Cùng phố Tân Hưng, thị xã Phú Thọ với tôi có bạn Nguyễn Thế Hùng cách nhà tôi gần một trăm mét và hai bạn: Ngô Đảo Tư, Phạm Thị Nhung. Cùng lớp với tôi có Trần Quốc Tiến, một cầu thủ bóng đá xuất sắc và Nguyễn Thị Tuyết.

Nhà cách Đền Hùng 14 cây số, chúng tôi rủ nhau đi bộ từ lúc hơn 6 giờ sáng, ai cũng chọn bộ quần áo đẹp nhất của mình. Đồ ăn mang theo, gia đình nào có gì mang nấy nhưng đa phần là cơm nắm muối vừng, muối lạc.

 Du khách trẩy hội Đền Hùng. Ảnh:TTXVN.

Đường đi toàn là đường đất chứ không phải đường nhựa, đường bê tông như bây giờ. Phong cảnh trên đường đi thật đẹp, bầu trời trong xanh, những hàng cây long não xanh mát tỏa hương, những cây gạo dọc đê sông Thao nở những bông hoa đỏ thắm. Trên đường đi, chúng tôi vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ. Hôm ấy người về thăm viếng Đền Hùng rất đông, đủ các thành phần, đủ lứa tuổi, có cả đồng bào các dân tộc: Mường, Dao, Cao Lan ở các huyện miền núi cũng về.

Gần đến Đền Hùng, chúng tôi đã nghe thấy tiếng chiêng trống, nhạc bát âm của các đoàn rước kiệu, rộn rã một vùng. Đi đầu là đội múa sư tử, tiếp đó là phường bát âm, cờ phướn, biển dấu, bát bỉu. Mỗi đoàn rước khoảng 50 người trang phục sặc sỡ, đa phần là thanh niên trẻ khỏe. Tham gia đoàn còn có các vị cao niên và các em thiếu nhi học cấp 1, 2. Các kiệu đều sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh vi, được rước đi trong không khí vừa trang nghiêm, vừa vui vẻ. Nhiều kiệu có hàng trăm năm tuổi, được rước từ đình làng mình tới Đền Hùng. Đó là những cuộc hành lễ thể hiện tính tâm linh và nhân văn sâu sắc.

Ban tổ chức chấm giải cho các làng xã có kiệu tham gia: Kiệu nào đẹp, đoạt giải nhất thì được rước lễ vật là bánh chưng, bánh giầy lên núi để dâng Vua Hùng trong buổi hành lễ vào sáng mồng 10 tháng 3. Bánh chưng vuông, bánh giầy tròn tượng trưng cho trời đất là lễ vật dâng tổ tiên thật ý nghĩa, thiêng liêng. Lễ vật gắn bó với tất cả người dân nước Việt, gợi chúng tôi nhớ đến bài thơ : “Bánh chưng bánh giầy” của nhà thơ Bằng Việt…

Ở hội Đền Hùng, ngoài rước kiệu còn nhiều trò diễn, các trò chơi dân gian như đánh trống đồng, đâm đuống, đấu vật, chọi gà, kéo lửa thổi cơm thi, đánh cờ người.... làm cho không khí ngày hội thêm tưng bừng, phấn khởi.

Đoàn đi của chúng tôi gặp hàng nghìn người dân từ khắp mọi miền về trẩy hội, thắp hương tưởng nhớ các Vua Hùng và “cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cầu may mắn, sức khỏe”. Đi đường xa vất vả, mệt mỏi nhưng nét mặt người nào cũng rạng rỡ, vui tươi.

Ngắm nhìn lễ rước kiệu xong, sáu đứa chúng tôi cùng mọi người viếng thăm Đền Giếng, leo núi thăm Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Lăng Hùng Vương. Đền Hùng hồi bấy giờ còn hoang sơ, ít các công trình, ít hoa, chưa được khang trang, đẹp đẽ như một công viên toàn bích đầu những năm 20 của thế kỷ XXI. Đến Đền Giếng chúng tôi xúc động biết: Ngày 19 tháng 9 năm 1954, tại đây Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn Quân Tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô, Người căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời nói bất hủ của Người vang vọng non sông, vang vọng mãi muôn đời sau.

Đến hơn 14 giờ chiều chúng tôi mới thăm viếng xong các đền, xuống tới chân núi. Khoảng 17 giờ mới về đến nhà. Một chuyến đi thật ý nghĩa, tuy mệt nhưng rất vui vì chúng tôi đã làm được một việc có ý nghĩa: Hiểu biết thêm về cội nguồn dân tộc, về văn hóa dân tộc thể hiện lòng tri ân tổ tiên và biết ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước.

Trong đoàn chúng tôi thăm Đền Hùng hôm ấy có bốn đứa con trai. Thực hiện lời căn dặn của Bác, năm 1965 cả bốn chúng tôi đều xung phong lên đường nhập ngũ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nguyễn Thế Hùng được tuyển vào Đoàn không quân 343. Ngô Đảo Tư là lính bộ binh chiến đấu ở Mặt trận miền Đông Nam Bộ. Tôi ở Đoàn 559, bộ đội Trường Sơn, chiến đấu ở chiến trường Lào. Còn Trần Quốc Tiến chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Năm 1968 Ngô Đảo Tư đã anh dũng hy sinh tại mảnh đất Bà Rịa - Vũng Tàu. Mùa thu năm 1977, trên chiếc A-37, Nguyễn Thế Hùng cùng biên đội nhận nhiệm vụ vào chiến đấu ở Mặt trận Tây Nam, chiến trường K. Trong một trận chiến, các anh tiêu diệt được rất nhiều cứ điểm địch, làm cho quân địch hết sức hoảng loạn, khiến chúng phải huy động các loại pháo bắn xối xả lên trời. Không may, chiếc A-37 trong lúc bổ nhào diệt địch bị trúng đạn, các anh phải bật dù nhảy ra. Đồng đội của anh đã trúng đạn hy sinh lúc dù đang rơi. Anh Hùng sau khi dù tiếp đất đã bị quân địch bủa vây, chúng gọi anh hạ vũ khí đầu hàng. Anh rút súng ra chiến đấu với đông đảo quân giặc, chiến đấu với tinh thần quả cảm đến hơi thở cuối cùng. Anh đã ra đi ở tuổi 32. Ngày 28-4-2000, liệt sĩ Nguyễn Thế Hùng đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Kết thúc chiến tranh, mỗi người chọn một nghề nghiệp, tôi công tác trong ngành giáo dục, tham gia Hội truyền thống Trường Sơn và các hoạt động về văn học nghệ thuật.

Chuyến đi thăm Đền Hùng ngày ấy của chúng tôi giờ đây đã tròn 60 năm, người hy sinh, người còn, người mất nhưng những kỷ niệm đẹp về Đền Hùng, về lễ rước kiệu ở Hội Hùng khiến chúng tôi không bao giờ quên...         

ĐOÀN HẢI HƯNG