Gắn bó với ngành địa chất
Chúng tôi về Khu A, tập thể Địa chất thuộc xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, nơi đặt trụ sở tiền thân của Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc (nay là Liên đoàn Bản đồ và Địa chất Biển miền Bắc, thuộc Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường) từ thập niên 1960. Đây cũng chính là nơi đồng chí Trần Đức Lương từng đảm nhiệm nhiều cương vị trong ngành địa chất.
Gặp gỡ một số nhân chứng từng là đồng nghiệp, cấp dưới của ông, ai nấy đều xúc động trước sự ra đi của một nhà lãnh đạo mẫu mực, gần gũi, luôn hết lòng vì công việc chung. Ông còn là một nhà địa chất có đóng góp to lớn cho bản đồ địa chất Việt Nam từ đầu thập niên 1980.
 |
Đồng chí Trần Đức Lương (thứ 2, từ trái sang) báo cáo tiềm năng khoáng sản vùng Tây Bắc Việt Nam với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ 4, từ trái sang). Ảnh tư liệu |
Ông Phan Văn Mẫn, 78 tuổi, hiện sống tại Khu A, tập thể Địa chất, là bạn học cùng Lớp chuyên tu thăm dò (khóa 11), Trường Đại học Mỏ-Địa chất với đồng chí Trần Đức Lương. Hồi tưởng lại những năm tháng ấy, ông Mẫn kể: “Đồng chí Trần Đức Lương là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, từng theo học lớp sơ cấp kỹ thuật địa chất, rồi tiếp tục học trung cấp trước khi được cơ quan cử đi học chuyên tu đại học. Anh rất cần cù, siêng năng, học giỏi toàn diện các môn, luôn nổi bật trong tập thể. Trên cương vị Bí thư Đoàn trường, anh luôn sôi nổi, tích cực tham gia mọi hoạt động và có niềm đam mê cháy bỏng với ngành địa chất”.
Khóa luận tốt nghiệp của sinh viên Trần Đức Lương được đánh giá xuất sắc và có thể học tiếp lên nghiên cứu sinh, song vì hoàn cảnh gia đình khó khăn và nhiệm vụ công tác, đồng chí đã gác lại cơ hội học tập để quay về đơn vị cũ công tác, cống hiến cho ngành địa chất.
 |
Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Liên đoàn, tháng 10-2004. Ảnh tư liệu
|
Sau khi tốt nghiệp, ông Mẫn cũng được phân công về công tác tại Cục Bản đồ địa chất, trở thành cấp dưới của đồng chí Trần Đức Lương. Khi đồng chí Trần Đức Lương giữ cương vị Quyền Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc, rồi Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất, ông Mẫn là một kỹ thuật viên địa chất tham gia thi công tại các đề án. Qua nhiều năm học tập, làm việc cùng nhau, ông Mẫn càng thêm kính phục người thủ trưởng mẫu mực, trách nhiệm, hết lòng vì tập thể.
Đặc biệt, trong suốt thời gian từ khi còn là Đội trưởng Đội địa chất 4 đến khi giữ cương vị Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất, đồng chí Trần Đức Lương luôn duy trì lối làm việc sâu sát, tỉ mỉ, thường xuyên tham gia trực tiếp vào các nhiệm vụ khó khăn cùng cán bộ, kỹ sư địa chất.
Giản dị, say nghề, cống hiến đến tận cùng
Ông Phan Văn Mẫn kể, những năm đầu thập niên 1980, nhiệm vụ thăm dò, tìm kiếm tài nguyên vô cùng gian nan. Điều kiện giao thông rất khó khăn, phương tiện thiếu thốn, mỗi chuyến công tác thực địa kéo dài nhiều tháng, đi hàng chục cây số mỗi ngày, băng rừng, vượt suối, trèo đèo bất kể mưa rừng, rét mướt hay nắng gắt. Có những hành trình phải ngủ trong rừng, bên bờ suối vì không có nhà dân để tá túc. Những vất vả, hiểm nguy ấy không ngăn được bước chân của người kỹ sư địa chất Trần Đức Lương, người luôn sẵn sàng nhận việc khó về mình, san sẻ từng viên thuốc, chai nước, miếng bánh mì với anh em đồng nghiệp.
