Ngày hội của các phường rối nước
Không gian sân khấu thủy đình thuộc Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội rực rỡ ánh đèn. Tiếng trống, nhịp phách ngân lên rộn ràng. Sở Văn hoá và Thể thao TP Hà Nội vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật múa rối nước không chuyên Hà Nội năm 2023, thu hút sự tham gia của các phường múa rối nước truyền thống, gồm: Phường rối nước làng Ra, xã Bình Phú, phường rối nước làng Yên, xã Thạch Xá (huyện Thạch Thất); phường rối nước Đào Thục (Thụy Lâm, Đông Anh); phường rối nước Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức) và Câu lạc bộ (CLB) rối nước Sài Sơn (huyện Quốc Oai).
Mở đầu là màn trình diễn của phường rối nước làng Yên, xã Thạch Xá. Sau hồi trống giục giã, tiết mục rối dây “Tướng loa” do nghệ nhân Nguyễn Văn Lư đạo diễn và điều khiển. Trên màn nước lóng lánh, vị tướng cầm loa từ từ hiện ra giữa màn khói tỏa. Tiếng hô vang vọng: “Loa truyền bốn cõi/ Loa gọi bốn phương/ Khắp chốn thị thành/ Nông thôn dân xã/ Về đây xem phường rối nước làng Yên lên trò biểu diễn. Loa loa loa...”. Điểm khác biệt ở đây không phải chú tễu mở màn như thường thấy mà là một vị tướng áo giáp uy nghi xuất hiện loan báo tin vui. Sau lời giới thiệu là màn “Rước kiệu”, “Múa rồng” trình diễn phục vụ khán giả.
Trong chương trình biểu diễn, phường rối nước Đào Thục mang đến tiết mục độc đáo “Hà Nội-12 ngày đêm”. Nghệ nhân Nguyễn Thế Nghị giới thiệu: “Tiết mục được sáng tác bởi Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đinh Thế Văn, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 chỉ huy bắn rơi máy bay B-52 (tháng 12-1972). Nhờ sáng tạo bằng nghệ thuật múa rối truyền thống, tiết mục trở nên độc đáo, được khán giả yêu thích”. Trên mặt nước pháo sáng vút lên, máy bay B-52 bị bắn hạ, tiếng reo hò của nhân dân vang lên rộn rã. Các nghệ nhân trong buồng trò khéo léo điều khiển con rối sào dưới mặt nước với chiếc máy bay bị bắn hạ ở trên cao lao xuống. Sự kết hợp nhịp nhàng tạo cho tích trò sinh động, hấp dẫn.
 |
Phường rối nước làng Yên biểu diễn phục vụ khán giả. |
Để phục vụ liên hoan, nghệ nhân, diễn viên của các phường rối nước đã không quản ngày đêm sửa sang, gia cố lại con rối và chuẩn bị các điều kiện tham dự. Các tiết mục có nội dung phản ánh đời sống của nhân dân trong chiến đấu sinh hoạt, lao động sản xuất, cầu mong mọi điều tốt đẹp. Thông qua lời ca tiếng hát, nghệ thuật trình diễn, các con rối trở nên sinh động, truyền tải những thông điệp ý nghĩa tới khán giả.
Theo Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, Trưởng ban giám khảo, các phường rối nước đã trình diễn những tiết mục đặc sắc được khán giả yêu mến, đón nhận và cổ vũ nhiệt tình. Tuy nhiên nhìn nhận thực tế, các phường vẫn chưa khai thác hết những trò mang nét đặc trưng của địa phương mình. Ngành văn hóa Thủ đô cần quan tâm hơn nữa và có khoản đầu tư thích đáng để các phường rối nước khôi phục lại những tích trò cổ.
Quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị của múa rối nước
Trong số 6 phường rối nước hiện có trên địa bàn Thủ đô thì riêng phường rối nước Chàng Sơn không hoạt động được do thiếu trang thiết bị, con rối xuống cấp. Phường rối nước Chàng Sơn có tuổi đời vài trăm năm lưu giữ hơn 20 tích trò, nếu không khắc phục kịp thời về cơ sở vật chất thì có nguy cơ mai một.
Sài Sơn là mảnh đất tương truyền được thiền sư Từ Đạo Hạnh dạy trò rối nước. Thế nhưng có thời gian, trò này bị thất truyền. Vào dịp hội chùa Thầy, địa phương phải mời phường rối từ huyện Thạch Thất về biểu diễn. Bà Nguyễn Thị Mùi, Chủ nhiệm CLB rối nước Sài Sơn chia sẻ: “Nhân dân mong muốn có một đội múa rối của riêng mình, năm 2013, CLB rối nước Sài Sơn đã được thành lập. Được sự giúp đỡ của các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long, CLB đã luyện tập thành thục hàng chục tiết mục và biểu diễn trong lễ hội chùa Thầy, phục vụ khách tham quan Sài Sơn. Nhờ sự quan tâm của địa phương, CLB duy trì được hoạt động, góp phần gìn giữ nét đẹp rối nước truyền thống”.
Công tác bảo tồn và duy trì hoạt động hiệu quả hơn phải kể đến phường rối nước Đào Thục. Có lợi thế gần trung tâm Thủ đô, địa phương thực hiện chương trình kết hợp du lịch văn hóa tâm linh với thưởng thức nghệ thuật truyền thống. Với gần 50 thành viên, phường rối có thể chia ra 2 đội phục vụ ở 2 điểm khác nhau. Hằng năm, phường biểu diễn phục vụ hàng nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến xem múa rối nước.
Đánh giá về công tác bảo tồn và phát triển múa rối nước của Thủ đô, Nghệ sĩ Ưu tú Chu Lượng, nguyên Phó giám đốc phụ trách Nhà hát Múa rối Thăng Long cho biết: “Rối nước không chuyên của Hà Nội dần hồi phục thể hiện sự cố gắng của từng phường và sự quan tâm của địa phương. Tuy nhiên nếu phát triển tự phát sẽ bị pha trộn giữa các phường. Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa cần có sự định hướng lại để hiểu rõ giá trị bản sắc, cốt lõi của từng phường và có công tác bảo tồn đúng hướng”.
Múa rối nước là loại hình nghệ thuật đòi hỏi đầu tư công phu về trang thiết bị, đạo cụ biểu diễn, điều kiện tập luyện đặc thù, nếu không được quan tâm, đầu tư kịp thời sẽ đứng trước nguy cơ thất truyền. Bà Lý Thị Thúy Hạnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội cho biết: “Các phường rối của Hà Nội hiện nay hoạt động ở mức độ khác nhau, có nơi hoạt động hiệu quả nhưng có phường gặp nhiều khó khăn. Do vậy, chính quyền địa phương, các nhà quản lý văn hóa cần quan tâm giúp đỡ để nâng cao chất lượng hoạt động của các phường rối, đồng thời phát huy tốt vai trò của đội ngũ nghệ nhân, chú trọng công tác đào tạo, biểu diễn và quảng bá để loại hình nghệ thuật múa rối nước được bảo tồn và phát huy tốt giá trị trong đời sống”.
Bài và ảnh: THƯ NGỌC