Đây là hoạt động trong khuôn khổ Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam, diễn ra tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Đến dự chương trình có các đồng chí: Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước; Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL.

Ngày 17-11-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1668/QĐ-TTg lấy ngày 19-4 hằng năm là Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Trong 10 năm qua, trên khắp mọi miền tổ quốc, đồng bào các dân tộc, các địa phương từ miền núi đến đồng bằng, từ biên giới tới hải đảo đã thiết thực tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng từng bước đưa các hoạt động ngày 19-4 hằng năm trở thành nền nếp. Đây thực sự là một sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội sâu sắc, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc, tăng cường giao lưu, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết 54 dân tộc anh em theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu trong chương trình.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh: Đối với Việt Nam, 54 dân tộc anh em với giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình chính là yếu tố cội nguồn sản sinh, nuôi dưỡng bản sắc văn hóa Việt Nam, là biểu hiện cho sức mạnh, sức sống trường tồn của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cảm ơn các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã đồng hành, chung tay trong sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung và văn hóa dân tộc Việt Nam nói riêng.

“Tôi đánh giá cao, ghi nhận và biểu dương Bộ VHTTDL, Ban quản lý Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, các tập thể, cá nhân, đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương, đồng bào dân tộc đã có nhiều cố gắng, đóng góp công sức, trí tuệ, nguồn lực để Làng văn hóa du lịch các dân tộc ngày càng hoàn thiện, phát triển, đồng thời tổ chức nhiều chương trình, hoạt động văn hóa có ý nghĩa để “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” thực sự hiệu quả, là ngày hội lớn, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc”, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.

 

 

Các tiết mục ca múa nhạc trong chương trình.

Chương trình nghệ thuật “Đêm hội văn hóa dân tộc” gồm 6 phần với các chủ đề như “Phách nhịp vùng cao” giới thiệu cụm văn hóa một số dân tộc tiêu biểu đại diện cho cộng đồng các dân tộc thiểu số thuộc khu vực miền núi phía Bắc như dân tộc Thái, Tày, Dao, Hơ mông, Lô Lô, Khơ mú...; “Khúc Nhị Hà” giới thiệu những giai điệu mang đậm nét văn hóa sinh hoạt gắn liền với đời sống lao động hàng ngày; “Câu hò điệu ví” gồm những làn điệu văn hóa đặc sắc gắn liền trong cuộc sống, lao động; “Âm vang Đại ngàn” thể hiện những phong tục, tập quán thông qua những hoạt động, sinh hoạt văn hóa của một số dân tộc đại diện cho các dân tộc thuộc khu vực cao nguyên Nam Trung bộ; “Tinh hoa đất Việt” là phần kết của chương trình trong đó tổng hợp văn hóa của đại diện tất cả các dân tộc Việt, được gắn kết như một đại gia đình các dân tộc Việt Nam, trong đó mỗi dân tộc đều được tôn vinh và tỏa sáng trong chính sự khác biệt đa dạng của mình.

Mỗi phần diễn được xây dựng theo thể liên hoàn, dưới các hình thức ca, diễn xướng, múa, nhạc kết hợp nghệ thuật sắp đặt. Chương trình được đề cao tính sân khấu, thông qua đó giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam với sự đa dạng phong phú trong bản sắc văn hóa, độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Cùng ngày, trong khuôn khổ Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam đã diễn ra Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Tại hội nghị, các lãnh đạo sở, UBND các tỉnh, thành phố, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, các nghệ nhân, đại diện các dân tộc đã nêu nhiều ý kiến, đề xuất nhằm đưa ra những giải pháp để các hoạt động của Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam ngày một lan tỏa tới cộng đồng.

Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2018 được tổ chức từ ngày 19 đến 22-4 với nhiều hoạt động như: Triển lãm 10 năm chặng đường Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Tái hiện Tết Chôl Chnăm Thmây; Tái hiện Lễ Xăng Khan của dân tộc Thái; Trình diễn ẩm thực dân tộc vùng Tây Bắc...

Các hoạt động góp phần tạo nên một không gian văn hóa đa sắc màu, đầy sức sống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam tại “Ngôi nhà chung” - Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và Quốc tế.

Tin, ảnh: KHÁNH HUYỀN