Mấy ngày đến tham quan không gian Hội sách, chúng tôi nhận thấy Ban tổ chức đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho độc giả đến tham quan, mua sách và tham gia các hoạt động của Hội sách. Thế nhưng, chỉ ngày khai mạc (được tổ chức đúng vào dịp nghỉ Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch) là khá đông người đến dự, 3 ngày còn lại lượng khách ít hơn hẳn. Có thể giải thích người đọc ít quan tâm đến Hội sách năm nay là do Ban tổ chức không chú trọng quảng bá khi chỉ tổ chức họp báo thông tin về Hội sách, không hề có những băng-rôn treo khắp đường phố. Như vậy, nếu ai không thường xuyên theo dõi mục tin tức văn hóa trên các phương tiện truyền thông đại chúng hay không đi qua Công viên Thống Nhất thì không thể biết Hội sách đang diễn ra ở đây.

leftcenterrightdel
Các gian hàng bán sách thiếu thẩm mỹ tại khu D. 
Năm nay, số gian hàng đăng ký tham dự Hội sách giảm nhẹ so với năm trước. Anh Lê Văn Hợp, chủ nhân thương hiệu “Sách cũ Hà thành” lý giải vì sao không tham gia Hội sách năm nay: “Tùy theo vị trí và diện tích gian hàng, giá thuê có khác nhau nhưng nhìn chung là tăng so với năm ngoái và đắt hơn so với Hội sách khác như Hội sách Hà Nội tổ chức ở Hoàng Thành Thăng Long. Những đơn vị xuất bản tên tuổi như: Nxb Kim Đồng, Nxb Trẻ, FAHASA, Công ty Nhã Nam, Công ty Bách Việt... là bán sách có lãi. Với những đơn vị kinh doanh sách cũ như chúng tôi, thu không đủ bù cho chi phí thuê gian hàng nên chúng tôi thường chọn những hội sách cấp quận hoặc tập hợp các đơn vị kinh doanh sách cũ khác tổ chức đại hội sách cũ”. Dạo quanh Hội sách, ngoài những gian hàng hoành tráng, bài trí công phu ở vị trí đẹp là khu A và khu B, thì tại khu D là những gian hàng lợp mái tôn, căng bạt bán sách trông nhếch nhác, thiếu thẩm mỹ. Vẫn biết Hội sách không phải là nơi miễn phí để bán sách, nhưng kinh doanh sách có tính đặc thù khi lợi nhuận thu về không lớn bởi chi phí sản xuất cao, sản phẩm bán chậm khiến quá trình thu hồi vốn lâu. Thiết nghĩ, với một Hội sách tuổi đời còn non trẻ và chưa xây dựng được thương hiệu mạnh, nên chăng cần phải ưu đãi giá thuê gian hàng để nhiều đơn vị xuất bản, kinh doanh sách tham gia nhiều hơn, góp phần làm hội sách thêm phong phú, sôi động?

Với những đơn vị xuất bản non trẻ, dù chi phí thuê gian hàng vị trí đẹp khá cao nhưng họ vẫn sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng, chấp nhận không có lãi nhằm quảng bá những xuất bản phẩm “át chủ bài”. Theo ghi nhận của phóng viên, cuốn “Các phương pháp tìm nhanh đáp án môn Toán cho kỳ thi THPT” và một số cuốn sách luyện thi khác do Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội liên kết với Minh Long Books là những cuốn sách “hot”, bán chạy nhất tại Hội sách năm nay. Hai đơn vị này đã rất nhanh nhạy khi “bắt tay” nhau xuất bản và quảng bá loại sách luyện thi để phục vụ các bạn học sinh chuẩn bị tham gia Kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển Đại học, Cao đẳng năm 2017 vào cuối tháng 6 tới. Tuy nhiên, hiệu quả của những cuốn sách luyện thi cần phải có thời gian để kiểm chứng và ngay cả những đơn vị xuất bản cũng chỉ dám quảng bá là sách luyện thi hỗ trợ một phần chứ không phải là “chìa khóa vạn năng”.

Điểm nhấn đáng chú ý của Ngày hội sách bao giờ cũng là các hoạt động bên lề. Chưa nói đến nội dung các hoạt động này, song chỉ nhìn sân khấu tổ chức bị khuất lấp, diễn giả trình bày nhiều khi không có người nghe, đã thấy sự thiếu khoa học, thiếu hợp lý trong công tác tổ chức. Và nếu có ngồi dự những hoạt động bên lề này, không khó nhận ra các hoạt động được tổ chức chủ yếu là để quảng cáo sách mới, tặng quà, một số hoạt động lại hoàn toàn không liên quan đến văn hóa đọc. Anh Nguyễn Văn Thắng (huyện Thanh Trì, Hà Nội) nhận xét: “Tôi tham gia khá nhiều Hội sách tổ chức tại Hà Nội, nhưng tôi thấy Hội sách năm nay không có gì mới mẻ. Đi hội sách bây giờ đúng là mua sách là chính, ít thấy có tổ chức giao lưu với những nhà văn có tiếng như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư...”.

Qua hội sách này, có thể đặt ra câu hỏi: Hội sách được tổ chức để hưởng ứng, cổ vũ văn hóa đọc phát triển hay chỉ thuần túy là nơi kinh doanh sách? Tại sao không mời một nhà khoa học, một cây bút nổi tiếng kể lại quá trình đọc sách từ bé như thế nào, vận dụng các kiến thức đọc được ra sao để viết nên những cuốn sách hay? Sao không đấu giá những cuốn sách cũ có giá trị? Việc thực hiện “bếp núc” trong sưu tập, bảo quản sách để lưu lại cho công chúng những cuốn sách hay diễn ra thế nào? Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, cần đọc sách như thế nào cho có hiệu quả?... Tin rằng, nếu tổ chức các hoạt động thiết thực nêu trên, chắc chắn Hội sách sẽ thu hút nhiều người quan tâm, khơi dậy tình yêu sách cho mọi người, nhất là các bạn trẻ.

Mong sao, Hội sách nếu được tổ chức lần sau thì phải biến hoạt động này thực sự là ngày hội cổ vũ văn hóa đọc trong đông đảo công chúng, chứ không coi Hội sách chỉ là nơi bán sách đơn thuần để kiếm được nhiều lợi nhuận./.

Bài và ảnh: HÀM ĐAN