Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân, Đoàn Văn công Quân khu 9 còn góp phần tích cực vào việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị của nghệ thuật cải lương trước nguy cơ mai một.

Tấm màn nhung khép lại, vở cải lương “Phù sa đỏ” kết thúc với tràng vỗ tay kèm theo giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt Đại tá, nhà thơ Khưu Ngọc Bảy, nguyên Phó đoàn trưởng Đoàn 962-người từng trải qua năm tháng khó khăn, nguy hiểm khi thực hiện nhiệm vụ trên Đoàn tàu không số. Đại tá Khưu Ngọc Bảy xúc động nói: “Xem các nghệ sĩ biểu diễn, tôi như trở lại hiện thực lịch sử với những con người thật, việc thật, đơn vị có thật và địa danh có thật. Đó là câu chuyện xoay quanh cán bộ, chiến sĩ Đoàn 962, cùng với nhân dân rừng đước Năm Căn, Ngọc Hiển vượt qua gian khổ, khắc nghiệt của thiên nhiên và bom đạn kẻ thù để làm nhiệm vụ tiếp đón, bảo vệ kho tàng, bến bãi từ những Đoàn tàu không số vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Qua đó tưởng nhớ, ngợi ca tình quân dân một thời bám trụ mảnh đất chỉ có phù sa màu đỏ và sức sống mãnh liệt của trái mắm (loài cây mắm sống vùng nước mặn)”.

Đội sân khấu cải lương, Đoàn Văn công Quân khu 9 biểu diễn vở cải lương “Phù sa đỏ”.Ảnh: HỒ KIÊN GIANG 

Không dừng ở việc biểu diễn các tiết mục cải lương, đờn ca tài tử... thời gian qua, Đoàn Văn công Quân khu 9 đã chủ động đầu tư, dàn dựng nhiều vở cải lương đạt chất lượng tốt, được đánh giá cao như: “Sáng mãi niềm tin”; “Người về từ quá khứ”; “Phù sa đỏ”... Đây đều là những vở diễn đoạt nhiều giải thưởng trong các kỳ hội diễn, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân và toàn quốc.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Thượng tá QNCN Nguyễn Thanh Sang, Đội trưởng Đội sân khấu cải lương, Đoàn Văn công Quân khu 9 cho biết: "Từ năm 1947, những nghệ sĩ cải lương tài danh ở Nam Bộ như: Ba Du, Tám Danh, Tư Xe, Triệu An, Quang Hải, Quốc Hương, Huỳnh Nga, Bảo Định Giang... rời thành thị vào chiến khu-đây là những hạt nhân nòng cốt của Đội võ trang tuyên truyền (tiền thân của Đoàn Văn công Quân khu 9). Trong điều kiện vô cùng khó khăn và chiến tranh ác liệt, các buổi biểu diễn của Đội võ trang tuyên truyền không có phông màn, thắp sáng bằng đèn khí đá nhưng được đồng bào đến xem và cổ vũ nhiệt tình. Những đêm biểu diễn với những vở cải lương hay kịch ngắn như: “Lòng dân”; “Tiền tuyến”... lồng ghép với tuyên truyền thật sự là những bài học sâu sắc đối với LLVT và nhân dân nơi đây. Nối tiếp truyền thống các thế hệ đi trước, chúng tôi không ngừng nỗ lực bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này. Mặc dù có những thời điểm nghệ thuật cải lương thăng trầm với cuộc sống nhưng Đội sân khấu cải lương của Đoàn vẫn luôn được gìn giữ và phát triển bởi những nghệ sĩ giàu tâm huyết với nghề, những người lính hết mình vì nghệ thuật, chắp cánh cho nghệ thuật cải lương bay xa hơn”.

Qua công tác phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo tài năng và sưu tầm, nghiên cứu, hiện nay, Đoàn Văn công Quân khu 9 đã xây dựng được lực lượng trẻ kế thừa khá hùng hậu và đủ sức duy trì loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương (hoạt động biểu diễn thường xuyên), đáp ứng yêu cầu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có những tên tuổi nghệ sĩ được đông đảo khán giả yêu thích như: Thanh Nhường, Ngọc Quyền, Chí Luông...

Đại úy QNCN Lê Thị Ngọc Quyền gia nhập đoàn từ khi mới 16 tuổi. Tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, sau hơn 12 năm gắn bó, Ngọc Quyền hiện là nghệ sĩ chính trong những vở diễn cải lương của đoàn. Ngọc Quyền chia sẻ: “Mỗi khi tham gia những chuyến biểu diễn phục bộ đội và nhân dân, anh em nghệ sĩ trong đoàn rất hào hứng, xúc động khi thấy bà con đến xem khá đông. Mỗi lần như vậy, tôi càng cảm thấy yêu nghề hơn. Đây cũng chính là động lực để không chỉ Ngọc Quyền mà tất cả anh em nghệ sĩ, chiến sĩ trong Đoàn vượt qua mọi khó khăn, mang lời ca tiếng hát, bản sắc vùng miền phục vụ chiến sĩ và nhân dân”.

THÚY AN