Lễ hội được kỳ vọng mang đến một điểm đến văn hóa, di sản độc đáo và trở thành sản phẩm du lịch thường niên của Hà Nội vào mùa thu.
Nên thơ với áo dài
Những ngày này, ở nhiều con phố Hà Nội, du khách dễ dàng bắt gặp những tà áo dài thướt tha. Áo dài như hòa với nắng thu, với di sản Hà Nội trở thành hình ảnh đẹp với nhiều du khách. Thậm chí, áo dài đã vượt qua biên giới quốc gia, để ghim vào trái tim của nhiều bạn bè thế giới. Dạo ngắm hồ Hoàn Kiếm và các di sản quanh khu vực này, chị Anonglak Vongthonglak, giảng viên Trường Đại học Champasak cùng các giáo viên tham gia Lớp bồi dưỡng giáo viên mầm non 15 tỉnh của Lào, tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thích thú khi gặp được rất nhiều người mặc áo dài. “Với chúng tôi, đây là hình ảnh thật ấn tượng. Ở nhà tôi cũng có một bộ áo dài Việt Nam và tôi đã mặc trong lễ khai giảng lớp học. Khi mặc áo dài, tôi thấy mình đẹp hơn”, chị Anonglak tự hào cho biết. Lần đầu tới Hà Nội, nhưng trước đó, chị Manju (Ấn Độ) cũng đã biết đến áo dài Việt Nam. Khi biết ngày đầu tiên đến Hà Nội đúng vào ngày khai mạc Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội năm 2024, chị Manju đã rất háo hức và cho biết sẽ dành thời gian để cùng bạn bè tham dự các hoạt động của lễ hội.
 |
Trình diễn áo dài trong đêm khai mạc Lễ hội. Ảnh: HOÀI NAM |
Là một di sản văn hóa truyền thống độc đáo không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của cả quốc gia, dân tộc, nhưng thú vị là áo dài lại được nhiều người mặc định gắn với nét đẹp người Hà Nội. Vẻ đẹp mềm mại, dịu dàng, kín đáo nhưng không kém phần trang nhã, đài các của áo dài trở thành niềm kiêu hãnh của người Hà Nội. Theo nhà thiết kế Hoàng Ly, Chủ tịch Câu lạc bộ Văn hóa áo dài Việt Nam: “Áo dài Hà Nội mang trong mình sự thanh lịch, với những màu sắc nhẹ nhàng, thường sử dụng chất liệu voan hoặc lụa mềm mại. Nó phản ánh sự nhẹ nhàng, tao nhã của phụ nữ Hà thành”. Duyên dáng trong bộ áo dài truyền thống, bà Vũ Thị Thành cùng hội bạn thân toàn là dân phố cổ chơi với nhau đã 60 năm cùng dạo quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Các bà đều cho rằng, nói tới con gái Hà Nội là nghĩ ngay đến áo dài. “Ngày xưa mẹ cô mặc thế nào cô mặc như thế. Nhà cô trước ở 64 Lương Văn Can nên thường sang nhà may An Trạch, làng Trạch Xá may áo dài. Người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Áo dài cùng với nghi lễ, cách ứng xử... tạo nên khí chất đó”, bà Thành chia sẻ.
“Đại sứ” du lịch
Hợp khung cảnh, con người, áo dài còn có “đất” phát triển khi Hà Nội không chỉ có hẳn làng nghề may truyền thống Trạch Xá mà có cả các làng nghề dệt, thêu... Anh Vũ Đình Thi, con trai Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi (làng Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín), người duy nhất ở Việt Nam nắm giữ bí quyết thêu cung đình, kỹ thuật thêu hội tụ tinh túy nhất của nghề thêu, cho biết: “Những hoa văn, họa tiết cổ xưa được gia đình sưu tầm không chỉ phục vụ công tác phục chế mà còn được ứng dụng mang lại hàm lượng văn hóa cao cho các sản phẩm khác. Áo dài thêu vì thế mang những nét đặc trưng, tinh tế khác biệt”. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đức Bình cho rằng: “Hà Nội có tiềm năng rất lớn đối với việc phát triển thương hiệu áo dài, biến áo dài thành sản phẩm du lịch hấp dẫn”.
Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội lần thứ ba tổ chức đã phần nào khẳng định những lợi ích kinh tế, xã hội, văn hóa mà nó mang lại, cho thấy sự hòa mình của tà áo dài trong nhịp sống hiện đại, góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội. Năm nay, lễ hội có gần 100 gian hàng quảng bá, trưng bày, giới thiệu những sản phẩm và phụ kiện áo dài đến từ các nhà thiết kế nổi tiếng, các thương hiệu áo dài 3 miền Bắc-Trung-Nam. Du khách đến đây có thể gặp được hình ảnh áo dài gắn với những chiếc áo trần bông, gợi nhớ chiếc áo trấn thủ của những ngày mùa đông năm 1946; áo dài trong dòng thời gian với hình ảnh phố cổ Hà Nội cùng gánh hoa rực rỡ, bức tranh Hàng Trống hay những làn điệu xẩm... Du khách cũng có thể được xem các nghệ nhân thao diễn tạo tác tác phẩm, trình diễn quay tơ, dệt lụa, thêu thùa hay được gợi ý cách kết hợp áo dài với phụ kiện, cách tạo dáng với áo dài; tự tay làm các sản phẩm áo dài mini... Trước ngày khai mạc, đã có các hoạt động hưởng ứng đầy màu sắc như mặc áo dài đạp xe, đi xe bus hai tầng qua các tuyến phố có nhiều điểm du lịch; thi chụp ảnh với áo dài; tham gia phát động Tháng áo dài (từ ngày 1 đến 20-10)... Đây không chỉ là dịp để những người Việt thể hiện nét đẹp thanh lịch, tinh tế của mình mà còn là cơ hội để các nhà thiết kế áo dài thể hiện tài năng...
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội, khẳng định: “Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội mở ra định hướng mới cho phát triển văn hóa, du lịch Thủ đô, góp phần để Việt Nam và Hà Nội trở thành điểm đến yêu mến và sự lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách trong nước và bạn bè quốc tế, là điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới. Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội với những câu chuyện về tà áo dài sẽ còn mãi. Thông qua tà áo dài, các sự kiện tại lễ hội này đã viết tiếp câu chuyện về văn hóa, con người Hà Nội, Việt Nam và truyền đi thông điệp về một Hà Nội là điểm đến “an toàn-thân thiện-chất lượng-hấp dẫn”. Với thành công của lễ hội, tình yêu áo dài sẽ còn được tiếp diễn và hành trình đưa áo dài gắn với du lịch, để áo dài trở thành “Đại sứ du lịch” của Thủ đô Hà Nội và cả nước”.
LINH KHUÊ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.