Gặp Hồng Thủy đang sửa soạn cho buổi diễn vở cải lương “Cánh buồm ngược gió” (tác giả: Phạm Hữu Tùng, đạo diễn: Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu) của Nhà hát Tây Đô tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (quận 1, TP Hồ Chí Minh) ngày đầu xuân 2022, thấy cô vui lắm. Hồng Thủy chia sẻ: “Do ảnh hưởng dịch bệnh, hai năm nay nghệ sĩ hầu như không diễn được. Giờ dịch bệnh được kiểm soát, các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Tây Đô được góp chương trình phục vụ khán giả TP Hồ Chí Minh trong năm mới lại càng ý nghĩa. Anh chị em cũng hăng hái chuẩn bị những kế hoạch sắp tới của nhà hát, năm nay sẽ cố gắng xuất hiện trước khán giả nhiều hơn”.

 Hồng Thủy hóa thân trong vở “Cánh buồm ngược gió” Ảnh: THANH HIỆP

Buổi diễn vở “Cánh buồm ngược gió” tại TP Hồ Chí Minh có ý nghĩa cụ thể hóa ý tưởng kết nghĩa giữa Nhà hát Tây Đô với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, nhằm quy tụ lực lượng nghệ sĩ giữa hai đơn vị nghệ thuật vừa giao lưu học hỏi kinh nghiệm, vừa tạo sức hút tổng hợp thu hút khán giả đến với sân khấu cải lương nói riêng và nghệ thuật biểu diễn nói chung. Với nghệ sĩ Hồng Thủy, từ sự hợp tác này, tần suất các chương trình biểu diễn giao lưu sẽ nhiều hơn, tiếp thêm nhiệt huyết làm nghề cho nghệ sĩ.

Vở diễn “Cánh buồm ngược gió” đã để lại ấn tượng cho khán giả TP Hồ Chí Minh. Trong vở diễn, Hồng Thủy hóa thân vào vai Nguyễn Thị Tồn-người phụ nữ Nam Kỳ ra Huế minh oan cho chồng là Bùi Hữu Nghĩa, vẫn được truyền tụng trong dân gian từ thời vua Tự Đức đến nay. Nói về vai diễn, Hồng Thủy cho biết, hóa thân vai Nguyễn Thị Tồn khác với các nhân vật du kích, nữ chiến sĩ cách mạng trước đây vốn quen thuộc và dễ mường tượng. Bà Nguyễn Thị Tồn dù được ghi lại trong sử sách nhưng thuộc về một thời đại đã xa và ít chi tiết để hình dung. “Giữa xã hội phong kiến, nơi người phụ nữ gần như không có tiếng nói, bà Nguyễn Thị Tồn lại dám đấu tranh kêu oan cho chồng. Tấm lòng đối với chồng và sự kiên định, bản lĩnh của bà làm tôi cảm động và tự hào khi được thể hiện hình tượng đẹp, tiêu biểu của phụ nữ Nam Bộ như thế”, Hồng Thủy chia sẻ.

Nhắc đến Hồng Thủy, hẳn giới làm nghề và khán giả phương Nam nhớ đến cô du kích Út Thư trong vở cải lương “Món nợ vùng ven”, nữ chiến sĩ tên Mận trong “Bông mận trắng”... cùng nhiều vai diễn khác trong các vở cải lương về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và đương đại. Đạo diễn Kiều Mỹ Dung từng nhận xét, Hồng Thủy sáng sân khấu, cô sinh ra như để dành cho cải lương, tài năng như thế sân khấu cải lương đang rất thiếu.

Hồng Thủy đam mê cải lương từ nhỏ, nhưng thi vào Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Cần Thơ (năm 2006) lại chọn Khoa Thanh nhạc. Khi hay tin cô cháu hàng xóm có giọng ca cải lương mượt mà, bác nhà kế bên bày tỏ tiếc nuối. Từ lời khuyên của bác, Hồng Thủy xin chuyển sang học cải lương và tiếp tục thổi bùng ngọn lửa đam mê sân khấu cải lương trong từng vai diễn. Cô lần lượt giành giải thưởng ở hầu hết các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp của sân khấu cải lương, như: Huy chương vàng (HCV) Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012; HCV Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2014; HCV Cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015; HCV Liên hoan cải lương toàn quốc năm 2018...

Có được thành tích đáng kể trên, Hồng Thủy luôn khắc ghi sự ân cần chỉ dạy của các nghệ nhân, nghệ sĩ để những tài năng như cô ngày một trưởng thành, tiếp tục nuôi lửa đam mê bám trụ với nghề cùng giấc mơ gây dựng lại thời hoàng kim của sân khấu cải lương miền Tây thuở nào.

NGỌC BẢO