Là người ham công việc, có lúc đồng chí Trần Đức Lương quên cả ăn, ngủ để theo dõi, nghiên cứu các điểm lộ nghi có quặng. Thậm chí sau này, khi đã đảm nhiệm cương vị Chủ tịch nước, đồng chí vẫn nhớ rõ từng số hiệu điểm quặng, vết lộ mình từng đặt chân đến. Những lần về thăm cơ quan cũ, đồng chí không quên ghé lại hỏi thăm đồng nghiệp, dân cư trong khu tập thể nơi gia đình từng sống nhiều năm.
 |
Ông Phan Văn Mẫn (thứ hai, từ phải sang) giới thiệu mẫu quặng do đồng chí Trần Đức Lương và các đồng nghiệp tìm được năm 1974. Ảnh: HỒNG SÁNG |
 |
Ông Phan Văn Mẫn (thứ hai, từ phải sang) giới thiệu về bộ bản đồ địa chất Việt Nam, bản đồ khoáng sản Việt Nam do đồng chí Trần Đức Lương và nhà địa chất Nguyễn Xuân Bao là đồng chủ biên. Ảnh: HỒNG SÁNG |
Trong các thư chúc mừng hay phát biểu nhân dịp kỷ niệm ngành địa chất, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương luôn nhấn mạnh vai trò then chốt của ngành. Đồng chí đánh giá rằng: “Các tài liệu nghiên cứu chuyên đề về địa chất và các vùng tai biến về địa chất ngày càng cần thiết cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong xây dựng chiến lược và kế hoạch ứng phó. Vì vậy, từng cán bộ, nhân viên trong ngành phải thực sự nỗ lực, cố gắng, phục vụ toàn lực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh”.
Dẫn chúng tôi tham quan Phòng truyền thống Liên đoàn Bản đồ và Địa chất Biển miền Bắc, ông Phan Văn Mẫn giới thiệu nhiều hiện vật, hình ảnh gắn bó với dấu ấn của đồng chí Trần Đức Lương, trong đó có các mẫu quặng do chính ông và các đội thăm dò tìm thấy. Dừng lại hồi lâu trước bộ “Bản đồ địa chất Việt Nam tỷ lệ 1:500.000” và "Bản đồ khoáng sản Việt Nam tỷ lệ 1:500.000", công trình mà đồng chí Trần Đức Lương là đồng chủ biên với nhà địa chất Nguyễn Xuân Bao, được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2005, ông Mẫn khẳng định: “Đây là công trình khoa học lớn, không chỉ mang ý nghĩa khoa học sâu sắc mà còn góp phần quan trọng cho việc quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, bảo vệ môi trường và khẳng định chủ quyền lãnh thổ thông qua nghiên cứu địa chất biển, hải đảo”.
Nhắc đến nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, ông Trần Văn Long, Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính, Liên đoàn Bản đồ và Địa chất Biển miền Bắc, xúc động kể: “Mỗi khi có dịp về thăm cơ quan cũ, bác Trần Đức Lương rất quan tâm đến chiến lược phát triển của ngành, các phát hiện mới về địa chất và khoáng sản của Liên đoàn. Dù là lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước nhưng bác vẫn giản dị, gần gũi như xưa”.
Trong niềm tiếc thương khôn nguôi, hình ảnh nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, người kỹ sư địa chất khiêm nhường, tận tụy sẽ mãi khắc sâu trong tâm trí của biết bao thế hệ cán bộ ngành địa chất Việt Nam cũng như nhân dân ta.
NGUYỄN HỒNG SÁNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.