Di sản bên dòng Nặm Luông

Từ bao đời nay, trong cuộc sống sinh hoạt của người dân bản Tày Vĩnh Yên và Nghĩa Đô (Bảo Yên - Lào Cai), những làn điệu hát Then vẫn vang lên đâu đây làm xao động lòng người. Câu hát Then cất lên trong ngày hội mừng lúa mới ở mỗi bản, mỗi làng Tày.

Câu hát then vang vọng trong mỗi nghi lễ kết hôn của thanh niên trong bản. Câu hát Then có trong mỗi ngày hội văn hóa thôn bản, thăng hoa trong nghi lễ cúng Then.

Và nó còn được cất lên trong mỗi đêm trăng bên bờ suối, mỗi buổi hẹn hò và những lúc lao động mệt nhọc, người ta hát lên cho đỡ mệt. Hát Then đã mang đến cho vùng đất Vĩnh Yên, Nghĩa Đô những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng, trữ tình mà đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo lời kể của các nghệ nhân ở Vĩnh Yên và Nghĩa Đô, hát then ở vùng này mang đậm những đặc trưng cơ bản của hát Then vùng Tây Bắc từ lời hát, chủ đề, nhạc cụ, giai điệu, không gian diễn xướng... Hát Then nơi đây có nguồn gốc bản địa, nhiều bài hát then được chính các nghệ nhân sáng tác và truyền lại cho những người trong bản.

 Nghệ nhân Hoàng Văn Thuỵ truyền dạy hát Then cho thanh niên trong các bản Tày.

Vì thế, trong các bài hát Then, có nhiều tên bản, tên làng, tên con suối, tên ngọn núi, tên địa danh được nhắc đến. Hát Then ở Vĩnh Yên và Nghĩa Đô là sự tích hợp các giá trị văn hóa cổ truyền của đồng bào Tày như tín ngưỡng, nghi lễ, trang phục, nhạc cụ... Trong đó, nghi lễ cúng do thầy Then thực hiện là một hình thức diễn xướng thiêng liêng có nguồn gốc lâu đời và được duy trì cho đến ngày nay.

Theo nghiên cứu của nghệ nhân dân gian Ma Thanh Sợi thì không gian diễn xướng của hát Then Vĩnh Yên và Nghĩa Đô gắn liền với nhà sàn truyền thống, với dòng suối Nặm Luông và không gian lễ hội. Khi biểu diễn, nhóm hát thường có một người đàn ông đánh đàn tính và những người phụ nữ vừa hát vừa cầm chùm nhạc để phụ họa. Hát Then vừa hát, vừa kết hợp với múa.

Người biểu diễn hát then thường mặc bộ trang phục đậm sắc chàm cổ truyền của đồng bào Tày. Từ đặc trưng của không gian diễn xướng, hát then Vĩnh Yên và Nghĩa Đô mang tính cộng đồng cao. Hát Then không chỉ có số đông người tham gia biểu diễn mà còn thu hút đông đảo người xem, người nghe.

“Hát Then có sức hút rất lớn đối với cộng đồng, âm điệu và lời hát ngọt ngào của then đã có sức khơi gợi cảm hứng, sự thăng hoa trong cảm xúc của cộng đồng. Vì thế, cả một không gian lễ hội, không gian nhà sàn hay lễ cưới, có đến hàng chục, hàng trăm người cùng nhau nhảy múa, biểu diễn cùng một làn điệu Then”, nghệ nhân ưu tú Ma Thanh Sợi (dân tộc Tày, bản Rịa, Nghĩa Đô) chia sẻ.

Mỗi làn điệu hát Then ở Vĩnh Yên và Nghĩa Đô đều có một đề tài, chủ đề nhất định. Có thể đó là những quan niệm sống mà đồng bào Tày gửi gắm vào mỗi ca từ. Có thể đó là lời ca nghĩa tình, ca ngợi tình yêu lứa đôi. Có thể đó là chủ đề ngợi ca vẻ đẹp quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ…

 Câu lạc bộ Then tập luyện miệt mài trên không gian nhà sàn.

Theo năm tháng, hát Then ngày càng được sáng tạo ra những làn điệu mới. Trong trang phục của đồng bào Tày, những câu từ ngọt ngào mà thấm đẫm ân tình được cất lên từ bờ môi của những cô gái, những chàng trai Tày bên bờ suối, dưới chân nhà sàn hay cạnh gốc cây để ghi dấu những sự kiện, để trao đổi những tâm tư, tình cảm và lời thề hẹn.

Những “truyền nhân” gìn giữ câu Then

Giới trẻ trong những bản Tày hôm nay, ít người biết đến hát Then, ít người biết hát và ngại ngùng khi hát then. Những làn điệu hát Then thường ngày chỉ đâu đó thuộc về người già, những nghệ nhân ở tận sâu trong bản Tày. Đứng trước thực trạng này, không phải ai cũng nhận thấy và nỗ lực giữ lại hát Then của bản Tày.

Mà việc lưu giữ “kho báu” không phải là ai khác ngoài người già, những nghệ nhân nơi đây, những người đã bước vào tuổi xưa nay hiếm. Họ ngày đêm thao thức, cố “vắt” kiệt trí nhớ để qua đôi mắt đã kèm nhèm, qua đôi tay đã run ghi lại những làn điệu hát Then cổ của cha ông, của bản làng. Họ làm như vậy không phải để cho riêng mình mà họ sợ ngày mai khi họ không còn nữa, câu hát Then vẫn được lưu giữ và truyền đến mai sau.

