Tạo sinh khí mới cho đời sống lý luận, phê bình văn nghệ
Thập niên cuối 80, đầu 90 của thế kỷ 20, tình hình chính trị thế giới có những biến động dữ dội, phức tạp khi chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Ở Việt Nam, có người bàng hoàng, xót xa; có người hoang mang, lo lắng, thậm chí mất phương hướng. Lúc đó, một số trí thức, văn nghệ sĩ vốn nhạy bén, nhạy cảm trước các vấn đề mới mẻ và phức tạp của đời sống tỏ ra chếnh choáng, ít nhiều chênh chao niềm tin.
Thời điểm đó, công tác LLPB VHNT nhìn chung có nhiều bất cập và hạn chế, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác, chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp chưa được coi trọng. Trong khi đó, lĩnh vực sáng tác có biểu hiện một số văn nghệ sĩ xa lánh những vấn đề lớn lao của đất nước, đi vào các đề tài nhỏ nhặt, tầm thường. Thậm chí có tác phẩm có biểu hiện cực đoan, phiến diện, chỉ tập trung tô đậm mặt trái, những tiêu cực của xã hội, thậm chí có người còn xuyên tạc, bóp méo lịch sử hoặc bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động đã sáng tác và truyền bá những tác phẩm thấp kém, độc hại, đi ngược lại lợi ích của đất nước và nhân dân.
 |
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng thưởng mức A cho tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2021.Ảnh: THANH TÙNG
|
Nắm bắt kịp thời tư tưởng, tâm trạng xã hội nói chung, của giới trí thức, văn nghệ sĩ nói riêng và tình hình văn nghệ lúc đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Hội đồng LLPB VHNT Trung ương (Quyết định số 81-QĐ/TW ngày 10-9-2003 do đồng chí Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ký ban hành). Hội đồng được xác định là cơ quan tư vấn cho Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực VHNT, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Bí thư Trung ương Đảng và quản lý trực tiếp của Ban Tuyên giáo Trung ương. Công việc chính của Hội đồng là xem xét đánh giá tình hình sáng tác, LLPB, những khuynh hướng nảy sinh trong đời sống VHNT, biểu dương những khuynh hướng lành mạnh, đề cao các giá trị thẩm mỹ và nhân văn sâu sắc; phê phán những biểu hiện lệch lạc, trái với quan điểm VHNT của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước; đề xuất phương hướng, giải pháp trình Ban Bí thư và các cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Hoạt động thường niên và trọng tâm của Hội đồng là tiến hành nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, hoàn thành các đề án, đề tài nghiên cứu khoa học có tính quan trọng và cấp thiết. Tiêu biểu là các đề tài cấp nhà nước như: “VHNT Việt Nam trong quá trình thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”; “Văn hóa trong chủ thuyết phát triển của Việt Nam”; “Tư tưởng lý luận văn nghệ trung cận đại ở Việt Nam”; “Quá trình tiếp thu các tư tưởng lý luận văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XX”; “Định hướng phát triển lý luận văn nghệ ở Việt Nam”... Các đề tài, đề án có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu; nghiên cứu, lý giải, kiến nghị sát đúng, được nghiệm thu với kết quả xuất sắc. Đến nay, hầu hết các đề án đã được xuất bản, phổ biến và ứng dụng rộng rãi.
Các hội thảo, tọa đàm do Hội đồng tổ chức có tính định hướng gắn với những vấn đề đang nảy sinh trong đời sống VHNT, không chỉ đối với lĩnh vực LLPB mà cả đối với sáng tác và quảng bá như: Vấn đề đạo đức xã hội trong VHNT hiện nay; VHNT với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam; nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động VHNT ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay; một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam (1918-2018); xây dựng hệ giá trị VHNT Việt Nam dân tộc và hiện đại...
Hằng năm, Hội đồng đã tổ chức hội nghị tập huấn ở cả 3 miền cho các đối tượng là lãnh đạo ban tuyên giáo các tỉnh, thành ủy; những người làm công tác quản lý nhà nước về văn hóa-văn nghệ; lãnh đạo các hội VHNT; những người làm công tác nghiên cứu LLPB VHNT; phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, nhà xuất bản chuyên sâu về văn hóa, văn nghệ; giảng viên chuyên ngành văn hóa, văn nghệ thuộc các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu. Các chủ đề tập huấn rất thiết thực và giảng viên là những nhà khoa học đầu ngành, văn nghệ sĩ uy tín.
