Đây cũng là nơi hun đúc truyền thống tôn sư trọng đạo, khuyến học, khuyến tài.

Sơn Tây-xứ Đoài là vùng "địa linh nhân kiệt". Nhiều danh sĩ hiền tài, đỗ đạt cao trong các kỳ thi đã làm thơm danh mảnh đất nghìn năm văn vật. Về Sơn Tây là về miền di sản, nơi lưu danh những nhà khoa bảng trong sử sách. Theo thống kê từ cuốn “Các nhà khoa bảng Việt Nam” trong hơn 850 năm của nền giáo dục và khoa cử Nho học, tỉnh Sơn Tây (trước đây) có 68 người đỗ đại khoa.

Tìm hiểu truyền thống khoa bảng của xứ Đoài, Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, Sơn Tây là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và hiếu học. Các vị tiến sĩ quê Sơn Tây đã đảm nhiệm các vị trí khác nhau trong bộ máy hành chính các cấp, trong đó có 4 người làm tể tướng và phó tể tướng, 12 người làm thượng thư. Một số danh sĩ nổi tiếng là bậc đống lương hiền tài giúp nước như: Giang Văn Minh, Trần Văn Huy, Phùng Khắc Khoan, Phan Huy Ích...

Văn miếu Sơn Tây-nơi tôn thờ các bậc tiên hiền, khoa bảng. 

Tại Hội thảo khoa học “Các nhà khoa bảng Sơn Tây và Văn miếu Sơn Tây” tổ chức năm 2024, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tú, Phó giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn miếu-Quốc Tử Giám thông tin: Với 32 vị đại khoa được khắc tên trên bia tiến sĩ tại Văn miếu-Quốc Tử Giám, Sơn Tây xứng đáng là vùng "địa linh nhân kiệt", góp phần làm giàu truyền thống giáo dục, khoa bảng Việt Nam.

Với ý nghĩa tôn vinh những bậc khoa bảng hiền tài, Văn miếu Sơn Tây được triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng vào năm 1892. Văn miếu Sơn Tây nằm trong hệ thống văn miếu cấp tỉnh của cả nước như Văn miếu Mao Điền (Hải Dương), Văn miếu Xích Đằng (Hưng Yên), Văn miếu Trấn Biên (Đồng Nai)...

Trải qua những biến thiên của thời gian, Văn miếu Sơn Tây được di dời, trùng tu, sau đó bị chiến tranh tàn phá. Năm 2007, Văn miếu Sơn Tây được UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Giai đoạn 2008-2018, Nhà nước đầu tư, tôn tạo các hạng mục trong Khu di tích Văn miếu Sơn Tây. Đến nay, các hạng mục chính trải dài theo trục thần đạo Bắc-Nam gồm: Văn miếu môn, lầu chuông, lầu khánh, tả vu, hữu vu, thượng điện, bái đường, đền khải thánh, sân lễ hội.

Tọa lạc trên vùng đất cổ, Văn miếu Sơn Tây hiện lên như đóa sen làm ngát hương vùng đất văn hiến xứ Đoài. Cùng với tôn thờ các bậc tiên hiền, khoa bảng, nhiều hoạt động khuyến học, khuyến tài được tổ chức tại văn miếu như lễ khai bút, xin chữ đầu năm, tuyên dương học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập, tổ chức tham quan học tập thực tế giáo dục truyền thống.

Để phát huy giá trị Văn miếu Sơn Tây, đồng chí Lê Đại Thăng, Phó chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết: “Địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, vị thế của các nhà khoa bảng xứ Đoài, hoàn thành khôi phục dữ liệu cơ sở Văn miếu Sơn Tây, tổ chức các hoạt động khoa học, văn hóa, ứng dụng công nghệ 3D, mapping, thực cảnh kỳ thi hương, thi hội, thi đình tại di tích. Địa phương gắn kết hoạt động tham quan văn miếu với các di tích khác trên địa bàn thị xã, qua đó lan tỏa truyền thống hiếu học cũng như nét đẹp miền di sản Sơn Tây-xứ Đoài”.

Bài và ảnh: HỒNG THÚY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.