Đồng bào Khơ Mú còn có các tên gọi khác nhau, như: Kờ Mụ, Kmụ, Kưm Mụ, Xá Cẩu, Khạ Klẩu... Ở Điện Biên, người Khơ Mú có khoảng hơn 22.000 người, chiếm 3,9% dân số toàn tỉnh. Sống chung với nhiều dân tộc khác, song người Khơ Mú luôn giữ nét riêng trong đời sống văn hóa, tinh thần. Trong đó có Lễ hội “Tăng rôi pư chui ngo sừm la” hay còn gọi là Lễ tra hạt - một nghi lễ nông nghiệp quan trọng, đậm bản sắc văn hóa truyền thống trong đời sống của người Khơ Mú. 

leftcenterrightdel
Đồng bào Khơ Mú xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) lên nương để chuẩn bị làm Lễ tra hạt. 

Lễ tra hạt thường được tổ chức vào tháng 3, 4 âm lịch, vào mùa gieo lúa nương. Những người cao niên ở Điện Biên cho biết, người Khơ Mú quan niệm vạn vật hữu linh, thiên nhiên xung quanh như trời, đất, nương, rẫy... Bởi vậy, Lễ tra hạt nhằm cầu cúng thần linh, thần rừng, thần sông, thần suối, những linh hồn không nơi nương tựa… về hưởng lễ và che chở, phù hộ cho dân bản mạnh khỏe.

Mang yếu tố lớn về mặt tâm linh, tuy nhiên Lễ tra hạt của người Khơ Mú cũng mới được Bảo tàng tỉnh Điện Biên phục dựng trong sự trân trọng, tự hào về văn hóa truyền thống của người dân bản địa cách đây vài năm.

leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
leftcenterrightdel

Các thủ tục trong Lễ tra hạt của đồng bào dân tộc Khơ Mú ở xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo. 

Nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Khơ Mú không chỉ thể hiện ở các lễ hội, trang phục mà còn được nhắc đến với nhiều đặc trưng khác nhau. Được mệnh danh là nghệ nhân của núi rừng, ông Quàng Văn Cá, 63 tuổi, ở bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, là người hiểu rõ tập quán xã hội, tín ngưỡng dân gian của người dân tộc Khơ Mú.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Cá cho biết, ông sinh ra và lớn lên tại bản Tọ Cuông. Hồi nhỏ, ông thường theo gia đình đi xem các lễ hội như: Xên bản, Cầu mùa, Cầu mưa. Cậu bé Cá thường tới chỗ các thầy cúng ngồi khấn để nghe và xem họ làm lý. Sau mỗi buổi lễ, cậu lại cùng các bạn trong bản bắt chước nhảy theo các điệu múa, dần dần các nghi thức lễ hội, các câu ca, điệu múa truyền thống của người Khơ Mú đều được Quàng Văn Cá ghi nhớ.

Theo lời kể của ông Quàng Văn Cá, ông có cơ duyên được tìm hiểu, học hỏi phong tục, tập quán dân tộc Khơ Mú bắt đầu từ năm 1982. Khi đó, mỗi khi bản tổ chức lễ hội Xên bản, cầu mưa, cầu mùa, ông được các thầy cúng cho đi theo để giúp việc như: Chuẩn bị và sắp xếp lễ vật trong mâm cúng. Sau khi làm lý xong, ông lại cùng bà con dân bản chuẩn bị các dụng cụ để tổ chức vui chơi, múa hát (múa Tăng Bu, múa sạp, đẩy gậy, kéo co, ném còn...).

Với sự am hiểu về văn hóa của dân tộc mình, những năm tiếp theo, ông Cá được bà con dân bản tín nhiệm, chọn làm thầy cúng chính trong các dịp tổ chức dịp lễ. Ngoài ra, mỗi khi các gia đình trong bản có việc lớn, như làm nhà, đám cưới, đám ma, hay ốm đau... đều mời ông đến để xem ngày, cầu phúc, cầu sức khỏe, làm ăn may mắn cho tất cả các thành viên trong gia đình.  Từ đó đến nay, ông Cá thường xuyên tìm tòi, gìn giữ, bảo tồn các tập quán xã hội, tín ngưỡng phục vụ bà con nhân dân trong bản, xã và là người có uy tín ở địa phương nơi ông sinh sống.

“Tôi luôn tâm niệm, các lễ hội truyền thống không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, gắn với cuộc sống lao động nông nghiệp, mà còn là lúc để cầu sức khỏe, may mắn, và cũng là thời điểm để bà con đến gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, cùng chung sức xây dựng bản làng no ấm. Chính vì những suy nghĩ đó, bao năm qua, tôi luôn trân trọng, gìn giữ, bảo tồn các nét đẹp văn hóa này và truyền dạy cho nhiều học trò trong bản…”, ông Quàng Văn Cá bộc bạch.

leftcenterrightdel
Múa Khơ Mú là một trong những danh mục được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhiều năm qua, nghệ nhân Quàng Văn Cá thường xuyên tham gia thực hành các lễ hội của bản, các chương trình văn hóa, văn nghệ của xã, huyện và tỉnh Điện Biên. Ông cũng là người vinh dự được UBND tỉnh Điện Biên chọn làm đại diện đồng bào dân tộc Khơ Mú đến sống, làm việc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội từ năm 2016 đến năm 2019. 

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, việc bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa của mỗi cộng đồng dân tộc là nhiệm vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của đất nước. Với dân tộc Khơ Mú, điều này không chỉ đã và đang được phát huy qua các hoạt động văn hóa tâm linh, mà còn được thể hiện qua cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân.

Bài, ảnh: HÀ KHÁNH – QUANG LONG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.