Mà những câu chuyện của cậu ta chẳng đầu chẳng cuối, đang chuyện nọ lại xọ sang chuyện kia, nhưng mấy đứa chúng tôi vẫn “vểnh tai” lên nghe vì quả thực, cách kể chuyện của cậu ta vừa hóm vừa duyên, thỉnh thoảng lại xuất hiện những tình tiết bất ngờ, thú vị, làm chúng tôi cười nghiêng ngả. Lại nữa, cái chuyện cậu ta khơi ra có khi nửa thực nửa hư khiến chúng tôi khi thì đắm đuối nghe như bị mê hoặc, khi thì nháo nhác, hoang mang vì chẳng biết đó là chuyện thật hay đùa.

Đang như một “diễn viên chính” làm xôm trò cuộc vui, đột nhiên cậu ta dừng lại, bất ngờ hỏi chúng tôi: “Đố các cậu biết hiện nay tớ có biệt danh gì?".

Tôi nhanh miệng: “Là cái ních-nêm “kẻ chém gió” mà cậu vẫn thường dùng trên “phây” chứ còn gì nữa!”.

Tranh minh họa: Báo Người Lao động. 

Cậu ta nhếch mép, chế nhạo tôi: “Kẻ chém gió” xưa như diễm rồi bạn ơi. Bây giờ tớ có nhiều biệt danh. Nhưng tớ khoái nhất người ta gọi tớ là: “Trợ lý thế giới”, “Chuyên gia thời đại”, “Tiến sĩ toàn tập”, “Giáo sư biết tuốt”!

Oao! Nghe vậy, mấy đứa tôi “mắt dẹt, miệng méo” vì những danh xưng của cậu ta rất... lạ tai mà cũng đầy... huyền bí. Thế là chúng tôi nhao nhao hỏi vì sao cậu ta lại có những biệt danh khác người như vậy.

- Có gì đâu-cậu ta cười hề hề-chẳng qua tớ tự biết “nổi đình nổi đám” trước đám đông bằng cách “nói nhiều, nói đại, nói ngược, nói cho sướng mồm”, thế thôi!  

- Tóm lại là cậu biết phát ngôn “gây sốc” chứ gì?-một người bạn trong số chúng tôi hỏi.

Cậu ta mủm mỉm: “Không những “gây sốc” mà còn biết tạo ra “hiệu ứng ngược” thông qua việc lôi kéo một số tờ báo mạng theo xu hướng “lá cải hóa” a dua, bình luận như một cách “bảo kê thông tin” cho mình. Nói thật nhé, cũng có lúc chẳng biết đúng-sai ra sao, hay-dở thế nào, nhưng nhờ cái lợi thế hoạt ngôn, hoạt khẩu “trời cho” nên tớ cứ “bắn” không tiếc lời và có lúc cũng cảm tưởng như mình trở thành kẻ “điếc không sợ súng”! Sau mỗi lần tớ phát ngôn như thế, y như rằng dư luận lại được một phen “nổi sóng”.

Sau khi tự phác họa “chân dung” và cũng tự vạch “chân tướng” của mình như vậy, chúng tôi bỗng nhìn cậu ta với ánh mắt đầy nghi ngại và cảnh giác! Nhưng không, “oan” cho cậu ta lắm! Bởi thực tế, đấy chỉ là một vai “đóng thế” mà cậu ta tự nhận mình là một “diễn viên” để giúp chúng tôi hiểu thêm một “trò diễn mới” trong đời sống xã hội hôm nay.

Đúng là thời gian qua, một số ít người trong xã hội (cũng có học hàm, học vị, có chức sắc, có chút tiếng tăm này nọ) cứ tự cho mình cái gì cũng biết, cái gì cũng nói... khiến cho dư luận xã hội thêm rối bời. Có người chỉ thích nói ngược, tưởng là “phản biện” nhưng nội dung thể hiện tính khoa học, xây dựng thì nhạt nhẽo, còn tính chỉ trích, phản bác lại đậm đặc. Thậm chí có người chỉ thích xăm xoi vào những mặt trái, yếu kém của xã hội để “làm toáng” lên một vấn đề nóng nào đó, khiến dư luận trở nên “hú vía” vì sự phát ngôn gây choáng của họ. Trong số đó, có người thích lập ngôn bằng những câu cố ý... khác thiên hạ; cũng có người muốn chơi trội bằng cách thu hút sự quan tâm của đám đông hiếu kỳ; lại có người ảo tưởng cho mình là người “thông kim bác cổ”, “kinh bang tế thế”, cái gì cũng biết, cũng đăng đàn...

Những hạng người như thế, theo ý kiến của chính bạn tôi-người từng tự trào mình có những biệt danh: “Trợ lý thế giới”, “Chuyên gia thời đại”, “Tiến sĩ toàn tập”, “Giáo sư biết tuốt”... đã nói như khẳng định rằng: Nếu không tỉnh táo, thận trọng và biết điểm dừng đúng lúc, đúng chỗ trong phát ngôn, chính họ tự biến mình thành con rối cho cuộc đời... giật dây!

LÝ XUYÊN