Nhìn vào danh sách các nhà LLPB văn nghệ đã đoạt Giải thưởng Hồ Chí MinhGiải thưởng Nhà nước, đa phần đều từng học tập ở nước ngoài hoặc được đào tạo song ngữ thời Pháp thuộc. Sở dĩ nhấn mạnh đặc điểm này vì bản chất LLPB là ngành khoa học, từ nước ngoài du nhập vào nước ta. Trong thời kỳ trung đại, chúng ta cũng có nhiều bài viết, cuốn sách bàn luận về văn nghệ (chủ yếu là văn chương) nhưng không thể gọi là khoa học vì không hình thành hệ thống lý thuyết với các phạm trù, khái niệm. Chính vì thế hiện nay, để trở thành nhà LLPB chuyên nghiệp, có khả năng thành công trong nghề nghiệp cần phải nắm vững ít nhất một ngoại ngữ.

leftcenterrightdel
Tiến sĩ Ngô Phương Lan (bên phải) chia sẻ về cuốn sách “Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập”, tháng 11-2023.Ảnh: ĐÀO VŨ 

Ngay sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc (năm 1954), Đảng và Nhà nước đã cử hàng trăm người sang khối các nước xã hội chủ nghĩa học tập, nghiên cứu về văn nghệ. Đa phần trong số đó sau này đều trở thành những nhà LLPB đầu ngành, có nhiều cống hiến to lớn, đó là: Giáo sư (GS), Tiến sĩ (TS) Phương Lựu; GS Hoàng Ngọc Hiến; GS Phạm Vĩnh Cư; GS, TS Trần Đình Sử; GS, TS Trần Nho Thìn; PGS, TS Trịnh Bá Đĩnh; PGS, TS Trương Đăng Dung; PGS, TS Nguyễn Văn Dân; GS, TS, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Lê Ngọc Canh; PGS, TS, NSND Ứng Duy Thịnh; GS, TS Doãn Minh Khôi; PGS Đặng Thái Hoàng; TS Nguyễn Trí Thành; PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái; TS Ngô Phương Lan; Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Mạnh Thường, NSNA Vũ Huyến...

Sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, nhiều lĩnh vực văn nghệ đã không có người du học, trong khi đào tạo trong nước lại chưa bảo đảm chất lượng, thậm chí không có chuyên ngành LLPB, từ đó dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực LLPB chất lượng cao. Tình trạng trở nên đáng báo động những năm gần đây khi hàng loạt chuyên ngành như múa, nhiếp ảnh, điện ảnh gần như không có người trẻ (dưới 40 tuổi) chuyên tâm làm LLPB, trong khi các nhà LLPB từng đi du học trước đây, người thì đã mất, người thì tuổi cao sức yếu.

Vì thiếu nhân lực, thiếu những tiếng nói có thẩm quyền nên dẫn đến tình trạng nhiễu loạn giá trị, không định hướng được sáng tác cũng như gu thưởng thức của công chúng. Điển hình như nhiếp ảnh, hơn 1.000 hội viên Hội NSNA Việt Nam nhưng chỉ có 8 người được phong tước hiệu “Nhà LLPB nhiếp ảnh”. Người trẻ nhất năm nay cũng đã 52 tuổi. Hiện nay ở hệ thống đào tạo cấp độ đại học, chỉ có hai trường đại học sân khấu-điện ảnh ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có khoa nhiếp ảnh, nhưng đều là đào tạo nghệ sĩ sáng tác, chứ không đào tạo ngành LLPB nhiếp ảnh.

Từ thực trạng đó đòi hỏi cần sớm nghiên cứu xây dựng chương trình đề án lựa chọn những cá nhân có tố chất, năng khiếu có thể tiến xa trong nghề nghiệp để đào tạo ở nước ngoài, nhằm sớm lấp đầy khoảng trống nhân lực LLPB. Tuy nhiên cách làm cần phải khác trước. Trong chế độ bao cấp, có thể dễ dàng lựa chọn học sinh giỏi vừa tốt nghiệp THPT cử đi du học bậc đại học rồi bố trí công việc sau khi tốt nghiệp. Có chế độ, chính sách Nhà nước hậu thuẫn với mức sống kha khá trong xã hội, họ an tâm nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ, trở thành “cây đa cây đề” sau hàng chục năm. Ở thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, không chắc những người trẻ có thể chuyên tâm làm nghề LLPB bởi có nhiều công việc khác với thu nhập hấp dẫn hơn.

Đóng góp lớn nhất và trực tiếp cho nghiên cứu văn nghệ hiện nay vẫn là đội ngũ đang công tác ở các cơ quan tham mưu, quản lý văn học nghệ thuật, viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan báo chí, xuất bản... Cần phải tập trung nguồn lực đầu tư cho những đối tượng này vì họ có chuyên môn và thực sự muốn gắn bó, làm công tác nghiên cứu. Thông qua học bổng Chính phủ, các quỹ đầu tư, các nhà tài trợ, để có càng nhiều suất du học càng tốt. Chỉ có con đường này mới có thể tăng số lượng nhân lực chất lượng cao, đó là những người nắm vững lý thuyết khoa học, có khả năng vận dụng để phân tích, lý giải, tổng kết thực tiễn đời sống văn nghệ vô cùng đa dạng, phong phú hiện nay.

HÀM ĐAN

Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.