Về Quốc Oai, Thạch Thất, Hoài Đức, Đan Phượng, thị xã Sơn Tây, chúng tôi được nghe người dân kể rành mạch, chi tiết về sức sống của môn vật. Ở mỗi hội vật nơi đây, hình ảnh phái nữ từ người lớn tuổi đến em bé độ tuổi mẫu giáo mải mê xem vật là hình ảnh thường thấy. Có lần, khi về làng Yên Nội (xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai), người viết đã được mẹ của Huấn luyện viên (HLV) trưởng bộ môn vật (Trung tâm Thể dục thể thao Quân đội) Nguyễn Quang Long kể rằng, lúc trẻ, bà từng cơm nắm muối vừng đi cả ngày sang các làng, xã bên để xem hội vật.

Dù cuộc sống có thay đổi, môn vật vẫn luôn có chỗ đứng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Những lò vật cổ truyền đã và đang gắn bó với nhiều thế hệ người dân xứ Đoài. Nhiều hội vật ở xứ Đoài vẫn được duy trì từ năm này sang năm khác, quy mô có thể khác nhau nhưng người xem luôn đông đảo. Vào dịp Xuân Quý Mão 2023, sau mấy xuân không thể tổ chức hội vật vì dịch Covid-19, nhiều nơi ở xứ Đoài tổ chức hội vật làng tưng bừng, đặc biệt là ở Hoài Đức, Quốc Oai, Đan Phượng, Thạch Thất... Ngay như hội vật Cát Quế (Hoài Đức) được tổ chức khi đã qua “tháng ăn chơi” vẫn đông nghẹt người xem, giải thưởng cho đô vô địch lên tới gần trăm triệu đồng.

leftcenterrightdel

Nhà vô địch SEA Games 32 môn vật Cấn Tất Dự là người xứ Đoài. Ảnh: MINH QUYẾT   

Niềm đam mê đối với môn vật khiến nhiều người thuộc các thế hệ khác nhau tại xứ Đoài đều chọn tập vật để rèn sức khỏe và cũng để có dịp khoe tài với người thân, hàng xóm, bạn bè. Thế nên, đất xứ Đoài sản sinh ra vô số cao thủ môn vật cổ truyền với nhiều giai thoại để đời về tài năng của họ, từ đô Ngạn ở xã Bình Phú, đô Ái ở xã Thạch Xá, đô Ban, đô Đức ở xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất), đô Khinh ở xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai)... Cũng từ phong trào vật cổ truyền ở xứ Đoài, nhiều tài năng nam và nữ được tuyển chọn vào các đội tuyển vật của các địa phương, ngành, đặc biệt là Hà Tây, rồi Hà Nội, hay đội vật Quân đội.

Trong những dấu mốc tự hào về truyền thống vật vẫn được người xứ Đoài nhắc tới, phải kể đến việc trong danh sách đội tuyển vật Việt Nam tham dự Olympic năm 1980 có huấn luyện viên Nguyễn Đình Khinh, vận động viên (VĐV) Phí Hữu Tình, Nguyễn Văn Công trưởng thành từ những sới vật làng. Trong số này, đô vật Phí Hữu Tình đã mang về trận thắng duy nhất cho vật Việt Nam tại thế vận hội năm đó. Đến lớp VĐV sau này của xứ Đoài đóng góp cho vật Việt Nam trên đấu trường quốc tế có thể kể đến Nguyễn Thị Lụa (từng hai lần giành vé dự Olympic năm 2012 và 2016, huy chương bạc Á vận hội năm 2010). Ngay tại SEA Games 31 và SEA Games 32, không ít VĐV trưởng thành từ các sới vật làng ở xứ Đoài cũng đóng góp huy chương vàng cho đội tuyển vật Việt Nam như: Cấn Tất Dự, Phùng Khắc Huy, Trần Văn Trường Vũ, Nguyễn Công Mạnh...

Tại các đội vật Quân đội và Hà Nội, các VĐV là người xứ Đoài vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể. Trong khi đó, những hội vật, sới vật làng vẫn đang được chăm chút, đầu tư và lớp trẻ vẫn tìm đến với môn vật bởi tình yêu và niềm tự hào dân tộc. Và cứ thế, môn vật ở xứ Đoài vẫn như mạch nguồn tuôn chảy. 

MINH HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.