PGS, TS, nhà văn NGUYỄN THẾ KỶ, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương:
Mảng đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng có những đổi mới và thành công
Sáng tạo VHNT về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng (LLVT-CTCM), đội ngũ văn nghệ sĩ đã vượt lên trên mức độ của những ghi chép, phản ánh lịch sử thông thường để khắc họa hiện thực lịch sử và đời sống xã hội.
 |
PGS, TS, nhà văn NGUYỄN THẾ KỶ. |
Quan niệm về hiện thực chiến tranh của người nghệ sĩ thời hậu chiến có sự đổi mới rõ rệt. Bên cạnh mạch cảm hứng chủ đạo là ngợi ca cuộc kháng chiến anh hùng, những chiến công oanh liệt đậm chất sử thi, lãng mạn, nhiều tác phẩm sau năm 1975 có sự đa dạng hơn nguồn cảm hứng về hiện thực: Cảm hứng bi tráng, cảm hứng thế sự mang đầy tính nhân bản. Biên độ miêu tả hiện thực cũng được văn nghệ sĩ hậu chiến có ý thức mở rộng; những mặt khuất lấp của thực tại được nhà văn và nghệ sĩ miêu tả bằng tinh thần đối thoại và cái nhìn phản tư; thân phận con người với những trăn trở được-mất trở thành mối quan tâm lớn.
Việc khắc họa nhân vật thuộc LLVT trong VHNT thời hậu chiến cũng có sự vận động rõ rệt. Con người lý tưởng hóa đã nhường chỗ cho con người đầy nhân văn, nhân bản với những trăn trở, suy tư, khát vọng và cả những toan tính, sai sót, lỗi lầm của đời thường. Nếu như trong VHNT thời chiến, chiến tranh là đối tượng phản ánh chủ yếu thì trong VHNT thời hậu chiến, nó như là phương tiện để nhà văn, nghệ sĩ thể hiện những vấn đề của con người thế sự; vấn đề hàn gắn vết thương, hóa giải hận thù, hòa hợp dân tộc được VHNT thời kỳ này quan tâm giải quyết. Một vấn đề đặt ra là xây dựng những anh hùng trong thời đại mới-những người lính thời bình vẫn cần nhiều khám phá mới, trở thành cảm hứng, trách nhiệm của văn nghệ sĩ ở các loại hình nghệ thuật.
----------
Đại tá, nhà văn CHU LAI:
Trăn trở về tác phẩm đỉnh cao của một đề tài lớn
Đội ngũ các nhà văn thời chống Pháp hầu như đã không còn một ai. Đội ngũ các nhà văn thế hệ chống Mỹ cũng lác đác còn lại không nhiều.
Vậy mà vẫn phải chịu gánh nặng của một câu hỏi nhức nhối thường được đặt ra trong các cuộc hội thảo, được đặt ra trên bàn viết cô đơn của người cầm bút: “Chiến tranh và người lính là một đề tài lớn nhưng hầu như chưa một cuốn sách nào chạm đến được đỉnh cao của nó. Phải chăng vì nó không có tư tưởng?”.
 |
Đại tá, nhà văn CHU LAI. |
Vâng, cũng có thể như thế. Nhưng thế nào là tư tưởng? Câu hỏi của một thời và muôn thời. Một câu hỏi không dễ trả lời và không thể không trả lời. Sau trận Borodino dìm uy danh của hoàng đế Bonaparte nửa thế kỷ, đại văn hào Lev Tolstoy mới trả lời được bằng cuốn sách vĩ đại "Chiến tranh và hòa bình". Còn ở ta thì sao? Câu trả lời vẫn đang nằm ở phía trước. Nhưng trên hết, nó đang nằm ẩn sâu trong trái tim người sáng tạo.
Bởi, vượt qua mọi thăng trầm, vật vã, nhọc nhằn, mạch ngầm của mảng đề tài này vẫn không ngừng chảy. Sẽ đến một lúc nào đó, nhất định nó sẽ tung bọt trắng thăng hoa, như sức sống mãnh liệt của một dân tộc hàng ngàn năm luôn biết kiêu hãnh ngẩng nhìn trời xanh mà nói: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
----------
TS ĐỖ THU HÀ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam:
Văn học cách mạng giáo dục phẩm chất, đạo đức cho học sinh
Những tác phẩm văn học cách mạng trong chương trình và sách giáo khoa phổ thông là phương tiện, là cầu nối quan trọng để thực hiện mục tiêu giáo dục phẩm chất, đạo đức cho học sinh. Thông qua việc học những tác phẩm có giá trị, học sinh được bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, biết yêu thương, sẻ chia; biết trân trọng chính mình và mọi người.
 |
TS ĐỖ THU HÀ. |
Các em cũng sẽ có được nhận thức đúng đắn, có thái độ và hành vi phù hợp để kiến tạo lối sống trách nhiệm, trung thực. Với những phẩm chất, đạo đức được bồi dưỡng, vun đắp, các em sẽ là những người có ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam; có tinh thần tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, hội nhập quốc tế.
