Đến nay, sau 55 năm xây dựng và phát triển, Nhà hát Múa rối Thăng Long biểu diễn liên tục xuyên suốt 365 ngày/năm, với mỗi ngày từ 5 đến 8 suất diễn, trở thành thương hiệu hàng đầu của nghệ thuật múa rối Việt Nam.

Nhớ lại những ngày đầu hoạt động, nghệ sĩ Lê Văn Ngọ, nguyên Trưởng Đoàn múa rối Hà Nội (nay là Nhà hát Múa rối Thăng Long) không khỏi xúc động: “Ban đầu, đoàn chỉ biểu diễn miễn phí cho thiếu nhi xem. Lúc đó chúng tôi kêu gọi được các thành viên từ các phường rối của Hà Nội cùng tham gia, hướng dẫn lẫn nhau, vừa diễn những tích trò truyền thống vừa chế tác con rối rồi dần nâng cấp lên thành các tiết mục. Khi đã tạo thành “địa chỉ đỏ” biểu diễn múa rối phục vụ nhân dân và du khách tại 57B Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm) thì chúng tôi quay ngược trở lại giúp 5 phường rối của Hà Nội phục dựng các tích trò và đưa du khách về trải nghiệm, thưởng thức múa rối. Hơn nửa thế kỷ qua, nghệ thuật múa rối của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung đã luôn được bảo tồn và phát triển”.

Vở rối “Hoàng đế cờ lau” của Nhà hát Múa rối Thăng Long đoạt Huy chương vàng tại Liên hoan sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024. 

Trong suốt 55 năm qua (1969-2024), Nhà hát Múa rối Thăng Long không chỉ trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế, mà còn quảng bá, gây ấn tượng sâu đậm về nghệ thuật múa rối nước truyền thống độc đáo của Việt Nam với công chúng tại hơn 40 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, với sự đóng góp công sức của nhiều thế hệ nghệ sĩ, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã khẳng định được tên tuổi và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả, góp phần đưa nghệ thuật rối nước truyền thống nói riêng, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam nói chung ra thế giới.

Theo Nghệ sĩ Ưu tú Trần Thị Hiền, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, trung bình mỗi ngày, đơn vị biểu diễn 5 suất, thu hút hơn 300 khách mỗi suất, có thời điểm lên tới 8 suất/ngày. Hầu hết du khách nước ngoài khi công tác, làm việc hay du lịch tại Hà Nội đều ghé thăm Nhà hát để thưởng thức chương trình múa rối. Trong các chuyến lưu diễn quốc tế, đơn vị đã phục vụ hơn 200.000 khán giả. Những con số ấn tượng này đã xác lập kỷ lục người xem của Nhà hát. Với những thành tích xuất sắc trong hoạt động nghệ thuật, năm 2007, Nhà hát Múa rối Thăng Long trở thành đơn vị nghệ thuật duy nhất được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Biểu diễn tất cả 365 ngày/năm” với 2.000 suất diễn. Năm 2013, Trung tâm Sách kỷ lục châu Á xác nhận Nhà hát là đơn vị duy nhất ở châu Á đạt kỷ lục “Diễn rối nước 365 ngày/năm” (1994-2013), đồng thời có buổi biểu diễn rối nước dài nhất. 

Năm 2024, Nhà hát nhận được hàng loạt đánh giá 5 sao từ khách du lịch quốc tế trên TripAdvisor-nền tảng du lịch lớn nhất thế giới; lọt vào tốp 10% hoạt động giải trí trên toàn cầu và được trao giải thưởng Tripadvisor Travelers’ Choice Awards 2024 (cấp 2)... Mới đây, Nhà hát đã triển khai sáng kiến, trước khi vào xem, khán giả có thể lựa chọn bộ thông dịch gồm 8 thứ tiếng được thu âm sẵn. Trong quá trình theo dõi buổi diễn, cứ đến tiết mục nào, kỹ thuật viên sẽ bấm trực tiếp vào nội dung tương ứng để chuyển tải đến khán giả. Nhờ vậy, khoảng cách giữa người xem và nghệ sĩ được rút ngắn đáng kể; những hình dung, tưởng tượng về truyền thống, phong tục, văn hóa và vẻ đẹp của Đồng bằng Bắc Bộ, của đất nước Việt Nam cũng nhờ thế mà được khích lệ, gợi mở hơn rất nhiều.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhận xét, Nhà hát Múa rối Thăng Long không chỉ là nơi biểu diễn mà còn là nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại, đưa văn hóa Việt hòa mình vào dòng chảy của văn hóa thế giới.

Bài và ảnh: MINH ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.