Điều này dẫn đến nghịch lý: Nhà văn chú tâm sáng tạo phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi nhưng công việc quảng bá do đơn vị phát hành đảm nhận lại phải nhắm đến... người lớn.
Những tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam nổi tiếng ra đời cách đây từ vài chục năm đến hơn nửa thế kỷ như: “Dế mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài), “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” (Nguyễn Huy Tưởng), “Đất rừng phương Nam” (Đoàn Giỏi), “Búp sen xanh” (Sơn Tùng), “Góc sân và khoảng trời” (Trần Đăng Khoa)... được tái bản liên tục bởi nhu cầu của người đọc không giảm.
 |
Tiến sĩ, nhà thơ Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con” chia sẻ với phụ huynh Trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) về chủ đề "Gõ cửa bước vào thế giới tuổi teen”. Ảnh: MINH TRUNG |
Điều này tương đồng với số liệu của Cục Xuất bản, In, Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông): Những năm gần đây, sách văn học chiếm tỷ lệ hơn 11% đầu sách xuất bản, tương ứng khoảng 11.000 đầu sách; trong số đó, sách văn học kinh điển trong và ngoài nước tái bản chiếm 50%. Rõ ràng, trẻ em có xu hướng đọc lại chính những tác phẩm mà thế hệ đi trước đã đọc.
Ngoài nguyên nhân chưa đến tuổi lao động, phụ thuộc về tài chính, thiếu nhi ở nước ta ít được đào tạo, hướng dẫn kỹ năng chọn sách, hoàn toàn dựa vào sự định hướng của người lớn. Trong khi đó, người lớn lại không có thời gian và không phải ai cũng chịu khó cập nhật xu hướng, tác phẩm văn học thiếu nhi mới nên thường chỉ chọn những sách họ từng say mê.
Sẽ có những tác phẩm kinh điển như “Dế mèn phiêu lưu ký” thuộc dạng truyện đồng thoại (truyện lấy loài vật làm nhân vật, không thoát ly sinh hoạt của loài vật) vẫn nhận được sự đồng cảm, yêu thích của các em nhỏ. Tuy nhiên, những thể loại khác chưa chắc hấp dẫn độc giả nhí khi thị hiếu thẩm mỹ đã thay đổi.
Trong khi đó, viết cho thiếu nhi vốn không được xem trọng, chưa thật sôi động trên văn đàn Việt Nam. Gần đây, nhiều cuộc vận động và cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi ra đời, hứa hẹn văn học thiếu nhi do các nhà văn Việt Nam sáng tác sẽ phát triển diện rộng, dần dần kết tinh tác phẩm giá trị.
Hiện nay, chỉ có khoảng 20 đầu sách thiếu nhi mới xuất bản trong năm, chúng ta vẫn cần phải quảng bá những tác phẩm này đến đối tượng phụ huynh, giáo viên, giúp cho các em “đổi món”. Theo thống kê vào tháng 1-2023, nhóm người từ 24 đến 54 tuổi chiếm 44,4% tổng số người dùng internet; cho nên việc quảng bá sách văn học thiếu nhi trên mạng cần phải được các nhà xuất bản, đơn vị phát hành đẩy mạnh hơn.
Nhưng đáng tiếc, hiện nay, các đơn vị phát hành mới chỉ đăng hình ảnh, vài dòng điểm sách ngắn ngủi mà thiếu các hình thức tương tác qua không gian mạng, như: Giao lưu tác giả-tác phẩm, đố vui có thưởng, tìm hiểu kiến thức qua văn học thiếu nhi... Mặt khác, mối liên hệ giữa các nhà xuất bản và các cơ quan báo chí vẫn chưa được thắt chặt, bỏ lỡ một kênh quảng bá văn học thiếu nhi đến người lớn một cách trực tiếp. Đây là điều mà Hội Xuất bản Việt Nam và các nhà xuất bản đã hạ quyết tâm sẽ khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Để việc đọc sách đi vào chiều sâu, hiệu quả, nhất thiết phải nâng cao nhận thức, huấn luyện kỹ năng đọc cho người lớn. Nổi lên với hướng đi này là Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con” do Tiến sĩ, nhà thơ Nguyễn Thụy Anh thực hiện hơn 10 năm qua.
Mục đích của câu lạc bộ là thông qua việc đọc của con tiếp cận với phụ huynh, để việc đọc không chỉ thêm kiến thức mà còn thay đổi mối quan hệ, điều chỉnh quan niệm sống tích cực cho các em. Phương thức câu lạc bộ tiến hành là kết nối các thành viên để giới thiệu cho nhau những cuốn sách mới, bổ ích, phù hợp với thiếu nhi; đồng thời tổ chức thêm các hoạt động ngoại khóa liên quan đến văn hóa đọc.
Có thể nói, chỉ khi chú trọng quảng bá văn học thiếu nhi vào đối tượng người lớn thì tiềm năng thị trường này mới được mở rộng, thói quen đọc sách cho trẻ cũng được sớm hình thành. Điều này rất quan trọng bởi theo đúc kết của nhà giáo dục, nhà văn người Áo Richard Bamberger: “Nếu đến năm thứ 5 ở trường tiểu học (khoảng 10 tuổi), đứa trẻ không phải là một người đọc nhiệt tình và không phát triển bất cứ sở thích đọc sách đặc biệt nào thì có rất ít hy vọng tình hình sẽ thay đổi sau đó”.
MỘC MIÊN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.