“Nhà văn hạng hai”
Trong giới cầm bút lâu nay vẫn “thì thầm” chuyện xếp hạng cây bút. Theo đó, làm thơ, viết tiểu thuyết, truyện ngắn mới được vị nể. Tiếng là nhà văn nhưng không sáng tác mà chỉ dịch văn học, làm lý luận phê bình và viết về thiếu nhi thì xếp là “nhà văn hạng hai”.
Chính tâm lý xem thường văn học thiếu nhi, xếp đề tài này là “tiểu sự”, chuyện con nít, thiếu tư tưởng, thiếu tầm vóc là trở ngại lớn nhất cho văn học thiếu nhi phát triển. Điều lo lắng là người viết nhiều chưa chắc đã có tác phẩm hay huống hồ lượng người viết cho thiếu nhi vẫn còn ít. Không ai muốn lao tâm khổ tứ vài ba năm viết một cuốn sách, để rồi mặc định một sự xem thường không hề nhẹ. Điều này có thể thấy rõ ở số liệu thống kê, mỗi năm chỉ có khoảng 20 tác phẩm văn học thiếu nhi tham dự xét giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, quá ít so với các hạng mục khác.
|
|
Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang trao giải thưởng lớn “Hiệp sĩ Dế Mèn” tặng nhà văn Trần Đức Tiến vì những đóng góp xuất sắc cho thiếu nhi. Ảnh: HOÀNG HIẾU
|
Trở ngại thứ hai đang diễn ra ngay lúc này đó là văn học nói chung, đặc biệt là văn học thiếu nhi bị các hình thức giáo dục, giải trí hiện đại làm mất vị thế. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đánh giá: “Trong thời đại kỹ thuật số, sách thiếu nhi gặp sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều loại hình giải trí khác, khiến thời gian đọc sách của các em nhỏ ngày một ít đi. Tôi nghĩ người viết cần chấp nhận thách thức, “sống chung với lũ”, bởi chúng ta không thể ngăn cản sự phát triển của xã hội”.
Một lý do khiến nhiều người ngần ngại viết cho thiếu nhi, đó là văn hóa đọc, nhất là đọc văn chương của thiếu nhi hiện nay chưa cao. Hiện chưa có một khảo sát xã hội học về việc đọc của thiếu nhi, song bức tranh văn hóa đọc nói chung của Việt Nam không mấy tươi sáng. Chẳng hạn chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách; thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng một giờ/tuần, thuộc nhóm thấp nhất thế giới.
Tuy nhiên, tình hình không quá bi quan bởi lẽ tự thân thiếu nhi là đối tượng có nhu cầu đọc sách cao, dễ hiểu vì sao những tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng của Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Võ Quảng, Phạm Hổ, Đoàn Giỏi, Nguyễn Huy Tưởng... được tái bản liên tục. Cái khó hiện nay lại chính là thị hiếu thẩm mỹ của thiếu nhi rất khác thế hệ trước, khiến các tác giả tỏ ra lúng túng trong việc lựa chọn lối viết và hình thức trình bày phù hợp. Để bù lại sự thiếu hụt này, nhiều đơn vị làm sách chỉ còn cách xuất bản văn học thiếu nhi của nước ngoài và các thể loại sách khác.
Trên đà khởi sắc
Từ thập niên 1980 đến nay, Nhà xuất bản Kim Đồng là đơn vị bền bỉ chăm lo phát triển văn học thiếu nhi. Cũng dễ hiểu vì đây là nhiệm vụ chính trị chứ không đơn thuần kinh doanh, bởi Nhà xuất bản Kim Đồng là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, chuyên xuất bản sách thiếu nhi.
“Cánh chim đầu đàn” xuất bản văn học thiếu nhi đã tổ chức hàng chục cuộc vận động sáng tác, tài trợ xuất bản cho hàng nghìn đầu sách thiếu nhi của các tác giả trẻ tuổi nghề. Nhờ vậy, độc giả nhí từ thời kỳ đổi mới đến nay đã được đọc nhiều tác phẩm thiếu nhi giá trị như: “Dòng sông thơ ấu” (Nguyễn Quang Sáng), “Tuổi thơ im lặng” (Duy Khán), “Đợi mặt trời” (Phạm Ngọc Tiến), “Một thiên nằm mộng” (Nguyễn Ngọc Thuần), “Cõng nhà đi chơi” (Vương Trọng)... và đặc biệt là các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Gần đây nhất, Nhà xuất bản Kim Đồng vừa công bố thành lập Giải thưởng văn học Kim Đồng nhằm tìm kiếm, thúc đẩy và cổ vũ các tác giả sáng tác nhiều hơn nữa cho bạn đọc thiếu nhi.