Có thể kể đến những nghệ nhân của bản Tày đã và đang âm thầm níu giữ câu Then. Đó là cố nghệ nhân Hoàng Thọ Cứ ở bản Nặm Khạo xã Vĩnh Yên rồi nghệ nhân Ma Thanh Sợi bản Rịa xã Nghĩa Đô, nghệ nhân Hoàng Văn Thụy ở bản Khuổi Phường, xã Vĩnh Yên. Sinh ra và lớn lên trong lòng bản Tày, giữa những cánh rừng đại ngàn và là nơi sản sinh ra câu hát Then của người Tày, họ yêu thích câu hát này ngay từ khi còn bé.

Chính vì vậy, tuy tuổi đã già nhưng những nghệ nhân của bản hằng ngày cứ đi hết bản này đến bản kia, hết núi cao lại về nơi bờ suối để sưu tầm những câu hát Then Tày, tìm tòi những bài cúng mang ý nghĩa tâm linh của người bản Tày.

Sưu tầm được đến đâu, họ thường ghi chép cẩn thận vào quyển vở để lưu giữ. Mặc trời mưa hay trời nắng nóng, bàn chân của bà Cứ, ông Sợi kiên trì không biết mỏi. Những dòng chữ trong mỗi cuốn vở của ông Sợi, bà Cứ cứ ngày một dày thêm. Điều đó đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều những làn điệu hát Then của đồng bào Tày được lưu giữ.

Để gìn giữ và phát huy di sản hát Then, UBND huyện Bảo Yên đã ra quyết định thành lập Câu lạc bộ hát Then xã Vĩnh Yên. Những năm gần đây, ở Vĩnh Yên, nghệ nhân Hoàng Văn Thụy đã khắc nghi lời dạy của cha ông, lời nhắn nhủ của truyền nhân Hoàng Thị Cứ, đã tham gia câu lạc bộ hát Then trong các bản Tày ở Vĩnh Yên. Câu lạc bộ không phân biệt lứa tuổi, giới tính. Trụ sở của câu lạc bộ Then được đặt tại nhà văn hóa bản Khuổi Phường.

Ông Hoàng Viết Hồng, Phó bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Yên cho biết: “Xã và huyện rất quan tâm đến câu lạc bộ hát Then của xã, thường xuyên động viên các thành viên duy trì đều đặn việc tập luyện, truyền dạy. Đặc biệt, câu lạc bộ đã giúp các nhà trường truyền dạy hát Then cho học sinh”.

Hát Then gắn với nghi lễ cúng Then ở bản Tày.

Khi tham gia câu lạc bộ Then, nghệ nhân Hoàng Văn Thụy vùng các chị em thuộc nhiều bài Then đã truyền dạy cho những người chưa biết hát, cho con trẻ và không ngừng sáng tác những bài hát then gắn với quê hương, bản làng mình.

Đưa hát then vào nhà trường

Trong những năm qua, các nhà trường từ mầm non đến THPT trên địa bàn hai xã đã đưa hát Then vào các hoạt động ngoại khóa của nhà trường. Vào năm học, cứ đến thứ 5 hằng tuần, các nghệ nhân trong câu lạc bộ sẽ đến các trường tiểu học để dạy hát Then cho học sinh.

Nghệ nhân Hoàng Văn Thụy chia sẻ: “Hiệu quả giáo dục và sức lan tỏa của cách làm này đã góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị của loại hình dân ca độc đáo này của địa phương. Khi đưa câu Then vào hoạt động giáo dục, đa số học sinh thấy gần gũi và nhanh chóng hiểu được giá trị cũng như ý nghĩa của hát Then trong đời sống của đồng bào Tày từ bao đời nay”.

Vào đầu mỗi năm học, các nhà trường đã chủ động mời các nghệ nhân đã sưu tầm và thuộc nhiều bài Then cổ đến nói chuyện về nguồn gốc, giá trị và việc diễn xướng của hát then. Học sinh tại các bản Tày ngoài giờ học còn tham gia tập hát điệu Then tại các đội hát do chi hội phụ nữ, chi hội người cao tuổi tổ chức. Nòng cốt là các nghệ nhân và những người cao tuổi thuộc nhiều câu Then cổ và những làn điệu then ca ngợi quê hương đất nước.

Nhờ đó, khi đến trường, các em học sinh Tày đã có những “vốn liếng” nhất định về hát Then.

Anh Hoàng Đức Sy (dân tộc Tày), Bí thư Đoàn xã Nghĩa Đô chia sẻ: "Vừa qua, UBND huyện Bảo Yên đã công nhận Ban vận động thành lập Câu lạc bộ hát Then xã Nghĩa Đô”.

Ban vận động do anh Hoàng Đức Sy làm trưởng ban cùng các thành viên đều là những người đam mê, có những hiểu biết về hát Then. Với mong muốn, khi Câu lạc bộ ra đời, hát Then sẽ được sưu tầm, truyền dạy một cách quy củ và lan tỏa rộng khắp.

Về miền Then để lắng nghe những thanh ấm áp, ngọt ngào của Then nơi bản Tày, được hòa mình vào những “pho cổ tích sống” để cảm nhận được mạch nguồn di sản chảy mãi. Hát Then trong dòng chảy văn hóa Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong kho tàng văn hóa dân gian Bảo Yên, hát Then là niềm tự hào, là di sản có sức sống vượt thời gian trong cộng đồng. Nghe hát then, biểu diễn hát Then để cảm nhận được tâm hồn dân tộc, để thấy hình bóng quê hương, để tìm về chốn sinh thành, dưỡng dục và có thêm sức mạnh đi đến những chân trời mới. 

NGUYỄN THẾ LƯỢNG