Tuy nhiên, thông qua các cuộc triển lãm mỹ thuật, trại sáng tác, đã xuất hiện nhiều tác phẩm xuất sắc, phản ánh truyền thống đoàn kết, yêu nước; hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hình ảnh người chiến sĩ hôm nay trong xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đã được khai thác triệt để.

Lan tỏa phong trào sáng tác mỹ thuật về Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng trong toàn quân

Thực hiện theo Kế hoạch số 136/KH-CT ngày 19-1-2021 của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam về tổ chức hoạt động trọng điểm về văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí Quân đội giai đoạn 2021-2025 đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt tại quyết định số 218/QĐ-BQP ngày 22-1-2021, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được giao nhiệm vụ là Cơ quan thường trực, giúp Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam theo dõi, tổ chức vận động sáng tác, triển lãm chuyên ngành mỹ thuật.

Triển lãm toàn quốc đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng 2019-2024 tổ chức nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thu hút nhiều người xem. Ảnh: ĐỨC ANH

Với nhiệm vụ là cơ quan thường trực vận động sáng tác mỹ thuật đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã tổ chức các hoạt động mỹ thuật trọng điểm giai đoạn 2021-2025 (mở các trại sáng tác ở 3 miền, tổ chức đoàn thực tế sáng tác tới các đơn vị trong Quân đội, trưng bày triển lãm một số tác phẩm mỹ thuật đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng; tổ chức phát động sáng tác, tổ chức triển lãm, trưng bày 200 tác phẩm tiêu biểu về đề tài này)…

Trong Triển lãm toàn quốc đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng 2019-2024 tổ chức nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, các tác phẩm có chất liệu, hình thức thể hiện đa dạng, phong phú; bám sát đúng nội dung, chủ đề sáng tác; nhiều tác phẩm mỹ thuật có giá trị cao, được hình thành thông qua các tài liệu ghi chép trong các đoàn thực tế sáng tác tại đơn vị Quân đội; nhiều tác phẩm sáng tác về hình ảnh người chiến sĩ hôm nay trong xây dựng “Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; ca ngợi vẻ đẹp hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn hiện nay. 

Đại tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: Chúng tôi nhận thấy việc tổ chức các cuộc vận động sáng tác mỹ thuật về đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng cần dựa trên nền tảng gốc là lực lượng sáng tác trong Quân đội. Tuy nhiên, số lượng họa sĩ trong Quân đội tham gia ít (12/46 họa sĩ Quân đội; trong tổng số 644 tác giả toàn quốc gửi tranh tham dự triển lãm toàn quốc). Phong trào sáng tác mỹ thuật đề tài này trong toàn quân chưa thực sự hiệu quả. Ngoài ra, chất lượng các tác phẩm sáng tác, tham gia triển lãm chưa đồng đều.

Một trong những tác phẩm trưng bày tại triển lãm. Ảnh: ĐỨC ANH

PGS, TS, Nhà giáo nhân dân, họa sĩ Lê Thanh Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam có nhiều tác phẩm vẽ về đề tài chiến tranh cách mạng như tác phẩm “Khúc ngoặt”, “Chiến lũy” hay “Ký ức những ngọn đèn” đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cũng như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Chia sẻ về đề tài này khi sáng tác, họa sĩ Lê Thanh Vân cho biết: Trong triển lãm Triển lãm mỹ thuật toàn quốc đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng (2019-2024) vừa qua, tôi thấy được sự “khao khát” của các họa sĩ để có ngôn ngữ thể hiện mạnh hơn, mới hơn. Trong những lĩnh vực của Quân đội đang phát triển như hiện nay có nhiều tác phẩm rất xuất sắc. Bên cạnh đó có những tác phẩm mà tác giả không phải là người lính, thể hiện hình ảnh tình quân dân.

