1. Sách thường thức nghệ thuật là loại sách ngắn gọn, dễ hiểu, dành cho bất cứ ai muốn tìm hiểu nghệ thuật như: Từ điển, nhập môn, truyện về cuộc đời và sự nghiệp văn nghệ sĩ... Loại sách này khác những sách chuyên khảo, nghiên cứu về nghệ thuật có tính chuyên sâu dành cho các độc giả có chuyên môn. Ở các nước phát triển, loại sách thường thức này rất phổ biến như bộ sách “Tôi biết gì?” (Pháp). Thông thường, những bộ sách, tủ sách thường thức do các nhà xuất bản, cơ sở giáo dục đại học chủ trì thực hiện trong nhiều năm với sự cộng tác của các tác giả có chuyên môn cao.

Hiện nay, ở nước ta, chưa có một thống kê nào về số lượng đầu sách của loại sách thường thức nghệ thuật được xuất bản hằng năm. Tuy nhiên, việc những cuốn sách thường thức nghệ thuật xuất hiện ngày càng nhiều là dấu hiệu cho thấy loại sách này có nhiều dư địa phát triển.

leftcenterrightdel
Bạn đọc chụp ảnh lưu niệm tại buổi giới thiệu sách “Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ 20”.Ảnh: QUANG LONG 

Lý giải cho việc sách thường thức nghệ thuật được xuất bản nhiều là do nhu cầu thụ hưởng nghệ thuật của công chúng, nhất là giới trẻ ngày càng cao. Khi đời sống kinh tế-xã hội phát triển, nhận thức của xã hội thay đổi sẽ nảy sinh nhu cầu bồi đắp thẩm mỹ, khai mở tâm hồn. Sách nghệ thuật thường thức được những người bước đầu thực hành nghề nghiệp tìm đọc là đương nhiên, nhưng đây chỉ là thiểu số. Sách thường thức nghệ thuật hiện nay được công chúng rộng rãi tìm đọc không phải với mục đích để trở thành văn nghệ sĩ mà để kích thích sáng tạo, lòng ham hiểu biết, hướng tới các giá trị chân-thiện-mỹ... Mặt khác, bản thân nghệ thuật luôn biến đổi không ngừng, tri thức về nghệ thuật ngày càng dày lên. Nhiều trào lưu, xu hướng mới phát triển, nếu không cập nhật sẽ lạc hậu, nhưng muốn hiểu sâu thì trước hết phải đọc tác phẩm thường thức.

Nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Ở nhiều lĩnh vực như thương mại, công nghệ... chúng ta có vẻ hội nhập và bắt kịp khá nhanh, tuy nhiên, ở những lĩnh vực khác như văn hóa-văn nghệ, giáo dục còn có một khoảng trống đáng kể. Một thời gian dài, ngành giáo dục khá xem nhẹ vai trò của giáo dục thẩm mỹ, tư duy cũng như kỹ năng nghệ thuật cơ bản cho thế hệ trẻ. 

Trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, các không gian nghệ thuật, mỹ thuật ngày một phát triển và nở rộ khắp các thành phố lớn. Bắt đầu xuất hiện nhiều thế hệ trẻ quan tâm tới những sự kiện, những không gian văn hóa-nghệ thuật. Tuy nhiên, phần lớn cũng do sự thiếu hụt hiểu biết chung về nghệ thuật (bao gồm nhiều lĩnh vực từ mỹ thuật, nghệ thuật đương đại, nghệ thuật công cộng đến thiết kế, âm nhạc, sân khấu, hay kể cả kiến trúc...) nên phần lớn cũng chỉ dẫn tới những tương tác mang tính cơ học là chủ yếu, ví dụ như chụp ảnh check in... Thường ít có những tương tác về mặt văn hóa như cảm thụ, thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật một cách chủ động. Nếu quan sát ở những nước có nền kinh tế phát triển thực hiện song hành giáo dục tri thức và văn hóa-nghệ thuật thẩm mỹ một cách toàn diện thì thường sẽ không thấy xảy ra. Có lẽ do có một khoảng trống khá lớn về tri thức thường thức nghệ thuật, hay nói đúng hơn là thiếu hụt văn hóa khơi gợi sự tìm hiểu về nghệ thuật nói riêng và về văn hóa nói chung. Để bù lấp được khoảng trống này, có lẽ cần rất nhiều đầu sách phổ biến kiến thức được thiết kế và biên tập đa dạng, dễ tiếp cận để thu hút người đọc phổ thông.

