Thong dong bước vào cổng tam quan, ông Nguyễn Quốc Thắng, Trưởng ban quản lý di tích đền Hát Môn ngâm nga câu thơ: “Một xin rửa sạch nước thù/ Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng /Ba kêu oan ức lòng chồng/ Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”. Trải qua gần 2.000 năm lịch sử, câu thơ trên trong lời thề trước ngày xuất trận đánh giặc Đông Hán của Hai Bà Trưng vẫn vang vọng núi sông; là biểu tượng về ý chí, lòng gan dạ của người phụ nữ Việt Nam. 

Đã ngoài tuổi thất tuần, ông Nguyễn Quốc Thắng vẫn nhớ rõ giai thoại về Hai Bà Trưng gắn với vùng đất Hát Môn. Sau khi thắp nén hương thơm với tấm lòng thành kính, ông Thắng kể: "Tương truyền rằng, trước khi gieo mình xuống dòng Hát giang, Hai Bà Trưng nghỉ chân ở hàng nước, được bà chủ quán dâng mời bánh trôi và hai quả muỗm. Hạt muỗm mà hai bà ăn không lâu sau mọc lên hai cây muỗm. Sau này, khi dân làng dựng đền thờ tưởng nhớ hai bà đã chọn hai cây muỗm làm hướng của ngôi đền”.

leftcenterrightdel
Phương đình của đền Hát Môn. 

Đền Hát Môn quay hướng Tây Nam, gồm các công trình kiến trúc chính: Quán tiên, miếu tạm ngự, nghi môn, phương đình, đàn thề, tam quan, tiền tế, trung đường, hậu cung... Đến nay, ngôi đền vẫn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật quý giá như: 22 đạo sắc phong, long ngai, bài vị, kiệu song loan, hoành phi câu đối... Mỗi năm, đền Hát Môn có 3 lễ lớn là mồng 6 tháng Ba âm lịch (giỗ Hai Bà Trưng), mồng 4 tháng Chín âm lịch (kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng khao quân) và ngày 24 tháng Chạp (lễ mộc dục).

Bao năm qua, tục làm bánh trôi và lễ rước bánh trôi dâng Hai Bà Trưng trở thành một sinh hoạt văn hóa độc đáo của vùng đất Hát Môn. Ông Nguyễn Quốc Thắng cho hay: “Người dân Hát Môn chỉ ăn bánh trôi sau mồng 6 tháng Ba âm lịch nhằm thể hiện lòng thành kính với anh linh Hai Bà Trưng. Vào những dịp lễ, tết, những người con Hát Môn nói riêng và Phúc Thọ nói chung luôn hướng về quê hương nhằm tưởng nhớ công đức Hai Bà Trưng”.

Từ khi được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2013, đền Hát Môn đã được tu sửa để chống xuống cấp. Ngoài ra, lễ hội truyền thống đền Hát Môn được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trở thành sự kiện văn hóa tiêu biểu của quê hương Phúc Thọ.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phúc Thọ cho biết: “Chuẩn bị cho lễ dâng hương kỷ niệm 1981 năm Ngày giỗ Hai Bà Trưng và Lễ hội truyền thống đền Hát Môn năm 2024, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phúc Thọ đã phối hợp với UBND xã Hát Môn họp, thống nhất phương án tổ chức bảo đảm lễ hội mang tính giáo dục truyền thống tốt đẹp, thiết thực, hiệu quả, an toàn và tiết kiệm”.

Trong Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Phúc Thọ đến năm 2030 và những năm tiếp theo”, đền Hát Môn được UBND huyện Phúc Thọ xây dựng trở thành điểm du lịch cấp TP Hà Nội. “UBND huyện Phúc Thọ đang bắt đầu thực hiện lập kế hoạch mở rộng di tích đền Hát Môn để bảo đảm không gian phát huy giá trị di tích và tổ chức lễ hội.

Trong tương lai, đền Hát Môn sẽ trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Thủ đô, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và khí tiết người phụ nữ Việt Nam thông qua hình tượng Hai Bà Trưng”, ông Nguyễn Minh Tuấn cho hay.

Bài và ảnh: THANH ĐA

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.