Thôn Bình Vọng tên Nôm là Bằng. Theo chiết tự, “Bình Vọng” tức là đứng trên thế đất bằng phẳng để nhìn xa rộng, suy xét mọi điều. Trên con đường dẫn vào cụm di tích đình, chùa Bình Vọng có một cây cầu ngói cong cong đẹp tựa nét vẽ trên bức tranh thôn quê yên bình. Cầu ngói Bình Vọng là một trong số ít cây cầu ngói còn lại ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Giữa tiết xuân ấm áp, ông Dương Văn Phi cùng mấy người bạn cao niên thong dong bước qua cầu ngói. Vốn là thầy giáo, lại hay nghiên cứu lịch sử, ông Phi giảng giải rành rẽ về sự hiện diện của cầu ngói. Kiến trúc đặc trưng của cây cầu theo kiểu "thượng gia hạ kiều" (trên là nhà, dưới là cầu). Phần thượng gia có 7 gian, gồm 5 gian giữa và 2 gian ở hai đầu cầu. Hệ vì kèo bằng gỗ gồm hai hàng cột cái và hai hàng cột quân được liên kết theo kiểu chồng rường, giá chiêng. Phần cột cái giữa cầu có tiết diện hình vuông, trên thân cột có 4 đôi câu đối do các cụ cao niên trong làng viết. Mái lợp ngói vẩy xuôi thấp xuống hai bên.

leftcenterrightdel

Cây cầu ngói hiện hữu giữa không gian làng cổ Bình Vọng (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, TP Hà Nội). 

Từ ngoài nhìn vào hai đầu cầu, đầu đao uốn cong tựa mái chùa. Trên mỗi bẩy hiên đều chạm khắc nổi hình rồng cùng hoa văn trang trí hoa đào, cúc dây, chữ vạn... Phần hạ kiều đúc bê tông giả đá, trên các mố, trụ đắp đầu rồng. Sàn cầu lát gỗ, hai bên có hành lang trang trí con tiện bằng gỗ. Ông Lương Khắc Hùng, Trưởng thôn Bình Vọng cho biết: “Cầu ngói được phục dựng lại nhưng vẫn giữ nét kiến trúc truyền thống. Công trình tạo điểm nhấn độc đáo trong tổng thể khuôn viên di tích của thôn”.

Qua tháng năm, cầu lặng lẽ soi bóng dưới ao làng. Hai bên là hàng muỗm cổ thụ tỏa bóng che mát. Mùa xuân, hoa muỗm nở trắng, rụng rơi những đốm nhỏ trên mái ngói cũ. Dịp hội làng, người dân nô nức bước qua cầu ngói vào đình. Nhịp cầu là nơi dừng chân để khách thập phương chiêm bái cảnh sắc, chỉnh trang y phục chuẩn bị vào chốn tôn nghiêm.

Các cụ trong làng vẫn truyền nhau rằng, xưa các nho sĩ thường ra đứng ngắm cầu soi bóng nước, thưởng lãm cảnh đẹp, luận bàn thi ca. Các nho sĩ lập ra hội tư văn có lời ngợi ca rằng: “Ở thôn ta, văn chương, bút tích la liệt, địa linh nhân kiệt chỗ nào cũng có. Các tài tử, văn nhân nối tiếp nhau mà ra thi thố với đời”. Hình ảnh cây cầu thân thuộc đã đi vào thi ca do chính những người con quê hương Bình Vọng sáng tác. Tiếp nối truyền thống khoa bảng, yêu văn chương, Câu lạc bộ thơ Bình Vọng ngày nay duy trì sinh hoạt đều đặn. Cây cầu ngói cũ vẫn là đề tài lấp lánh trong mỗi vần thơ.

Chia tay ngôi làng cổ giữa chiều xuân vương nắng ấm, những vần thơ ngợi ca cầu ngói được ông Dương Văn Phi xướng lên đầy tự hào: Giữa làng tôi, chiếc cầu cong/ Hồng tươi như dáng cầu vồng đón mưa/ Làn mi ai dõi như mơ/ Tự ngàn xưa, tự ngàn xưa hiện về.

Bài và ảnh: THẾ ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.