Khả năng cảm hóa của văn học đối với con người nói chung và các em học sinh nói riêng là vô cùng mạnh mẽ, sâu sắc. Tuy nhiên, mức độ hiệu quả và quyền năng thực hiện thuộc về giáo viên, bởi giáo dục là một nghệ thuật. Xã hội đã trao quyền năng cho giáo viên và cũng cần đặt nhiều hơn niềm tin vào đội ngũ nhà giáo để những người thầy, người cô trong nhà trường sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa sứ mệnh của mình: Giáo dục phẩm chất, đạo đức cho học sinh, góp phần vào công cuộc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
----------
Đại tá, TS, Nghệ sĩ Nhân dân NGUYỄN XUÂN BẮC, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội:
Khôi phục và bảo tồn ký ức chiến tranh qua văn học - nghệ thuật
VHNT không chỉ giúp tái hiện và bảo tồn những ký ức lịch sử mà còn là công cụ mạnh mẽ giúp các thế hệ sau cảm nhận được những giá trị tinh thần to lớn mà cha ông đã để lại. Các tác phẩm này không chỉ là di sản văn hóa mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp thế hệ mai sau trân trọng hơn những thành quả mà dân tộc đã đạt được, từ đó biết ơn và bảo vệ những giá trị đó.
 |
Đại tá, TS, Nghệ sĩ Nhân dân NGUYỄN XUÂN BẮC. |
Cả hai nội dung này đều khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của VHNT trong việc tác động đến thế hệ hôm nay và bảo tồn ký ức chiến tranh. Những tác phẩm này không chỉ ghi lại lịch sử mà còn giúp thế hệ trẻ hiểu và trân trọng những giá trị tinh thần, những hy sinh mà cha ông đã dành cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Đồng thời, VHNT cũng là phương tiện quan trọng để bảo tồn và khôi phục ký ức chiến tranh, giúp giữ gìn những giá trị văn hóa, tinh thần dân tộc qua các thời kỳ.
Các tác phẩm VHNT đã phản ánh đầy đủ những đau thương, mất mát, nhưng cũng là niềm tự hào của dân tộc trong chiến tranh. Ký ức chiến tranh không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ sau trong công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.
----------
TS, nhà lý luận phê bình điện ảnh NGÔ PHƯƠNG LAN, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam:
Cần có những thay đổi về cơ chế, chính sách
Khoảng 20 năm trở lại đây, nước ta bắt đầu có nền công nghiệp điện ảnh, gắn với hình thành thị trường điện ảnh. Một số phim do Nhà nước đặt hàng, trong đó chủ yếu là về đề tài LLVT-CTCM đã ra rạp và tạo được điểm nhấn. Hiện tượng “Đào, phở và piano” gần đây đặt ra vấn đề cần có những thay đổi về cơ chế, chính sách trong điện ảnh nói riêng, VHNT nói chung.
 |
TS, nhà lý luận phê bình điện ảnh NGÔ PHƯƠNG LAN. |
Chẳng hạn, theo quy định hiện nay, phim Nhà nước đặt hàng thì phải nộp lại 100% doanh thu cho Nhà nước. Các hệ thống rạp lớn không phát hành phim Nhà nước đặt hàng, nhất là đề tài LLVT-CTCM vì liên quan đến việc ăn chia phần trăm. Hiện nay, chúng ta chưa có quy định về việc chi phần trăm cho nhà phát hành, phổ biến phim.
Điện ảnh Việt Nam thời kỳ nào cũng cần có những bộ phim lớn, phản ánh chân thực đời sống, xã hội, mang hình ảnh đất nước, chiều sâu tâm hồn Việt ra thế giới. Cơ hội để có tác phẩm lớn thời nay gắn với sự phát triển của công nghiệp văn hóa và đặc biệt là công nghiệp điện ảnh, buộc phải duy trì tốt cơ chế hợp tác công-tư thì mới có thể bền vững, nhất là với các tác phẩm cần có đầu tư lớn như phim điện ảnh. Với đề tài LLVT-CTCM, để lột tả được chiều sâu của nghệ thuật hình ảnh động, đòi hỏi đầu tư phải tương xứng. Bên cạnh kinh phí sản xuất phim, cần có phương án phát hành, quảng bá. Để làm được thì cần phải có tư duy ngay từ đầu, có hướng phát hành, tìm thị trường từ đầu.
----------
Trung tá QNCN, nhà văn PHẠM VÂN ANH, Cục Chính trị, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng:
Quan tâm tới đội ngũ văn nghệ sĩ
Trong giai đoạn hiện nay, nhằm phát huy vai trò mũi nhọn xung kích trên mặt trận chính trị, tư tưởng của hoạt động VHNT, để đề tài LLVT-CTCM tiếp tục là một trong những dòng chảy chính, cần quan tâm đặc biệt tới đội ngũ văn nghệ sĩ trong và ngoài Quân đội sáng tác về đề tài này, bởi họ chính là chủ thể của hoạt động sáng tạo.
 |
Trung tá QNCN, nhà văn PHẠM VÂN ANH. |
Cùng với các tri thức và kỹ năng sáng tác được đào tạo trong nhà trường và quá trình tự đào tạo của hoạt động sáng tác tự thân, cần tạo môi trường thực tiễn sinh động để văn nghệ sĩ qua việc tiếp cận với đời sống, công tác, hy sinh của người lính hôm nay trong những nhiệm vụ mới, chiều kích mới, tầm vóc mới, tư duy mới...
Song song với đó là tăng cường phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hoạt động sáng tác trong Quân đội thông qua các hoạt động phát động sáng tác từ cơ sở để phát hiện hạt nhân văn hóa-văn nghệ; cử đi bồi dưỡng tại các khóa đào tạo dài hạn, ngắn hạn hoặc tham gia các trại sáng tác của địa phương và Quân đội; phát hành, quảng bá sáng tác của các tác giả mới là quân nhân sẽ tạo được động lực sáng tác của đội ngũ này.