2. Thử dạo qua thị trường sách thường thức nghệ thuật, chúng ta thấy đa phần là sách dịch, chứ ít thấy tác phẩm của các tác giả Việt Nam. Tất nhiên, với những sách dẫn nhập ngắn về lý thuyết nghệ thuật, dịch thuật cẩn thận, chất lượng là điều rất tốt, cần khuyến khích. Bởi lẽ, đã là lý thuyết nghệ thuật nghĩa là kiến thức chung, tác giả nước ngoài hay Việt Nam soạn cũng sẽ không có nhiều khác biệt. Điều đáng lưu tâm là các tác giả người Việt Nam dường như đang chú trọng viết sách chuyên sâu, chứ chưa quan tâm đến loại sách thường thức nghệ thuật, nhất là những vấn đề liên quan đến nghệ thuật dân tộc. Phải chăng, việc tóm tắt kiến thức dưới dạng thường thức vốn không phải là dễ? Cũng có thể việc viết sách không mang quá nhiều lợi ích cho nên khó thu hút các tác giả đầu tư “chất xám”.  

Một thách thức là do thời đại công nghệ thông tin bùng nổ khiến sự tập trung của người trẻ vào việc tìm đọc hay nghiên cứu qua sách vở còn hạn chế. Dù vậy, việc phát triển thị trường sách thường thức nghệ thuật phổ cập cho đông đảo công chúng tiếp cận là một tiềm năng rất lớn. Hơn thế, vấn đề này cũng nên được nhìn nhận như là một chiến lược của Nhà nước để nâng tầm hiểu biết, nhận thức và thẩm mỹ chung của xã hội. Ngoài việc cần đẩy mạnh đầu tư vào phát triển nâng tầm cho các lĩnh vực nghệ thuật chuyên nghiệp thì cũng cần coi trọng và đẩy mạnh việc phát triển tri thức văn hóa nền tảng của tầng lớp phổ thông. Nó như một mối quan hệ có tính hai chiều, ảnh hưởng tác động qua lại với nhau, chính nhu cầu từ nền tảng phổ thông được nâng cao sẽ giúp các sáng tạo nghệ thuật chuyên nghiệp có nhiều cơ hội phát triển.

Việc đầu tư vào mảng thị trường sách nghệ thuật trong những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc nhất định từ thay đổi của những nhà sách tư nhân cho đến nhà xuất bản. Nhiều đầu sách dịch cũng tích cực được mua bản quyền và phổ biến. Tuy nhiên, thực tế thì số lượng và chất lượng còn rất hạn chế, chủ yếu tập trung vào mảng sách văn học, mỹ thuật, âm nhạc; các lĩnh vực khác như kiến trúc, nhiếp ảnh, điện ảnh, sân khấu... hầu như rất ít hoặc không có. Điều này cũng phản ánh một phần thực tế, trong một số năm gần đây, hiệu ứng từ mảng mỹ thuật hay âm nhạc được công chúng quan tâm nhiều hơn.

Thời gian trước đây, từng có thời kỳ Nhà xuất bản Kim Đồng được sự tài trợ của Nhà nước đã xuất bản ra nhiều đợt sách thường thức mỹ thuật về các tác giả họa sĩ kinh điển trong lịch sử mỹ thuật thế giới, tuy ngắn gọn nhưng thiết kế và cách tiếp cận “trúng” đã trở thành hiện tượng “gây sốt” suốt một thời gian. Nhưng thực tế, phần lớn vẫn chỉ là sách dịch hay biên tập lại mà rất ít sách được viết, được làm bởi các họa sĩ, nhà thiết kế, về các nội dung, các vấn đề của mỹ thuật hay nghệ thuật Việt Nam. Điều này cũng phản ánh một khoảng trống khác nữa về việc thiếu hụt đội ngũ nghiên cứu và những người làm sách nghệ thuật chuyên nghiệp, tâm huyết với nghề. Sự thiếu hụt này ở cả mảng chuyên nghiệp cho giới chuyên môn lẫn mảng phổ cập kiến thức nền tảng. Hầu như mảng đào tạo về nghiên cứu phê bình nghệ thuật nói chung ngày càng thiếu sức hút, các tạp chí chuyên ngành cũng ngày càng sa sút cả về mặt số lượng lẫn chất lượng. 

Một trong những mục tiêu mà văn hóa Việt Nam hiện đang hướng đến là xây dựng có trọng tâm, trọng điểm các ngành công nghiệp văn hóa. Sẽ còn rất nhiều việc phải giải quyết, nhưng một trong những việc cần sớm giải quyết đó là thu hẹp khoảng cách về nhận thức cũng như trình độ thẩm mỹ phổ thông trong các lĩnh vực nghệ thuật của người dân với với các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Có lẽ cần những chính sách cụ thể và thực chất hơn nữa để thu hút sự phát triển của thị trường sách nghệ thuật thường thức, từ những việc cụ thể như xây dựng những tủ sách nghệ thuật các lĩnh vực trong nhà trường các cấp cho tới những chính sách khuyến khích các đơn vị làm sách tư nhân tham gia sâu sắc hơn vào thị trường này. Đặc biệt, cần thu hút sự tham gia của các chuyên gia trong các lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo.

Thạc sĩ NGUYỄN THẾ SƠN, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội