Làm sao để những cuộc thi sắc đẹp này thực sự là một sự kiện văn hóa được mong chờ; thành công của các hoa hậu ở những cuộc thi sắc đẹp, theo nghĩa là những “tài sản lớn” này sẽ có lan tỏa giá trị như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó giám đốc thường trực Quỹ hỗ trợ bảo tồn Di sản Văn hóa Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Di sản Áo dài Việt Nam, nhà sáng lập cuộc thi Người đẹp Kinh đô:
Thực tế thì, nhiều người đẹp đã thực hiện vai trò là “những đại sứ du lịch”. Chẳng hạn, Huỳnh Thị Thanh Thủy sau khi đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2022, cô đã tích cực tham gia các hoạt động quảng bá vẻ đẹp truyền thống Việt Nam qua các sự kiện do Đà Nẵng tổ chức; sau khi đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024, Thanh Thủy lại tiếp tục các dự án vì cộng đồng như đồng hành với người dân Đồng bằng sông Cửu Long khắc phục tình trạng nước ngập mặn…
 |
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm cho rằng mỗi cuộc thi sắc đẹp góp phần quảng bá văn hóa, con người và đất nước Việt Nam.
|
Hay Kỳ Duyên khi đến với “Miss Universe 2024” đã chọn “Ngọc Điệp Kỳ Nam” làm bộ trang phục dân tộc chính thức. Đây là một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo kết hợp áo Nhật Bình truyền thống với các chi tiết thêu tay tinh tế và đính đá lấp lánh, giúp Kỳ Duyên tái hiện hình ảnh người phụ nữ vương triều thanh lịch, e ấp nhưng vẫn toát lên vẻ quyền quý. Khi chiếc lọng bung mở, tạo nên hình ảnh “nhộng hóa bướm”. Lọng bướm là sản phẩm thủ công từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng nghề truyền thống làm lọng vào thế kỷ 20 của người Việt xưa. Lọng bướm được dùng làm món đồ chơi, vật trang trí treo tường ở những gia đình quyền quý, mang ý nghĩa trường thọ.
Mỗi một cuộc thi sắc đẹp trong nước hay quốc tế đều là cơ hội quảng bá con người, đất nước Việt Nam thông qua trang phục, những phát ngôn và cả hoạt động bên ngoài của những người đẹp. Nhưng yêu cầu đối với những người đẹp, đặc biệt sau khi họ đã thành công ở những cuộc thi, không chỉ cần thể hiện ở những hoạt động hướng tới cộng đồng mà bằng sắc đẹp, tâm hồn họ còn phải đại diện cho người phụ nữ Việt Nam, cao hơn là con người Việt Nam mở cánh cửa ra với thế giới, để văn hóa Việt Nam được cảm thụ và lan tỏa.
 |
Huỳnh Thị Thanh Thủy quảng bá nghề dệt lụa cùng trang phục truyền thống áo dài Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2024. |
NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam:
Khái niệm “sắc đẹp là tài năng” và “sắc đẹp là tài sản” đều có những ý đúng, ở chỗ sắc đẹp có thể bị phai mòn, hao hụt nếu như không tu dưỡng, bồi đắp, phát huy để tăng thêm giá trị cho cuộc sống. Phụ nữ nào cũng có thể trở thành Hoa hậu trong mắt một ai đó và tỏa sáng, theo cách của riêng mình.
Hiện nay, các cuộc thi nhan sắc đang có xu hướng ngày càng phát triển và được hưởng ứng rộng rãi trên khắp thế giới. Cùng với sự phát triển, thông điệp qua mỗi cuộc thi cũng vô cùng phong phú, không chỉ trong giới hạn về nhan sắc như tên gọi mà hơn thế là thông qua sắc đẹp, bàn luận những vấn đề mang tính xã hội như: Chủng tộc, giới tính… Từ đó truyền cảm hứng cho phái đẹp, giúp họ có thêm sức mạnh, sự tự tin thể hiện bản thân hay khai phá những năng lượng, khả năng tiềm ẩn. Đặc biệt, trên vũ đài quốc tế, các cuộc thi sắc đẹp cũng tạo cơ hội cho mỗi quốc gia quảng bá hình ảnh đất nước, con người với bạn bè quốc tế trên khắp năm châu.
 |
NSND Vương Duy Biên. |
Thế nhưng, một thực tế không thể phủ nhận, các cuộc thi nhan sắc, hoa hậu đang dần đánh mất sự quan tâm của công chúng và thậm chí đứng trước nguy cơ “mất giá, hạ nhiệt” vì ngày càng có nhiều cuộc thi “mọc lên như nấm”. Ngay cả các quốc gia Mỹ, Ấn Độ, Venezuela... là những cường quốc về sắc đẹp trên bản đồ thế giới, nhưng tại “sân nhà”, các cuộc thi hoa hậu cũng đang giảm sức hút, nguyên nhân là do chất lượng đặt ra đối với các thí sinh thấp.
