Đội rối nước Phú Hòa, Bình Phú, Hà Tây chuẩn bị biểu diễn. Ảnh cinet.gov.vn

Duy nhất chỉ có ở huyện Thạnh Thất, Hà Tây, 3 làng chỉ cách nhau một cánh đồng mà cùng tồn tại 3 phường múa rối nước. Mỗi phường rối đều có trò diễn độc đáo hấp dẫn mà phường rối bạn không làm được.

Phường rối nước làng Phú Hòa

Các cụ nghệ nhân phường rối nước Phú Hòa, xã Bình Phú còn lưu giữ được 17 cụm trò và 23 tích trò từ xưa truyền lại. Các trò thường diễn: Đi thần về phật, Rước kiệu rước tượng, Đua ngựa chém chuối, Các nghề nhà nông (cấy lúa, bắt cá, chăn vịt..) trò nào diễn cũng lôi cuốn. Những con rối được làm bằng gỗ xoan, gỗ sung, trang trí màu sắc bằng sơn, được điều khiển bằng sào tre và dây kéo ngầm dưới nước.

Trò diễn gia truyền của rối nước Bình Phú là trò Rước kiệu rời tượng (con rối nâng tượng từ dưới nước lên trên kiệu, rước tượng xong con rối lại nhấc tượng từ kiệu xuống. Trò đua bốn con ngựa bằng gỗ, tráng sĩ ngồi cưỡi tay cầm gươm sắt, cưỡi ngựa từ trong sân khấu phi ra (dùng rối dây-trò này nghệ nhân dùng dây thừng kéo ngầm trong nước). Tráng sĩ đua ngựa xong lại thi nhau chém chuối. Trò Con rối leo thang, leo từng bậc lên trên bậc thang cao rồi lại leo xuống. Chỉ dùng những chiếc sào tre và dây thừng đặt ngầm dưới nước, nghệ nhân đã khéo léo điều khiển con rối tài tình, làm các động tác như thật. Người điều khiển dây rối giỏi là điều khiển một dây phải làm con rối thực hiện được 3 động tác. Bí quyết điều khiển con rối các cụ chỉ truyền lại cho con cháu trong nhà, trong phường rối mình biết.

Theo ông Nguyễn Hữu Toàn phụ trách đội nhạc và đánh trống trong phường rối, màn chào đầu của phường rối Bình Phú đầu tiên là ông tướng cầm loa dẫn chuyện (các phường rối làng khác hay dùng chú Tễu dẫn chuyện). Kho rối của phường còn giữ được những con rối cổ có hơn 100 tuổi, đến nay các cụ trong phường vẫn không nhớ lại được, con rối cổ này dùng diễn ở tích trò cũ nào. Rối nước Bình Phú đã được mời sang diễn tại Đài Loan, Trung Quốc (năm 2002) và tại I-ta-li-a (năm 2002). Làng đã xây được thủy đình để diễn rối (do Quỹ văn hóa Ford tài trợ), đã sắm được sân khấu rối di động bằng cao su (dùng diễn ở những nơi không có ao như trường học, cơ quan…).

Phường rối nước làng Yên

Nằm ngay cạnh xã Bình Phú là phường rối nước làng Yên, xã Thạch Xá. Phường có nhiều trò diễn hay như: Hành quân rước kiệu, mời trầu, rước tượng, cấy lúa, bắt cá… có nhiều trò cũng giống như ở rối nước Bình Phú và cũng có trò diễn gia truyền độc đáo riêng.

Ông Nguyễn Hữu Huân (60 tuổi) trưởng phường rối cho biết: "Trò diễn gia truyền của phường tôi là trò Tứ mã tranh tài, trò Thi tài chém đứt lá chuối 2 lần mới tài (điều khiển con rối ở trên mặt nước, cầm kiếm sắt chém đứt lá chuối 2 lần cho khán giả xem). Phường rối đang phục hồi lại các tích trò cổ như Thạch Sanh, Tấm Cám

Tiết mục múa rồng của làng Yên cũng rất hấp dẫn, con rồng đang bơi, ngụp lặn dưới nước bỗng nhô đầu lên phun nước lên cao, phụt nước cả vào người xem. Có vị khách quốc tế xem xong trò này, đề nghị muốn xem nghệ nhân điều khiển con rồng đặt máy bơm nước ở chỗ nào, mà con rồng phun được nước cao và đẹp thế! Các cụ nghệ nhân phường rối bê ra chiếc ống nứa và nhiều đoạn dây thừng, chỉ vào và nói cho vị khách biết: bơm nước dân gian của làng rối đấy!

Phường rối nước Chàng Sơn

Làng Chàng Sơn, xã Chàng Sơn nằm ngay cạnh làng Phú Hòa và làng Yên (cùng ở gần chùa Thầy), cũng có nhiều trò diễn lạ và thú vị. Rối nước Chàng Sơn có lợi thế là phường rối làng được đầu tư nhiều và có nhiều con rối mới (phường có nghệ nhân đã làm việc nhiều năm tại Nhà hát múa rối Thăng Long, Hà Nội).

Theo ông Nguyễn Văn Dậu-trưởng phường rối thì Chàng Sơn có 40 trò diễn hấp dẫn như Bật cờ, Đánh đu, Rối leo cột, Quay tơ dệt cửi, Múa tiên, Câu ếch, Cày bừa, Rắn bắt chuột, Xay lúa giã gạo. Tích trò cổ có Quan công chém Bàng Đức (Truyện Tam quốc chí). Ông kể: "Làng tôi vừa được đầu tư xây dựng, lát gạch mới xung quanh ao làng, làm đường ôtô rộng để đón du khách về xem rối". (xã đầu tư 1 tỷ đồng xây dựng).

Theo cụ Nguyễn Văn Tuân (78 tuổi) người điều khiển con rối, trò diễn độc đáo của rối Chàng Sơn là trò Kéo quân. 20 quân rối đỏ, xanh xếp thành một hàng, quân đỏ xếp xen quân xanh đi từ trong sân khấu ra theo một hàng dọc, đến gần người xem quân đỏ đi rẽ sang một bên và quân xanh đi rẽ sang một bên. Trò diễn Mời trầu, chàng trai làng bưng khay trầu cau đi giữa, hai thiếu nữ làng người đánh đàn, người đánh thanh la cùng đi từ sân khấu ra tận chỗ khán giả mời trầu, hai cô vừa đi vừa đánh đàn và đánh thanh la rất ngộ nghĩnh (nghệ nhân dùng dây thừng kéo điều khiển con rối).

Bài và ảnh: HOÀNG NAM