Khắc khoải những nỗi niềm

Khó có thể đong đếm có bao nhiêu vở diễn sân khấu tôn vinh hình tượng phụ nữ. Từ những vở diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch đến các vở kịch nói, và ngay cả nghệ thuật xiếc những năm gần đây cũng đã dàn dựng nhiều tiết mục, vở diễn tôn vinh hình tượng phụ nữ cả trong dân gian, lịch sử lẫn đương đại.

Mọi người vẫn nói, tôi là đạo diễn nữ nên ưu ái phụ nữ. Đúng vậy, với mỗi vở diễn, dù là nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch, hay kịch nói thì tôi đều khắc khoải những nỗi niềm để có thể xây dựng hình tượng người phụ nữ một cách đời nhất; đồng thời cố gắng khắc họa sứ mệnh của họ trong từng thời kỳ lịch sử của đất nước. Khi tôi dựng những vở diễn về phụ nữ, nhiều nhân vật cứ ám ảnh tôi mãi.

  Cảnh trong vở cải lương “Bà chúa Mõ” khắc họa chân dung Công chúa Quỳnh Trân. Ảnh: HÀ AN

Ví dụ như nàng Công chúa An Tư thời nhà Trần trong vở “Trung trinh liệt nữ” (vở diễn được Nhà hát Chèo Hà Nội dàn dựng, đoạt Huy chương Vàng Liên hoan sân khấu Thủ đô năm 2022). Vở diễn khai thác giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời Công chúa An Tư-em gái Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và là cô ruột Vua Trần Nhân Tông. Khi quân Nguyên do tướng giặc Thoát Hoan dẫn đầu xâm lược Đại Việt lần thứ hai, đánh vào kinh thành Thăng Long để kìm hãm quân giặc, Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông quyết định dùng mỹ nhân kế.

Công chúa An Tư chấp nhận gạt tình riêng, hy sinh bản thân để trở thành “cống vật”, làm thiếp của tướng giặc Thoát Hoan. Nàng làm nội gián, hóa thành ngọn đuốc dẫn đường cho quân nhà Trần truy bắt Thoát Hoan... Câu chuyện Công chúa An Tư gây nhiều thương cảm vì tư liệu về bà sau khi gánh vác trọng trách với non sông lại khá mịt mờ. Sau chiến thắng quân Nguyên Mông, gần như bà cũng “biến mất” trong tư liệu lịch sử. Có giai thoại nói bà mất trên một dòng sông, trên đường bị Thoát Hoan đưa về nước.

Đau đáu với nhân vật, năm 2023, tôi tiếp tục dàn dựng vở cải lương “Vì nghĩa nước non”, đưa Công chúa An Tư trở lại trên sân khấu. Qua tìm hiểu lịch sử, nhà Trần có hai công chúa đã hy sinh thân mình vì đất nước. Đó là Công chúa An Tư và Công chúa Trần Huyền Trân.

Nhưng so với Công chúa An Tư, cái kết của Công chúa Trần Huyền Trân có hậu hơn, vì sau này bà còn được vua đưa về sống ở quê hương (Vụ Bản, Nam Định); ngày nay còn có đền thờ ở Huế và có con đường mang tên bà. Dựng vở về An Tư công chúa là sự đồng cảm của trái tim phụ nữ dành cho nhau, bằng sự thấu hiểu và sẻ chia. Làm nhân vật nữ trong lịch sử, tôi đứng ở tâm thế của người hậu thế nhìn về lịch sử qua lăng kính của mình thì thấy những người phụ nữ ở mọi thời đại hay bị thua thiệt.

Trong nghệ thuật sân khấu, nếu thiếu đi những nhân vật nữ thì không còn là sân khấu nữa. Các cụ đã nói sinh ra kép phải có đào. Đó chính là âm và dương, là yếu tố làm nên sự hấp dẫn, làm nên đời và đạo trong sân khấu. Với tôi, dàn dựng hình tượng nhân vật nữ, hoặc trong một vở diễn, tôi luôn cố gắng để xuất hiện ít nhất một nhân vật nữ chính nhằm làm mềm và vở diễn trở nên hấp dẫn, cân bằng tâm lý.

Tránh xô đổ hình tượng để nhân vật luôn được tôn vinh

Dàn dựng hình tượng phụ nữ trên sân khấu tức là nghệ sĩ vừa mong muốn soi chiếu, vừa lan tỏa hình ảnh, giá trị đẹp của người phụ nữ Việt Nam được đúc kết trong cả lịch sử lẫn đương đại. Nhiều hình tượng phụ nữ trong huyền sử, lịch sử, từ Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh, Nguyên phi Ỷ Lan, Lý Chiêu Hoàng, Bùi Thị Xuân, Huyền Trân công chúa, Ngọc Hân công chúa... đến những chân dung nhân vật thời hiện đại như Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định; rồi có thể là những nhân vật nữ là bộ đội, công an, người công nhân, nông dân hoặc người phụ nữ rất bình thường ngoài đời sống, nhưng khi họ trên sân khấu đều sẽ toát lên cái chung của phụ nữ Việt Nam.

