Với giá trị ý nghĩa lịch sử, văn hóa, ngày 28-2-2025, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1168/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích cho 17 di tích trên địa bàn thành phố, trong đó có di tích lịch sử văn hóa Đình Gia Thượng và Đền Rừng.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Hoàng Văn Lực, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy, Trưởng Ban quản lý di tích phường Ngọc Thụy nhấn mạnh, đây là sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng và ý nghĩa của địa phương, khẳng định vị thế và giá trị của di tích trong quá trình hình thành và phát triển cộng đồng làng Gia Thượng xưa. Đồng thời ghi nhận những công lao to lớn của dân làng qua nhiều thế hệ đã có công xây dựng và gìn giữ các di sản văn hóa di sản của địa phương.
 |
Chiều 9-4, Ban quản lý Di tích tổ chức Lễ rước Bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố từ UBND phường Ngọc Thụy về Đình Gia Thượng.
|
 |
Bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở văn hóa, thể thao Hà Nội trao bằng xếp hạng di tích cho đại diện lãnh đạo địa phương và các thành viên Ban Quản lý di tích. |
“Đây không chỉ là niềm tự hào, vinh dự lớn lao của nhân dân địa phương mà còn là sự khẳng định những giá trị văn hóa, tâm linh đặc sắc, cần tiếp tục được gìn giữ và phát huy trong đời sống hiện đại”, ông Hoàng Văn Lực khẳng định.
Tại buổi lễ đã diễn ra chương trình nghệ thuật “Gia Thượng - Mảnh đất linh thiêng - Khát vọng bừng sáng” tái hiện lịch sử hình thành và phát triển của đình làng thông qua ba chương: Chương I: Gia Thượng - Khởi nguồn đất địa linh; Chương II: Đất Gia Thượng - Bốn mùa hương sắc; Chương III: Gia Thượng - Khát vọng bừng sáng.
 |
Đông đảo người dân phường Ngọc Thụy, Long Biên đến tham gia chương trình.
|
Ông Nguyễn Chí Vinh, Trưởng Tiểu ban Quản lý Di tích cụm dân cư Gia Thượng cho biết, Đình Gia Thượng, tọa lạc tại tổ dân phố 20, phường Ngọc Thụy, là công trình tín ngưỡng quan trọng gắn bó lâu đời với cộng đồng dân cư làng Gia Thượng. Đình thờ năm vị Thần Hoàng, trong đó có Linh Lang Đại Vương và Cao Sơn Đại Vương. Năm 1947, đình bị thực dân Pháp đánh bom, đốt phá. Năm 2002, chính quyền và nhân dân địa phương đã đầu tư xây dựng lại ngôi đình khang trang hơn và trở thành không gian sinh hoạt văn hóa của người dân qua nhiều thế hệ.
Cùng với Đình Gia Thượng, Đền Rừng cũng được công nhận là một di tích lịch sử văn hóa quan trọng. Nằm tại vị trí đắc địa hướng ra sông Hồng, Đền Rừng có không gian linh thiêng và thoáng đãng, thu hút đông đảo du khách thập phương. Đền phụng thờ Tứ Vị Linh Từ, Nhị Vị Chúa Bà, các vị Thánh, Thần bảo hộ vùng đất và các vị đồng đền có công duy trì các hoạt động tín ngưỡng tại di tích. Hiện nay, Đền Rừng là trung tâm thực hành văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu và tổ chức nhiều sự kiện văn hóa quan trọng của địa phương.
Tin, ảnh: PHƯƠNG UYÊN - MINH TRANG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.