Khái niệm “bội thực hoa hậu”, “lạm phát hoa hậu” cũng từ đó được sinh ra và thậm chí người dân còn truyền nhau câu bông đùa: Phấn đấu mỗi nhà có một cô hoa hậu! Cũng vì mỗi năm có quá nhiều cuộc thi hoa hậu và sắc đẹp nên có lẽ danh xưng hoa hậu cũng vì thế mà giảm sức hút.
Gần đây nhất, Cuộc thi Hoa hậu thế giới Việt Nam 2023 (Miss World Việt Nam 2023) với sự đăng quang của Huỳnh Trần Ý Nhi đã làm dậy sóng dư luận. Với những hành động và phát ngôn gây tranh cãi, chỉ sau gần hai tuần đăng quang, Ý Nhi đã phải hứng chịu làn sóng chỉ trích, tẩy chay dữ dội từ khán giả, thậm chí còn có nhiều ý kiến yêu cầu ban tổ chức tước vương miện của tân hoa hậu.
 |
Các thí sinh Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024 thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trong khuôn khổ các hoạt động cuộc thi. |
Thế nhưng chỉ vì sự non nớt, vạ miệng của tân hoa hậu “trẻ người non dạ”, thiếu kinh nghiệm trong giao tiếp, ứng xử mà một bộ phận công chúng kêu gọi thành lập các hội nhóm “antifan” với con số đông kỷ lục, thậm chí căng băng rôn khẩu hiệu thóa mạ, xúc phạm, hạ thấp uy tín của tân hoa hậu ở khắp nơi là việc làm thái quá, vượt quá giới hạn cho phép. Đây rõ ràng là cách hành xử thiếu văn minh trước những sai lầm của người khác.
Việc “ném đá”, “dìm hàng”, không cho họ có cơ hội thay đổi, sửa sai là cách làm cực đoan cần phải được hạn định và định vị lại.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội:
Nghị định số 144/2020/NÐ-CP trong đó có những quy định cụ thể về các cuộc thi sắc đẹp, đã thể hiện đúng xu hướng chung trong quản lý văn hóa của thế giới. Để tránh tình trạng loạn danh hiệu sắc đẹp, ngoài việc trả lại vị trí vốn có cho danh hiệu này, nhận thức xã hội cần có sự thay đổi, chế tài xử phạt cũng như các quy định liên quan khác cần tạo điều kiện để các cuộc thi sắc đẹp không bị lợi dụng cho các mục đích khác.
 |
PGS, TS Bùi Hoài Sơn. |
Các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương, địa phương cân nhắc kỹ lưỡng việc tổ chức, cấp phép tổ chức các cuộc thi; các cơ quan truyền thông hạn chế tuyên truyền cho các cuộc thi; xử phạt nghiêm các sai phạm trong tổ chức thi sắc đẹp. Mặt khác, các cuộc thi hoa hậu và hoạt động của các hoa hậu nên đồng hành một cách có trách nhiệm xã hội. Các thí sinh những người đoạt giải hoa hậu nên sử dụng vai trò tầm ảnh hưởng của mình để lan tỏa các thông điệp tích cực, xây dựng và mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Để đạt được điều này, các cuộc thi hoa hậu và các hoa hậu cần được trang bị đầy đủ kiến thức về văn hóa, xã hội, các vấn đề toàn cầu để có thể phát biểu một cách thấu đáo, đúng đắn. Bên cạnh đó, họ cần sử dụng sức mạnh của truyền thông để phổ biến các thông điệp tích cực. Họ nên được tạo cơ hội để gặp gỡ, làm việc với các cộng đồng, nghe và hiểu nhu cầu của người dân để có thể đóng góp một cách tốt nhất cho xã hội. Với các hoạt động, phát ngôn như vậy, cuộc thi hoa hậu và các hoa hậu có thể xứng đáng với danh hiệu, đóng góp tích cực cho xã hội.
Bà Thúy Nga, Tổng giám đốc Elite Việt Nam:
Một chuyên gia của Elite quốc tế khi sang công tác tại Elite Việt Nam có nói rằng, họ thấy hầu hết các cô gái ở Việt Nam đều có nhan sắc dễ nhìn hơn phụ nữ các nước láng giềng, tuy nhiên rất hiếm khi nhìn thấy nhan sắc nổi bật. Khi tôi chú ý quan sát hơn thì nhận thấy rằng, thực ra không phải là chúng ta không có nhan sắc nổi bật, mà các em đang tự triệt tiêu sự nổi bật của mình, bởi không đề cao cá tính.
 |
Bà Thúy Nga, Tổng giám đốc Elite Việt Nam. |
Hầu hết các em đều chạy theo một xu hướng là mọi người thích gì là tôi làm theo đó, chứ không phải là tôi hợp với cái gì.
Ví dụ như cách đây vài năm, tôi hoàn toàn không đồng ý với chuyện rất nhiều thí sinh Việt Nam khi đi thi quốc tế thì vội vàng đi tắm trắng, trong khi rõ ràng đặc tính của người Việt Nam là da vàng. Việc các em cần làm chỉ là giữ đúng làn da đặc trưng của mình và trau dồi các kỹ năng khác.
