Kịch bản “Thượng thiên Thánh Mẫu” được viết bởi hai tác giả Xuân Hồng và Lê Thế Song, dựa trên tích huyền sử về công chúa Liễu Hạnh-Đệ nhất Thánh Mẫu, một trong "tứ bất tử" Việt Nam. Ngôn ngữ kịch bản không chỉ có tính ước lệ, biểu hiện theo lối cổ điển mà còn mang hơi thở của cuộc sống đương đại.

Với sự dàn dựng của Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Triệu Trung Kiên và NSND Tống Toàn Thắng, huyền sử về công chúa Liễu Hạnh được kể với yếu tố kỳ ảo qua những bạn trẻ thời nay “xuyên không” về quá khứ và được chứng kiến những câu chuyện huyền sử. Hai đạo diễn đã dành “đất diễn riêng” cho từng nghệ sĩ của mỗi đơn vị nghệ thuật. Khán giả được đắm mình trong những phân đoạn cải lương mềm mại, trữ tình, điệu lý, vọng cổ mang sắc thái ước lệ đậm chất dân gian nhưng dễ hiểu, dễ nghe. Những phân đoạn mang yếu tố kỳ ảo được đẩy lên cao trào bằng nghệ thuật xiếc với nhiều tiết mục mạo hiểm, trực diện như: Bay trên không, thăng bằng với kiếm, ảo thuật nâng người... khiến khán giả không khỏi thót tim và thán phục.

Một cảnh trong vở diễn "Thượng thiên Thánh Mẫu".

Sân khấu được thiết kế bởi Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Doãn Bằng có nhiều yếu tố kỳ ảo của thiên đình, vừa mang sắc thái lịch sử của thời vua Lê, chúa Trịnh, vừa mang nét tâm linh của không gian hầu đồng và cả những nét của cuộc sống hiện đại.

Bên cạnh loại hình nghệ thuật cải lương và xiếc, khán giả còn được thưởng thức điệu chầu văn, hệ thống thần linh tứ phủ được tái hiện với nhiều chi tiết đặc biệt như: Trang phục bắt mắt, tạo hình uy nghiêm, gợi không khí ngày lễ thiêng liêng... Âm nhạc được phối khí bởi NSND Hoàng Anh Tú, đáng chú ý có sự tham gia của NSƯT Phạm Hải Hậu và giọng hát của NSND Tự Long trong nghi thức hầu đồng, khẳng định đạo Mẫu Việt Nam xứng đáng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trước những đòi hỏi khắt khe của công chúng, làm sao để khán giả tới sân khấu là một thách thức lớn, việc tìm ra những điểm mới mẻ, hấp dẫn người xem là điều bắt buộc trong vở diễn “Thượng thiên Thánh Mẫu”. Các nghệ sĩ cải lương đã học hỏi kỹ thuật bay nhảy, đu dây của sân khấu xiếc; các nghệ sĩ xiếc cũng trau dồi khả năng diễn xuất, thoại lời của sân khấu cải lương. Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ: “Để tổ chức một đêm diễn như thế này là nỗ lực của hai đơn vị nghệ thuật. Chúng tôi mong muốn đưa yếu tố giải trí vào trong một câu chuyện huyền thoại, vừa truyền đạt lại huyền tích dân tộc, vừa thu hút khán giả đến nghệ thuật cải lương và xiếc. Sau tất cả nỗ lực của ê-kíp sáng tạo, anh em nghệ sĩ, chúng tôi hy vọng khán giả sẽ hưởng ứng và cổ vũ, sẽ yêu mến vở diễn để câu chuyện Thánh Mẫu Liễu Hạnh được biết đến nhiều hơn, đặc biệt là đối với giới trẻ”.

Vở diễn “Thượng thiên Thánh Mẫu” đã chứng minh sự kết hợp thành công giữa hai loại hình nghệ thuật xiếc và cải lương, qua đó ê-kíp dàn dựng mong muốn đem câu chuyện huyền sử tới gần hơn với khán giả đương đại, đặc biệt truyền thông điệp cho người trẻ yêu lịch sử, yêu văn hóa dân tộc.

Bài và ảnh: NGUYỄN CÔNG ĐỨC