Ngôi làng Việt cổ Kiêu Kỵ trước đây thuộc tổng Đa Tốn, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, cho đến những năm 60 của thế kỷ XX thì làng Kiêu Kỵ thuộc xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Làng có tên Nôm xưa là làng Cậy, còn lưu truyền nhiều dấu tích từ thời vua Trần dẹp giặc ở thế kỷ XIII.
|
|
Cụm di tích đình – đền – chùa Kiêu Kỵ thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. |
Mảnh đất nơi đây còn lưu truyền nhiều dấu tích lịch sử mà nổi bật nhất là thời vua Trần dẹp giặc Nguyên-Mông ở thế kỷ XIII, danh tướng Nguyễn Chế Nghĩa có công dẹp tan giặc ngoại xâm, được nhà vua ban cho đất Kiêu Kỵ làm thái ấp. Sau khi ông mất, dân làng suy tôn ông làm Thành hoàng làng và lập đền thờ phụng tưởng nhớ ông mãi mãi. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đình, đền, chùa Kiêu Kỵ là địa điểm sinh hoạt hội họp bí mật của cán bộ Xứ ủy, nơi diễn ra các cuộc họp của Ủy ban kháng chiến cách mạng, nơi dân quân du kích luyện tập, tập huấn võ trang.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội - cho biết: “Cụm di tích đình – đền – chùa Kiêu Kỵ là nơi thờ Thành hoàng làng, Đức Khổng Bắc tướng quân – Phò mã Đô úy Đại vương Nguyễn Chế Nghĩa. Người sinh ra và lớn lên ở Gia Lộc, Hải Dương, là một vị phò mã của đời Trần. Điểm đặc biệt là vào đời Trần, công chúa không được kết hôn với người ngoài tộc nhưng riêng ngài lại được làm phò mã. Điều này cho thấy vua Trần đánh giá công lao của ngài rất to lớn. Ngài cũng là một trong 13 vị tướng tài dưới trướng của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn”.
Theo các bậc cao niên trong làng, từ xưa, các cụ và nhân dân xây dựng, ngôi đền vẫn tọa lạc tại vị trí này. Năm 1341, khi tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa bị gian thần sát hại, nhân dân làng Kiêu Kỵ xây đền để thờ Ngài và tưởng nhớ công ơn của Ngài. Cùng với thời gian, hệ thống đình - đền Kiêu Kỵ cũng bị xuống cấp.
Nhằm kịp thời tu bổ, tôn tạo để phát huy giá trị của di tích, ngày 6-4-2022, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành quyết định đầu tư xây dựng công trình “Tu bổ, tôn tạo cụm di tích đình, đền xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm”, với tổng kinh phí hơn 34,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện hơn 30 tỷ đồng, còn lại là nguồn xã hội hóa. Công trình hoàn thành sau 24 tháng thi công và khánh thành vào lễ hội đền Kiêu Kỵ năm 2023.
|
|
Đền Kiêu Kỵ thờ vị tướng tài danh Nguyễn Chế Nghĩa ở thời nhà Trần. |
Tuy thời gian và những biến động thăng trầm của lịch sử dân tộc đã làm mất mát các nguồn tư liệu thành văn ghi chép quá trình khởi dựng và nhiều lần trùng tu sửa chữa, nhưng cụm di tích đình - đền - chùa Kiêu Kỵ vẫn còn bảo lưu được khối kiến trúc vật chất cùng bộ sưu tập di vật cổ nhiều về số lượng và đa dạng về chủng loại. Đặc biệt, ngôi đền cổ làng Kiêu Kỵ còn có những cây bồ đề già, mà theo lời kể của các cụ, được trồng từ khi tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa qua đời.
Ông Lê Hữu Hảo - Trưởng thôn Kiêu Kỵ, Trưởng tiểu Ban Quản lý Di tích Cụm Di tích đình - đền - chùa Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội - cho biết: “Theo một số các cụ xưa kể lại, khi Nguyễn Chế Nghĩa bị gian thần sát hại, ông cưỡi ngựa chạy từ cầu Lành về đến Kiêu Kỵ, vào một quán nước. Ông hỏi bà cụ già bán quán nước là “người bị chém đầu rồi có thể sống được không”. Cụ nói rằng bị chém đầu rồi thì không sống được. Ông gục xuống, qua đời thì máu chảy ra hóa thành viên sỏi cuội. Nghe các cụ kể chuyện thế nên nhân dân mang về di tích, khi xây dựng di tích thì đặt viên sỏi cuội ở trước cửa Tam quan, cũng lâu ngày rồi thì đặt tên là "tụ linh cự thạch".
Ông Hảo cũng giới thiệu về kết cấu của ngôi đền như sau: Bên ngoài thờ các đồ binh tế khí như bát bửu chấp kích và một số câu đối, đại tự cũng như một số đồ thờ. Đến đợt đại tu mới đây, được sự thống nhất của Ban Quản lý di tích, 3 cỗ kiệu cổ (trước đây dùng để hàng năm rước vào dịp lễ hội rước) được đưa vào thờ cố định trong đền và có 3 bộ kiệu mới làm sẽ được dùng để rước vào lễ hội hằng năm. Trong cùng là khám đặt ngai và bài vị. Sau năm 1996, đền được nhân dân cùng các nhà hảo tâm công đức, đúc 3 pho tượng của gia đình Thành hoàng làng gồm Tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa, Ngọc Hoa Công chúa là vợ và công tử Sùng Phúc là con trai thờ tại đây.
Trong tâm thức của người dân Kiêu Kỵ và vùng lân cận, ngôi đền là nơi gửi gắm, lưu giữ những giá trị tâm linh thiêng liêng của họ. Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày 28-8 âm lịch, cán bộ và nhân dân cũng như tất cả những người con của quê hương Kiêu Kỵ đang đi làm ăn trên khắp mọi miền Tổ quốc lại cùng tụ hội về đền Kiêu Kỵ, tổ chức dâng hương tưởng nhớ và cùng nhau ôn lại lịch sử cũng như những chiến công oanh liệt của Khổng Bắc tướng quân - Phò Mã Đô úy - Đại vương Nguyễn Chế Nghĩa, thành hoàng làng Kiêu Kỵ.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó chủ tịch UBND xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội cho biết: “Theo chỉ đạo của UBND xã, thời gian 10 năm trở về trước, chúng tôi thường tổ chức 5 năm hội chính 1 lần còn những năm khác tổ chức hội bình thường, gọi là hội lệ. Riêng đặc thù của làng Kiêu Kỵ có 2 lễ hội. Đó là lễ hội kỵ Đức Thánh Bà, là Nguyệt Hoa công chúa - vợ của Phò mã tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa được tổ chức vào ngày 8 tháng Giêng hằng năm, và đến ngày 28 tháng 8 Âm lịch, chúng tôi cùng nhân dân của Hội Xuyên, Đức Đại, thị trấn Gia Lộc, Hải Dương tổ chức lễ Thánh và kỵ Đức Thánh”.
Cũng giống như các lễ hội truyền thống trên khắp dải đất hình chữ S, lễ hội đền Kiêu Kỵ gắn với những câu chuyện, sự kiện lịch sử mà bao trùm lên đó là không khí, sắc màu của huyền tích với những ký ức về truyền thống hào hùng của cha ông thuở xưa.
Bài, ảnh: THÙY LINH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.