Tôi vẫn nhớ câu chuyện của Hoa hậu H’hen Niê. Khi cô ấy đăng quang, nhiều người còn thắc mắc tại sao hoa hậu lại “đen thui” như vậy, hay hoa hậu gì mà tóc lại ngắn… Thực ra trên thế giới không có một quy chuẩn nào là hoa hậu không được để tóc ngắn. Không chỉ nổi bật ở trong nước, khi đi biểu diễn quốc tế, H’hen Niê cũng rất được chú ý bởi hình thể săn chắc, kỹ năng biểu diễn, trang phục mà mái tóc rất phù hợp. Tôi nghĩ rằng cô ấy là một nhân vật mà các em thí sinh có thể tham khảo để hiểu rằng, chúng ta cần cố gắng trở thành một nhân vật cá tính và luôn nỗ lực để xứng đáng với sự tin yêu, giữ giá trị đẹp trong lòng công chúng.
 |
Hoa hậu H'Hen Niê hạnh phúc khi nhận bằng khen "Nghệ sĩ vì cộng đồng năm 2023" do có những đóng góp trong các hoạt động tình nguyện. |
Mặt khác, bên cạnh sự nỗ lực cá nhân, không thể thiếu đi sự đồng hành rất chuyên nghiệp của một ê kíp. Ê kíp đó không chỉ đơn thuần là người trợ lý xách quần áo hay book vé máy bay,... mà họ sẽ đồng hành và định hướng cho cô hoa hậu hay người nghệ sĩ trong các hoạt động của mình.
Có thể khẳng định, các cuộc thi hoa hậu không đơn thuần là một sân chơi nhan sắc mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đồng hành và thúc đẩy phát triển rất nhiều lĩnh vực xã hội như du lịch, giáo dục, văn hóa, xã hội... Tức là nếu như chúng ta thực sự chuyên nghiệp thì chúng ta có thể góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Nhà thiết kế Cao Minh Tiến:
Các cuộc thi nhan sắc ngày nay không còn đơn thuần là sân chơi sắc đẹp, mà đã trở thành một nơi tôn vinh những cá nhân có khả năng lan tỏa văn hóa dân tộc và đại diện cho các giá trị của đất nước trên trường quốc tế. Vì vậy, việc chú trọng trang bị kiến thức văn hóa, lịch sử, kỹ năng mềm là rất cần thiết để giúp các thí sinh có nền tảng toàn diện và bền vững.
 |
NTK Cao Minh Tiến. |
Trước tiên, kiến thức về văn hóa và lịch sử không chỉ giúp thí sinh hiểu rõ hơn về bản sắc dân tộc mà còn giúp họ tự tin truyền tải những giá trị này đến với bạn bè quốc tế. Các khóa học về lịch sử, văn hóa, di sản và các phong tục truyền thống nên được lồng ghép vào quá trình chuẩn bị, giúp thí sinh có sự am hiểu sâu sắc và có thể tự hào giới thiệu những nét đẹp riêng của Việt Nam một cách thuyết phục.
Bên cạnh đó, kỹ năng mềm như giao tiếp, thuyết trình, quản lý cảm xúc và khả năng làm việc nhóm là những yếu tố không thể thiếu. Đào tạo các thí sinh về kỹ năng ứng xử cũng là một yếu tố quan trọng trong các cuộc thi hoa hậu, bởi nó giúp họ thể hiện sự nhạy bén, khả năng ứng phó linh hoạt và sự đồng cảm với các vấn đề xã hội. Thông qua việc tham gia vào các hoạt động thiện nguyện, dự án cộng đồng và các khóa học về kỹ năng xã hội, thí sinh không chỉ trau dồi thêm kinh nghiệm mà còn xây dựng được hình ảnh hoa hậu thân thiện, sâu sắc và gần gũi với công chúng.
Trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế và vươn mình của dân tộc, việc kết hợp yếu tố truyền thống, hiện đại trong các cuộc thi nhan sắc là chìa khóa để tạo dấu ấn riêng biệt, vừa giữ gìn bản sắc dân tộc, vừa thể hiện sự sáng tạo và hòa nhập với thế giới.
 |
Hoa hậu Áo dài Việt Nam Thế giới 2017 Bùi Quỳnh Hoa trong trang phục áo dài của NTK Cao Minh Tiến.
|
Yếu tố truyền thống có thể được lồng ghép qua các phần trình diễn trang phục dân tộc, giới thiệu những thiết kế độc đáo lấy cảm hứng từ Di sản văn hóa, nghệ thuật và lịch sử Việt Nam. Những bộ trang phục này không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn cần kể được câu chuyện về đất nước, con người và các giá trị lâu đời. Bên cạnh đó, âm nhạc, điệu múa và các yếu tố văn hóa phi vật thể cũng có thể được đưa vào sân khấu như một cách làm nổi bật tinh thần Việt trong các sự kiện lớn.
Sự sáng tạo trong việc chuyển hóa những nét đẹp truyền thống thành sản phẩm văn hóa đương đại sẽ giúp các cuộc thi nhan sắc không chỉ nổi bật trên trường quốc tế mà còn trở thành biểu tượng quảng bá hiệu quả bản sắc Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập.
HÀ VƯƠNG-NGỌC LINH (thực hiện)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.