Dù còn chịu nhiều bất hạnh do ý thức xã hội, nhưng vượt lên tất cả, họ giữ được những phẩm chất tốt đẹp nhất. Dù đau đớn thế nào, dù yếu ớt đến đâu thì trong sâu thẳm trái tim Hồ Xuân Hương cũng ánh lên ngọn lửa khao khát, hy vọng, không chịu khuất phục mà muốn vùng lên đấu tranh thay đổi cuộc sống của mình trong vở chèo “Xuân Hương nữ sĩ”.

Dù có oan ức, đau xót đến mức nào thì phụ nữ Việt Nam vẫn là những người có phẩm chất đẹp đẽ, không chỉ ở vẻ bề ngoài mà còn ở tình yêu thương, lòng nhân hậu, sự kiên cường và một tấm lòng cao cả như Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ trong vở “Bên ánh sao khuê”... Qua các tác phẩm sân khấu, chúng ta lại càng yêu thương và tự hào về vẻ đẹp của những con người “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Làm sân khấu, có lẽ hiện nay dựng những vở huyền sử, lịch sử là thuận tay hơn cả. Bởi lịch sử có cả thời gian trầm tích, kết tinh và trở thành hình tượng, giống như những tượng đài, “đền thờ” trong lòng người dân rồi nên có nhiều “đất” cho nghệ sĩ sáng tạo. Trong rất nhiều vở tôi dựng, đưa hình tượng người phụ nữ lên sân khấu, tôi luôn muốn đi đến tận cùng tâm can của nhân vật.

Tôi vẫn nhớ, khi còn sống, thầy tôi là đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Doãn Hoàng Giang có lần nhận xét: "Xem nhân vật của con trên sân khấu cứ như họ được con chụp cắt lớp vi tính, từng lát cắt, lớp lang để khán giả nhìn sâu được vào từng góc, tận đáy tâm hồn của họ để mình hiểu được những tâm tư, tình cảm, sâu lắng, ngổn ngang trong họ".

Như tâm tư của nàng Điểm Bích-cung phi được Vua Trần Anh Tông yêu quý, tin tưởng giao việc đi quyến rũ nhà sư Huyền Quang (tên thật là Lý Đạo Tài) xem có phải đang mưu phản trong vở “Cung phi Điểm Bích”: “Tôi tìm mưa trong cơn hạn/ Tìm sao trong nắng nhạt/ Tìm người chưa đến ngâm thơ không lời...”, đó là khát vọng của người phụ nữ, ảo tưởng của người phụ nữ khi yêu và tìm những điều không có được.

Hay như trong vở “Bà chúa Mõ” khắc họa chân dung Công chúa Quỳnh Trân thời nhà Trần, đã bỏ hết tất cả lời dị nghị của triều đình để về với người dân miền cửa biển (nay là huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) rồi tạo ra tiếng mõ đánh đuổi quân thù, đoàn kết dân làng, cứu đói, cầu mưa thuận gió hòa cho dân. Ở lớp cuối cùng, tôi dựng bà đánh mõ và chết trong tư thế đánh mõ. Tức là đã mạnh mẽ thì mạnh mẽ đến tận cùng, hy sinh đến tận cùng vì đất nước, vì nhân dân.

Dựng các vở huyền sử, lịch sử luôn phải tôn trọng lịch sử. Cái gì là lịch sử thì phải đi đúng, nhưng người nghệ sĩ biết tận dụng sáng tạo ở những “điểm mờ”-điểm mà lịch sử chưa ghi nhận, chưa rõ nét, thì tôi gọi đó là tồn nghi-tận dụng những tồn nghi đó để mình tưởng tượng, sáng tạo và kể theo cách đẹp đẽ. Làm sao người xem không bị xô đổ về hình tượng và sai lệch lịch sử. Nghệ sĩ được quyền nói, đặt giả thuyết theo cách của mình nhưng không được lệch khỏi tư tưởng của vở diễn.

“Vở này khán giả cần gì ở mình?”-câu hỏi ấy tôi thường tự đặt ra cho mình trước mỗi vở diễn. Đi tìm câu trả lời từ những pho sử, những cuộc điền dã, hỏi người dân, các nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa, lịch sử... Nhưng như thế vẫn chưa đủ, phải tìm cái tứ riêng, chìa khóa riêng để giải mã mỗi vở, đặc biệt là những vở lịch sử. Khát vọng hòa bình của Vua Lê Lợi trong vở “Gươm thiêng trao trả rùa thần” cần thể hiện thế nào đây? Một lời tâm sự, một câu vọng cổ? Phải rồi, trên sân khấu phải có tiếng linh thiêng của ngàn đời, tiếng vọng ngàn đời nơi sóng Hồ Gươm xô!... Và cứ thế, sân khấu luôn ngập tràn chất hào sảng không chỉ của những chiến công hiển hách mà còn là những góc khuất, những tâm tư rất đời thường mà lại cao cả của mỗi nhân vật lịch sử. Những chi tiết kịch rất đắt trong mỗi kịch bản được đẩy lên đến đỉnh điểm khiến cho lịch sử không dừng lại ở việc kể lại mà trở thành những nỗi lòng, những tâm sự về nhân tình thế thái của người thời nay muốn nói ra.

Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân HOÀNG QUỲNH MAI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.