Thực hiện nhiệm vụ do Ban Bí thư Trung ương Đảng giao, hằng năm, Hội đồng tổ chức xét và trao tặng thưởng đối với các tác phẩm đạt chất lượng cao về LLPB VHNT. Lễ trao tặng thưởng được tổ chức trang trọng với sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ cho đề cương các tác phẩm VHNT cũng được thực hiện hiệu quả. Ngoài ra, Hội đồng có Tạp chí LLPB VHNT từ năm 2012, được Hội đồng Giáo sư Nhà nước tính mức điểm cao nhất về khoa học (1 điểm/bài) đã xuất bản 12 số/năm. Nội dung các số tạp chí có hàm lượng tri thức cao, làm nổi bật một chủ đề nên ngày càng có uy tín với bạn đọc.
Làm tốt hơn vai trò tổ chức và kiến tạo
Bên cạnh thực hiện tốt các nhiệm vụ được cấp trên giao phó, Hội đồng xác định cần phải làm tốt hơn vai trò tổ chức và kiến tạo để LLPB ở nước ta phát triển đúng định hướng, tác động đến đời sống văn nghệ một cách tích cực, lành mạnh.
Việc ưu tiên là tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ LLPB, những người vừa có chuyên môn cao, vừa có năng lực viết. Trừ lĩnh vực văn học, ở các lĩnh vực nghệ thuật khác đang có sự thiếu hụt đội ngũ LLPB. Hội đồng sẽ tư vấn, kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan về chủ trương, biện pháp tuyên truyền phổ cập nghệ thuật, nâng cao giáo dục thẩm mỹ với công chúng; tăng cường hỗ trợ bản thảo tác phẩm LLPB nghệ thuật; tổ chức tọa đàm và hội thảo chuyên sâu, tổ chức các đề tài nghiên cứu... Điều này góp phần kích thích say mê, dấn thân của các cá nhân, tập thể nghiên cứu nghệ thuật. Có những cây bút chuyên sâu, uy tín về học thuật mới góp phần thúc đẩy sáng tác lành mạnh và bổ sung một nguồn tri thức bổ ích cho những người yêu thích thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật.
Có ý kiến cho rằng, chúng ta cần tạo ra lý thuyết LLPB mới có tính khả dụng cho nền văn nghệ Việt Nam thời kỳ hội nhập. Đây là vấn đề lớn cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, đội ngũ LLPB trong cả nước tập trung trí tuệ, sức lực mới có thể thực hiện được. Trước mắt, Hội đồng xác định cần sớm hoàn thành việc nghiên cứu, giới thiệu rộng rãi LLPB VHNT nước ngoài và tinh hoa LLPB dân tộc; nghiên cứu, học tập tư tưởng văn nghệ của các nhà kinh điển mác-xít và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ba trụ cột này bảo đảm được tính dân tộc và hiện đại, đúng đường lối, định hướng của Đảng.
Hầu hết lý thuyết LLPB VHNT đều xuất phát từ nước ngoài nên Hội đồng sẽ sớm có dự án, đề án để giới thiệu các trường phái LLPB tiêu biểu của thế giới đương đại cho bạn đọc Việt Nam; đồng thời dịch, giới thiệu tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam cho bạn đọc trên thế giới. Từ trước đến nay, công việc này được thực hiện thiếu tính toàn diện và không tránh khỏi sự nhỏ lẻ, rời rạc. Kinh nghiệm ở các nước trong khu vực là chỉ khi dịch thuật, giới thiệu đầy đủ mới có thể đối thoại với những hệ thống lý luận ấy và chắt lọc để xây dựng được một nền văn nghệ của riêng mình, góp phần thúc đẩy LLPB Việt Nam lên tầm cao mới.
Hội đồng cũng sẽ phối hợp với các cơ quan khác, tiến hành tổng kết việc thực hiện đường lối văn nghệ của Đảng 50 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2025), 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986-2026). Hội đồng tích cực bảo vệ những thành tựu LLPB đã đạt được; kết luận một số vấn đề lý luận, thực tiễn còn có ý kiến khác nhau; xây dựng cơ sở lý luận của nền VHNT Việt Nam trong tình hình mới; chỉ đạo đấu tranh chống các hoạt động tuyên truyền, thù địch, sai trái trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.
Ở nhiệm kỳ thứ 5, Hội đồng tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, không ngừng đổi mới sáng tạo, phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình; tư vấn hiệu quả giúp Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực VHNT. Với sức trẻ tuổi 20 sẽ giúp Hội đồng có thêm những bước phát triển mới trong thời gian tới.
PGS, TS, nhà văn NGUYỄN THẾ KỶ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.