Bà Tám cùng chồng là ông Trần Nguyễn Hoan đang say sưa hát cho bạn bè, con cháu nghe. Đã ngoại lục tuần nhưng giọng ca của ông bà vẫn ấm áp, mượt mà. Nhớ lại thời gian gắn bó với dân ca, bà Nguyễn Thị Tám tâm sự: “Tôi yêu dân ca từ nhỏ. Những khúc hát quê hương đã theo tôi cả cuộc đời”.
Ngày còn trẻ, mỗi đêm hội ở các làng trong vùng có văn công về diễn tích chèo, trích đoạn cải lương, chị Tám đều lặn lội tìm đến xem từ sớm. Hằng ngày, chị còn chú ý lắng nghe chương trình dân ca và nhạc cổ truyền trên Đài Tiếng nói Việt Nam rồi nhẩm thuộc rất nhiều làn điệu dân ca. Khi xây dựng gia đình, dù phải bươn chải cuộc sống mưu sinh nhưng tình yêu với dân ca vẫn âm ỉ chất chứa như mạch nguồn không bao giờ vơi.
Đến tuổi trung niên, con cháu đủ đầy, bà Tám có điều kiện để phát huy sở trường âm nhạc. Bà đứng ra thành lập CLB hát chèo và dân ca Long Biên. Bà Tám và chồng đều có chung niềm yêu thích dân ca. Có lần, bà cùng một thành viên trong CLB văn nghệ của tổ dân phố luyện tập làn điệu hát chèo “Quân tử vu dịch”. Do không có diễn viên nam nên bà Tám phải đóng giả nam để hát song ca. Thấy vậy, ông Hoan đề nghị sẽ đóng vai Dương Lễ, còn bà Tám đóng vai Châu Long. Được chồng ủng hộ, bà rất phấn khởi. Vậy là hai người cùng nhau luyện tập. Sau lần biểu diễn thành công trong ngày hội đình Cự Đồng, bà Tám-ông Hoan tiếp tục luyện tập thêm nhiều làn điệu nữa. Từ đó, trong căn nhà nhỏ, tiếng hát của vợ chồng cứ thế dìu dặt vang lên.
    |
 |
Bà Nguyễn Thị Tám (ngoài cùng, bên trái) cùng gia đình tham gia chương trình giao lưu với nghệ nhân hát chèo. |
Niềm vui được nhân lên khi cô con dâu của bà Tám là chị Nguyễn Thị Vui cũng rất yêu ca hát. Thấy con dâu có chất giọng tốt, bà Tám mời tham gia đội văn nghệ do bà làm đội trưởng. Hơn chục năm qua, mẹ chồng-nàng dâu cùng sinh hoạt trong đội văn nghệ, những khi rảnh rỗi, hai mẹ con lại ới a khúc hát dân ca. Sống trong gia đình tích cực hoạt động văn nghệ nên hai cháu của bà Tám cũng ngấm dần tình yêu với dân ca. Bà Tám kể lại: “Một lần tôi đang hát câu quan họ “Giã bạn” thì cháu gái Nguyễn Thanh Trúc ngồi kế bên bảo: “Bà ơi, bài này con hát được, con hát thử cho bà nghe nhé!”. Nghe cháu nói vậy, tôi rất bất ngờ, liền ưng thuận và giao hẹn nếu hát được sẽ thưởng quà. Vui sao, cô cháu gái lần đầu thể hiện làm tôi rất hài lòng”.
Thấy em được nhận thưởng, cậu anh Trần Nam Anh cũng xung phong thể hiện một khúc hát dân ca. Thế là từ đó, trong gia đình có đủ già trẻ cùng nhau luyện tập và ca hát. Nhờ internet, mọi người có điều kiện giao lưu sinh hoạt trực tuyến với các thành viên trong CLB hát chèo và dân ca Long Biên. Vui nhất là dịp hội làng, cả gia đình xúng xính áo quần lên sân khấu biểu diễn. Những tiết mục do các thành viên tự dàn dựng, luyện tập nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của bà con nhân dân. Không gian gia đình bà Nguyễn Thị Tám trở thành nơi giao lưu, kết nối những người yêu hát dân ca, qua đó khơi dậy phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương.
Bài và ảnh: ĐỨC NAM