môi trường mạng xã hội được quan tâm chỉ đạo. Kết quả đã ngăn chặn và xử lý kịp thời những sự việc phức tạp xảy ra trên địa bàn, được Trung ương đánh giá cao.

Một tiết mục văn nghệ tại hội nghị. 

Đặc biệt, Thành phố Hà Nội luôn quan tâm chăm lo và phát huy được trách nhiệm, tình yêu Hà Nội của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, cộng đồng xã hội trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nội. Tạo không gian và điều kiện cho các trào lưu văn hóa mới và tích cực xuất hiện và phát triển từ cộng đồng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Báo cáo cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế; rút ra 7 bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai Nghị quyết trên địa bàn Thủ đô Hà Nội; đồng thời đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết trong thời gian tới.

Tin, ảnh: TUẤN SƠN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.