Ấy thế mà chẳng bao giờ sai lệch ngày tuần, rằm, giỗ chạp. Cứ độ đầu tháng ba âm lịch, khi tiết xuân đã mãn, nắng nhẹ hanh vàng là bà hay ra ngồi hong nắng trước hiên, mắt ngước lên đỉnh non thiêng Nghĩa Lĩnh nhẩm đếm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Những khi ấy, tôi thích được ngồi bên nghe bà kể chuyện. Những truyền thuyết từ thuở xưa như lời non nước vọng về linh thiêng, huyền diệu. Bà kể sự tích Lang Liêu làm bánh chưng, bánh giầy dâng lên vua cha. Từ hạt gạo trắng trong cùng các nông sản nơi thôn dã, Lang Liêu đã làm ra hai thứ bánh tượng trưng cho trời tròn, đất vuông là khởi nguồn cho vạn vật sinh sôi, nảy nở. Vua thưởng thức bánh rồi trao Lang Liêu giải nhất, về sau truyền ngôi kế vị. Cũng từ đấy, dân chúng học theo làm bánh chưng, bánh giầy dâng cúng cha mẹ, tổ tiên, tỏ lòng hiếu thuận, tri ân cội nguồn.
 |
Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: VTC. |
Đã thành lệ, năm nào bà tôi cũng làm bánh giầy vào dịp Quốc giỗ. Cái hũ sành nơi góc bếp đựng đầy nếp nương hạt đều tăm tắp, đổ ra thau đồng nghe như tiếng ngọc reo. Bà khéo chọn gạo và kén cả nước ngâm. Đó phải là thứ nước mưa được hứng từ trước ngày chính giỗ Vua Hùng. Dân gian vẫn gọi đó là “mưa rửa đền” linh thiêng diệu vợi. Hạt gạo đằm mình trong nước mưa ngọt mát tựa như sự giao hòa của âm dương đất trời. Gạo ngâm kỹ rồi cho vào chõ đồ lên. Lửa hồng rừng rực, hơi nóng nghi ngút, hạt nếp căng tròn bóng bẩy.
Những khi đồ xôi làm bánh, cả nhà tôi quây quần trong không khí ấm áp thân tình. Bà thường răn dạy: “Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn/ Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu. Thế nên làm người phải biết cội nguồn mình ở đâu mà hướng về”. Bà quán xuyến mọi việc làm bánh. Chõ xôi dỡ ra, bố mẹ tôi phụ bà phần việc giã bánh. Tiếng chày “thậm... thịch...” vang lên nơi góc bếp. Cái âm thanh ấy lan ra khắp xóm khắp làng. Nhà nào cũng làm bánh giầy cúng Quốc Tổ trở thành mỹ tục truyền đời. Anh chị em tôi háo hức ngồi quanh. Mắt dõi theo đôi bàn tay dăn dúm của bà nặn ra những chiếc bánh giầy căng bóng, mịn màng tựa bầu má con trẻ. Bà cẩn thận chăm chút từng chiếc bánh. Mươi chiếc như một, đều tăm tắp, trắng mịn màng, thơm thanh khiết...
Ngày chính giỗ Tổ, bà mặc áo dài nâu, đầu vấn khăn nhung, cổ đeo tràng hạt, sắm sửa lễ vật để dâng cúng Vua Hùng. Tôi thường được bà cho đi lễ đền. Một già, một trẻ thong dong dạo bước. Nhìn quanh đồi núi trùng trùng, cây rừng lá biếc qua lời bà kể tưởng như vạn vật đều hữu linh. Đây đỉnh Nghĩa Lĩnh là đầu rồng hướng về phía Nam, xung quanh có 100 ngọn đồi tượng trưng cho 100 con voi. Đền Hạ tương truyền là nơi mẹ Âu Cơ hạ sinh trăm trứng nở ra trăm con. Đền Trung nơi vua Hùng cùng các lạc hầu, lạc tướng ngắm cảnh, bàn việc nước. Đền Thượng tên chữ “Kính thiên lĩnh điện” lưu dấu Hùng Vương làm lễ tế trời cầu mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, muôn dân no ấm.
Những câu chuyện xưa như đưa tôi về miền cổ tích, mỗi bước chân trên bậc thềm đá như đang ngược dòng thời gian quay lại thuở hồng hoang. Rừng núi linh thiêng lưu dấu chân cha ông mở cõi, dựng cơ đồ. Nghe đâu đây trong từng lớp trầm tích ấp ủ lịch sử ngàn đời của dân tộc Việt. Bà tôi bảo đi lễ Đền Hùng lạ lắm, dẫu leo núi cao nhưng chẳng thấy mệt, tựa như có tiên tổ độ trì nâng bước, lòng nhẹ thênh thang. Lên đến đền thiêng, trước hương án bài vị các Vua Hùng, bà thành kính dâng cúng lễ vật là những chiếc bánh giầy giản dị mà chứa đựng bao nghĩa tình. Nhang thơm khói tỏa, bà cúi đầu khấn vái, nguyện cầu quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, gia đạo hưng long. Đứng trên đỉnh non thiêng, trong tôi vẫn nghe đâu đây lời căn dặn của bà: “Nhớ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương/ Về thăm thành kính nén hương cội nguồn”...
Tản văn của NGỌC NAM