Tôn vinh những sáng tạo và cống hiến quý báu của văn nghệ sĩ

Phóng viên (PV): Sự ghi nhận, khích lệ, tôn vinh của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những tác giả, tác phẩm VHNT đã trở thành sự kiện trọng đại đối với các văn nghệ sĩ đã có nhiều nỗ lực cống hiến cho sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam nói chung, VHNT nói riêng. Ông có những đánh giá như thế nào về sự kiện này?

PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ: Sự ghi nhận, tôn vinh của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thông qua Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT trao cho các tác giả, nhóm tác giả là sự kiện hết sức có ý nghĩa và giá trị to lớn được tổ chức định kỳ 5 năm một lần, kể từ đợt 1 năm 1996. Điều đáng trân trọng là khi những tác phẩm có giá trị sau khi ra đời, được công chúng đón nhận và hoan nghênh, tạo được tiếng vang rộng lớn đã góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giải thưởng không chỉ ghi nhận nỗ lực, cống hiến của các văn nghệ sĩ xuất sắc có tác phẩm, công trình giá trị mà còn là sự động viên, khích lệ các văn nghệ sĩ tiếp tục dấn thân trên con đường sáng tạo nhiều gian khổ, thử thách. Trong đó, thế hệ đi trước chính là tấm gương, là nguồn cảm hứng cho các thế hệ đi sau. Có những văn nghệ sĩ, do quy luật của thời gian, hoặc đã mất, hoặc sức khỏe giảm sút, ốm đau nhưng tác phẩm mà họ để lại sống mãi với thời gian, đồng hành với dân tộc tiến bước về phía tương lai. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn trân trọng, ghi ơn họ. Vì họ vừa tạo ra tác phẩm, công trình VHNT xuất sắc, vừa tiếp nối, trao truyền, phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ quý báu của đất nước, của nhân dân. Họ được coi là đội ngũ tinh hoa, là những cánh chim đầu đàn của đời sống VHNT nước nhà.

leftcenterrightdel
PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ. 

PV: Với mỗi đợt xét, tặng giải thưởng, vẫn còn đọng lại những băn khoăn, trăn trở của giới làm nghề lẫn công chúng. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?

PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ: Trong bối cảnh hiện nay, đất nước cần nhiều hơn nữa các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, tầm vóc của công cuộc đổi mới ở mọi lĩnh vực, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh, phản ánh vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam và khát vọng lớn lao của toàn dân tộc. Do đó, cùng với sự ghi nhận, tôn vinh thì trong công tác xét tặng cũng cần phải khoa học, nghiêm túc, chính xác, khách quan và công bằng; đề cao sự sáng tạo, cống hiến to lớn của các tác giả, tác phẩm cho đất nước và nhân dân.

Tôi xin lưu ý, lâu nay, việc xét tặng, trao giải thưởng ở các cấp độ hay các cuộc thi, liên hoan, hội diễn của lĩnh vực VHNT vẫn còn xảy ra một số điều tiếng về sự “chạy” giải, “vận động” hành lang, “lăng xê”, “đánh bóng” hay “dìm hàng”, “ân oán”; thấp hơn là định kiến cá nhân, thỏa hiệp cá nhân... dẫn đến tình trạng ủng hộ những tác giả, tác phẩm chưa xứng đáng, “dìm” và “đánh” những tác giả, tác phẩm tuy có chất lượng cao nhưng bị ghét bỏ, tư thù...

Trước đây, tôi là thành viên Hội đồng xét giải cấp ngành và cấp Nhà nước nên chứng kiến ít nhiều chuyện này và cũng đã rất thẳng thắn, nghiêm túc đưa ra ý kiến đóng góp. Theo tôi, việc bình xét, xác định tác giả, tác phẩm đoạt hay không đoạt giải thưởng phải bám sát vào quy chế, ai đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện theo quy định (đạt thang điểm chuẩn), về cơ bản là đạt điểm, là “đỗ”. Nhưng bên cạnh đó, cũng phải quan tâm tới yếu tố nhân thân (khi cần, thực sự cần), để làm sao giữ được tính chính xác, khách quan, công bằng của hội đồng bình xét và “tính thiêng” của giải thưởng.

Giải thưởng phải đạt được tính chính xác, tính khoa học, “tính thiêng”, tính văn hóa, nhân văn. Do đó, khi chọn những người “cầm cân nảy mực” ở các hội đồng bình chọn, phải tiến cử khách quan, chính xác những người thực sự có năng lực, có trách nhiệm, có uy tín, công tâm và đàng hoàng.

Bồi đắp những giá trị mới

PV: Ông có đề cập, bên cạnh sự cống hiến, đóng góp của văn nghệ sĩ cho sự phát triển VHNT, thì đòi hỏi lớn hơn là những tác phẩm có giá trị cao, sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng nhân cách, tâm hồn, lối sống, đạo đức của con người. Đó có phải là nhiệm vụ lớn lao đặt ra đối với giới văn nghệ sĩ hiện nay không, thưa ông?

PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ: Thực tế đã chứng minh, những tác giả, tác phẩm được tôn vinh ở các lần trao giải trước, nền VHNT của Việt Nam đã có những thành tựu đáng tự hào bởi tên tuổi của những tác giả, tác phẩm ghi đậm dấu ấn trong đời sống con người. Ở đó chúng ta thấy được sự dấn thân, cống hiến, sáng tạo của văn nghệ sĩ từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ tới thời kỳ đất nước đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; có được sự yêu mến, ngưỡng mộ, tôn vinh của cả xã hội.