“Thế hệ trước đây và thế hệ chúng tôi cũng vậy, thường hay vẽ về tình quân dân. Thế hệ bây giờ cũng phản ánh như vậy. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ giúp dân dựng lại nhà sau bão lũ, bộ đội và nhân dân rất gắn bó với nhau. Như vậy đòi hỏi người sáng tác phải “thổi hồn” tình cảm quân dân vào tác phẩm. Quân và dân cùng chung một ý tưởng”, họa sĩ Lê Thanh Vân chia sẻ.

Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng là một đề tài lịch sử trọng đại, gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Mỗi một thời đại lịch sử, mỗi một thế hệ tác giả, thậm chí mỗi một tác giả đều có một quan niệm và cách tiếp cận nội dung đề tài và cách xử lý nghệ thuật riêng. Cho dù các hoạ sĩ hiện nay gặp phải rất nhiều khó khăn từ chủ quan và khách quan  khi đi tìm chủ đề cho tác phẩm đến lựa chọn phong cách để phù hợp với đề tài này, nhưng họ vẫn kiên định đi tìm cho mình con đường sáng tác, có thể từ các trại sáng tác hay một chuyến đi thực tế đều là những gợi mở cho họa sĩ và nhà điêu khắc sáng tác.

Sinh viên Đàm Thị Thanh An (Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp) cho biết: Tôi đã được nhiều họa sĩ chia sẻ về cách tiếp cận và khai thác đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Đề tài về chiến tranh trải dài vô tận, có nhiều khía cạnh để thể hiện, một trong số đó là hình ảnh về người lính; tình cảm quân dân.

“Tôi mong rằng sau này, Bảo tàng tiếp tục tổ chức những trại sáng tác, triển lãm cho thế hệ trẻ được tiếp cận với bộ đội, đời sống của các chiến sĩ để có thêm trải nghiệm. Từ đó tạo cảm hứng sáng tác và con đường để tạo nên những tác phẩm mỹ thuật về đề tài này sâu sắc hơn”, sinh viên Đàm Thị Thanh An nhấn mạnh.

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân, họa sĩ Lê Duy Ứng (thứ 3 từ phải sang) bên tác phẩm điêu khắc “Trọng điểm” của ông trưng bày tại Triển lãm toàn quốc đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng 2019-2024. Ảnh: ĐỨC ANH

Vai trò của các trại sáng tác mỹ thuật và những chuyến đi thực tế đến các doanh trại quân đội

Nói về các kế hoạch tổ chức những trại sáng tác, Đại tá Lê Vũ Huy cho biết: Theo kế hoạch thì chúng tôi phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức mỗi năm 1 Trại sáng tác cho 15 họa sĩ trong thời gian 15 ngày; phối hợp với các đơn vị trong quân đội tổ chức một đoàn thực tế sáng tác cho 20 – 25 họa sĩ, nhà điêu khắc trong 3-5 ngày. Trong Cuộc vận động tiếp theo cũng đang nỗ lực đổi mới về hình thức tổ chức các trại sáng tác và đoàn thực tế sáng tác sao cho hiệu quả hơn.

Vai trò của các trại sáng tác mỹ thuật và các chuyến đi thực tế đến các doanh trại quân đội, đã tạo điều kiện cho các họa sĩ tiếp tục sáng tạo, nuôi dưỡng ý tưởng và sáng tác nhiều tác phẩm mới chất lượng về đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng.

Đây là một đề tài còn ẩn chứa nhiều nội dung mang giá trị nhân văn sâu sắc cần được khám phá. Từ đó từng bước gây dựng lực lượng sáng tác nòng cốt trong các đơn vị quân đội; tạo điều kiện, môi trường sáng tác cho các họa sĩ đã gắn bó lâu dài, các họa sĩ trẻ có nhiệt huyết với mỹ thuật đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng.

Đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng luôn cuốn hút, hấp dẫn và thôi thúc các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc sáng tạo. Tác phẩm về đề tài này luôn chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử phát triển mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Vì vậy, để có những tác phẩm xuất sắc thì những trại sáng tác chính là nơi để các họa sĩ, nhà điêu khắc thăng hoa trong nghệ thuật.

GIA KHÁNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.