Báo cáo với đoàn công tác, PGS, TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, từ năm 1962 đến nay, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng hàng chục nghìn cán bộ làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông. Nhằm tiếp tục triển khai, thực hiện nhiệm vụ tốt hơn, Học viện đề xuất Ban Tuyên giáo Trung ương sớm có tổng kết về công tác đào tạo nguồn nhân lực làm công tác tuyên giáo, báo chí, xuất bản, truyền thông trên cả nước để đánh giá những thành công, hạn chế, bất cập, từ đó có những chỉ đạo phù hợp trong công tác đào tạo, quản lý lĩnh vực; đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các cơ quan cấp trên tạo điều kiện, đầu tư các nguồn lực cho Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện thành công Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, phát triển Học viện thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TTXVN 

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Học viện Báo chí và Tuyên truyền cần đổi mới nội dung, phương thức, hình thức và chương trình đào tạo để đáp ứng với điều kiện đổi mới báo chí, xuất bản và truyền thông; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, đào tạo báo chí, truyền thông và xuất bản.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, công tác đào tạo, quản lý giáo dục đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ giảng dạy tâm huyết, yêu nghề, truyền cảm hứng kinh nghiệm thực tiễn cho thế hệ sinh viên có bản lĩnh nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu và hội nhập quốc tế. Trong điều kiện hiện nay, việc đào tạo báo chí, truyền thông về lĩnh thông tin đối ngoại cần được đẩy mạnh; đưa các yếu tố vùng miền vào trong công tác đào tạo, đặc biệt không để thiếu thông tin vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

TTXVN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.