Từ các tác giả, tác phẩm ở các loại hình nghệ thuật dân gian, truyền thống đến văn học, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa...; rồi cả những công trình kiến trúc-thể loại mang tính hội nhập quốc tế cao cũng đã được vinh danh. Đến hôm nay, VHNT luôn nắm bắt dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân, thể hiện qua những đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và những vấn đề thời sự của đất nước.

PV: Ở những mùa giải trước, khá nhiều tác giả, nhóm tác giả gắn với những tác phẩm VHNT về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính, nhưng ở mùa giải lần này đã thấy thưa vắng hơn. Phải chăng chủ đề này cũng phụ thuộc vào thời cuộc của đất nước?

PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ: Đề tài về lịch sử dân tộc, chiến tranh cách mạng hay người lính luôn là mong muốn sáng tác của bất cứ văn nghệ sĩ nào. Bởi viết về quá khứ là viết cho hiện tại và tương lai. Tôi rất đồng tình và vui mừng cổ vũ những tác giả có công trình, tác phẩm đi vào đề tài đương đại. Tôi rất cảm phục, trân trọng những tác giả có tác phẩm về đề tài Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn đất nước hiện đại hóa, công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế.

Chúng ta từng có những hình ảnh lãng mạn “đầu súng trăng treo” của Chính Hữu, “mảnh trăng cuối rừng” của Nguyễn Minh Châu trong chiến tranh, nhưng thời hiện đại vẫn còn những trăng treo, những hình ảnh thơ mộng của người lính, thì chúng ta có hình ảnh, hình tượng lực lượng vũ trang làm chủ vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử, tác chiến vũ trụ, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc...

Đây chính là thời kỳ mới, thời đại mới, với đầy đủ thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn; đi lên chính quy, tinh nhuệ, hiện đại nhưng biết giữ gìn và phát huy truyền thống, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam. Đó là đề tài, là nguồn cảm hứng đối với đội ngũ sáng tác VHNT ngày hôm nay và nhiều năm sau nữa. Rất cần thiết phải có nhiều hơn nữa những tác phẩm có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật.

leftcenterrightdel

Hình ảnh trong vở kịch “Bạch đàn liễu” của nhà viết kịch Nguyễn Xuân Trình - tác giả được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2022. Ảnh: VIỆT LAM 

PV: Trong danh mục nhận giải thưởng năm nay, bên cạnh những tên tuổi tác giả có tuổi đời cao, có không ít tác giả trẻ thuộc thế hệ “8X”. Đó cũng chính là minh chứng cho dòng chảy văn hóa, văn nghệ luôn nối tiếp, luôn mạnh mẽ?

PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ: Đây là tín hiệu đáng mừng ở đợt trao giải năm nay. Nhìn vào thực tế, thế hệ trẻ đang có môi trường, không gian sáng tạo nghệ thuật khá thuận lợi; bên cạnh đó là sự quan tâm của các cấp, bộ, ngành, địa phương, hội nghề nghiệp tổ chức các trại sáng tác, lớp bồi dưỡng, tập huấn, các cuộc thi, liên hoan, trao giải thưởng để văn nghệ sĩ được thể hiện tài năng, tâm huyết ở mọi lĩnh vực, mọi loại hình, tạo cơ hội cho họ cống hiến và gặt hái những thành tựu nghệ thuật xứng đáng. Mặt khác, thế hệ trẻ cũng đang làm việc trong thời đại mà công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, tạo cơ hội để họ quảng bá, lan tỏa tác phẩm và đóng góp của mình cho đời sống tinh thần của người dân cùng thành tựu chung của phát triển VHNT nước nhà.

Lâu nay, chúng ta vẫn còn trăn trở, suy tư khi nền VHNT nước nhà còn thiếu những tài năng nổi trội, những tác phẩm ngang tầm thời đại. Hãy nhớ lại đợt 1, Chủ tịch nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh mà cho đến hôm nay tên tuổi của họ luôn là những tượng đài sừng sững trong nền VHNT: Tố Hữu, Nam Cao, Huy Cận, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Ngô Tất Tố, Chế Lan Viên, Nguyễn Huy Tưởng, Tế Hanh, Tô Hoài...; các họa sĩ: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái...; các nhà biên kịch, đạo diễn tài ba như: Học Phi, Trần Hữu Trang, Đào Hồng Cẩm, Tào Mạt...; các nhạc sĩ: Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Hoàng Việt...

Cá nhân tôi, tôi ngưỡng mộ, thần tượng nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, một chân dung văn chương, nghệ thuật toàn tài. Ông sinh năm 1924, nhưng chỉ hơn 20 năm sau đó đã có những tác phẩm, công trình ở khắp các lĩnh vực, từ triết học, truyện, tiểu thuyết đến thơ, nhạc, kịch... Tác phẩm âm nhạc “Diệt phát xít” ông viết năm 1945, khi mới 21 tuổi, nối tiếp là “Người Hà Nội” viết năm 1947, lúc 23 tuổi. Đến nay, những tác phẩm của ông vẫn sống mãi, sừng sững, kiêu hãnh, thân thương cùng đất nước và nhân dân.

Chúng tôi kỳ vọng rằng, cùng với sự quan tâm, Đảng, Nhà nước sẽ có những cơ chế, chính sách thiết thực, đúng tầm để nền VHNT nước ta có thêm nhiều tác giả, tác phẩm xuất sắc, tạo nên diện mạo mới, tầm vóc mới, cống hiến xứng đáng cho đời sống VHNT nước nhà.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

VƯƠNG HÀ (thực hiện)