Tuy nhiên, người làng nghề vẫn nỗ lực, khắc phục khó khăn với mong ước giữ lại những hương vị cổ truyền.

Làng nghề một thời vang danh

Hà Nội hội tụ rất nhiều nghề thủ công truyền thống, trong đó, làng nghề phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm) chuyên sản xuất bánh, mứt, kẹo. Làng nghề đã một thời vang danh với cái tên “làng mứt Xuân Đỉnh”. Được hình thành từ những năm đầu thế kỷ 19, đến nay, nghề làm mứt vẫn được chế biến một cách thủ công nên hương vị tự nhiên, truyền thống gần như được giữ trọn vẹn. Tùy vào công thức gia truyền của từng nhà, các loại mứt sẽ có những hương vị khác nhau, nhưng nhìn chung, mứt Xuân Đỉnh có vị đặc trưng riêng so với nhiều loại mứt công nghiệp trên thị trường. 

 Nhiều người vẫn tìm mua những món quà Tết hương vị cổ truyền.

Dù trên thị trường có hàng chục loại bánh hiện đại, mẫu mã rất đẹp nhưng bà Nguyễn Thị Mùi, 66 tuổi, nhà ở ngõ 207 đường Xuân Đỉnh vẫn đạp xe đến cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo Sinh Hùng để chọn mua bằng được những gói mứt bí, bánh chả hương vị cổ truyền. Bà Mùi chia sẻ: "Gần 60 năm qua, mỗi dịp lễ, Tết hay mua quà biếu người thân, bà chỉ đến đây chọn những món quà quê hương".

Nói về nghề cha truyền con nối đã hơn 50 năm nay của gia đình, bà Đỗ Thị Nhuận, chủ cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo Sinh Hùng cho biết, bà bén duyên với nghề từ khi về làm dâu hơn 30 năm nay. Để theo được nghề này, người làm nghề ngoài sự cần cù, khéo léo thì phải có tâm với nghề. Từ khâu lựa chọn nguyên liệu cho đến khâu chế biến và đóng gói thành sản phẩm là cả một quá trình đòi hỏi sự tỉ mỉ, chau chuốt và cẩn thận từ đôi bàn tay khéo léo.

Bà Nhuận kể, trong các sản phẩm như mứt bí, lạc, dừa, gừng, cà chua, hồng, quất... thì mứt bí là sở trường của làng. Từ miếng bí tươi để làm nên miếng mứt bí trắng, trong veo, giòn và ngọt dịu phải qua 10 khâu công phu. Các khâu đều phải bảo đảm vệ sinh, không chất bảo quản mới cho thanh mứt ngon và giữ được vị tự nhiên. Mỗi mẻ mứt bí như vậy thường làm hết khoảng 10 ngày.

Tương tự, tại thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, gần hai tháng nay, mùi hương lạc rang quyện mạch nha nấu kẹo thơm lừng khắp xóm, thôn. Hiện cả thôn có 20 hộ làm bánh kẹo. Xưởng sản xuất của gia đình ông Đỗ Văn Ngọc có gần chục lao động đang miệt mài làm kẹo lạc, kẹo dồi, người nấu, người đổ khuôn, cán, cắt, đóng gói... ai nấy đều khẩn trương. Dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu xuân, sức tiêu thụ tăng mạnh nên gia đình nào cũng tranh thủ làm hết công suất. Toàn bộ sản phẩm được bán buôn mang đi tiêu thụ khắp nơi.  

Gìn giữ hương vị truyền thống

Xã hội ngày càng phát triển, các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại ngày một nhiều. Hàng trăm sản phẩm bánh kẹo phong phú, đa dạng của doanh nghiệp đã cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm làng nghề khiến sản xuất bị thu hẹp và gặp nhiều khó khăn hơn.

Phường Xuân Tảo giờ đây phố xá hiện đại, nhà cửa khang trang hơn nhưng không còn ngào ngạt mùi trái cây sên trong đường, không còn cảnh nhà nhà bếp đỏ lửa như xưa. Có chăng, chỉ còn vài gia đình nghệ nhân Sinh Hùng, Bình Chung và Hồng Hạnh là còn bám trụ với nghề, giữ hương vị Tết xưa.

Bà Đỗ Thị Thanh Dung, cán bộ UBND phường Xuân Tảo cho hay: Nếu 20 năm trước có khoảng 50 hộ gia đình luôn tất bật với nghề bánh, mứt, kẹo thì nay Xuân Đỉnh còn khoảng 7 hộ giữ nghề, sản xuất chủ yếu vào dịp Tết Trung thu và Tết Nguyên đán. Làng nghề bị thu hẹp bởi sự cạnh tranh của thị trường bánh, mứt hiện đại cũng như diện tích đất giảm khiến người dân không còn chỗ làm mứt.

Trên hành trình giữ gìn hương vị truyền thống của thức quà ngày Tết, bà Đỗ Thị Nhuận có chút băn khoăn: "Ngày xưa, cả làng cùng làm, nhà nhà vui tươi, phấn khởi mỗi dịp Tết đến, xuân về. Cách đây tầm 15-20 năm, mỗi dịp Tết gia đình bà nhập cả 50-60 tấn nguyên liệu thì nay chỉ còn khoảng 5-7 tấn. Giờ này những năm trước, các xe chở hàng đỗ chật đường, hàng xuất đi khắp các vùng lân cận thì nay, lượng hàng sản xuất ra cầm chừng vì dịch Covid-19 và cũng vì nhu cầu thị trường giảm. Nếu so sánh thu nhập thì chỉ bằng 1/10 so với trước. Để đứng vững trên thị trường, người làm nghề luôn coi chất lượng, bảo đảm vệ sinh là cách tốt nhất để tự cứu mình".

Làng làm kẹo ở thôn Tháp Thượng cũng gặp không ít khó khăn trong việc giữ nghề. Ông Đỗ Văn Ngọc cho biết: Làm kẹo cần mặt bằng rộng để chứa nguyên liệu, đặt bếp nấu kẹo, đặt máy cắt, đóng gói sản phẩm. Bởi vậy, các hộ sản xuất đều mong muốn được hỗ trợ điểm sản xuất tập trung để có thể sản xuất bài bản hơn.

Nghề làm mứt, kẹo không chỉ mang đến giá trị kinh tế mà còn hàm chứa những nét đẹp, tinh hoa văn hóa ẩm thực của Hà Nội. Bà con làng nghề không chỉ cố gắng vượt qua khó khăn, bám trụ với nghề mà còn rất mong muốn các cơ quan chức năng có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề để người dân có điều kiện quay lại với nghề gia đình, cùng góp sức phát triển một làng nghề đã tạo nên vị thế nhất định trên thị trường cũng như trong lòng người tiêu thụ.

Bài và ảnh: KHÁNH HÀ