Trước tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp, mặt trái từ không gian mạng, nguy cơ từ tệ nạn xã hội, việc phát triển văn học thiếu nhi được xem là muộn còn hơn không. Nhận thấy những nỗ lực đơn độc của Nhà xuất bản Kim Đồng là chưa đủ, nhiều tổ chức đã thành lập các giải thưởng văn học, nghệ thuật dành cho thiếu nhi như: Hội Nhà văn Việt Nam đã mở thêm hạng mục “Văn học thiếu nhi”, Giải thưởng Dế Mèn (Báo Thể thao và Văn hóa, Thông tấn xã Việt Nam) cũng duy trì liên tục đến lần thứ tư... Vấn đề kinh phí cũng được giải quyết khi Tập đoàn Trường Hải, Tập đoàn TH đã cam kết đồng hành lâu dài với các giải thưởng văn học thiếu nhi.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, nhà văn Lê Quang Trạng (tỉnh An Giang) cho biết: “Việc có nhiều giải thưởng văn học thiếu nhi những năm qua là tín hiệu đáng mừng. Tất nhiên, không ai viết văn chương cũng chỉ nghĩ đến danh lợi, song việc có nhiều “sân chơi” cho văn học thiếu nhi sẽ kích thích sáng tạo của người viết, đồng thời thay đổi nhận thức của xã hội về văn học thiếu nhi để sớm có những người viết chuyên tâm về đề tài này”.
Cũng theo nhà văn Lê Quang Trạng, bản thân anh mới viết cho thiếu nhi, xuất bản hai cuốn sách mỏng nhưng các đơn vị làm sách đã liên hệ để đặt hàng bản thảo. Điều này dẫn đến số lượng tác phẩm văn học thiếu nhi sẽ ngày càng nhiều hơn; từ diện rộng mới hy vọng kết tinh tác phẩm giá trị, neo vào tâm trí bạn đọc nhỏ tuổi.
Vấn đề khác là quảng bá văn học thiếu nhi chưa được chú trọng. Lẽ thường đối tượng thiếu nhi đọc gì là do sự lựa chọn, giới thiệu của gia đình và nhà trường. Khi chọn sách cho con em, giáo viên, phụ huynh thường có xu hướng chọn chính những tác phẩm văn học thiếu nhi mình từng đọc trước đây như: “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Búp sen xanh”, “Đất rừng phương Nam”, “Văn Ngan tướng công”... Còn những tác phẩm thiếu nhi đương đại thì người lớn không có điều kiện tìm hiểu nên chưa gợi ý chọn tác phẩm hợp với thị hiếu thiếu nhi ngày nay.
Trường hợp nhà thơ Đỗ Ký (tỉnh Đồng Tháp) làm thơ thiếu nhi, tự trình bày, vẽ minh họa các tập thơ dạng bỏ túi giá rẻ, tự quảng bá hết sức thành công là kinh nghiệm cần nhân rộng. Vào thập niên 1990, nhà thơ đi xe đạp đến các trường học xin phép Ban giám hiệu đọc thơ, nói chuyện về thơ và bán các tập thơ của mình. Các em thiếu nhi rất thích cách “tiếp thị thơ” và các tập thơ bán rất chạy, nhà thơ từ đó “lên đời” xe máy.
Từ giai thoại văn chương kể trên, rõ ràng nhà xuất bản và đơn vị phát hành sách cần đầu tư về hình thức sách, phù hợp với tâm lý, thị hiếu trẻ nhỏ; mở nhiều hơn các chiến dịch quảng bá gắn với các chương trình giới thiệu, sinh hoạt văn nghệ; thực hiện chủ trương “đưa sách về trường học”, “đưa sách về nông thôn, miền núi”. Đồng thời, tác giả và đơn vị làm sách cần gắn kết hơn với thư viện, nhà văn hóa, nhà trường, gia đình để lựa chọn đúng, trúng sách cho thiếu nhi và tạo dựng thói quen đọc thường xuyên.
TRẦN HOÀNG HOÀNG