Tiềm năng lớn, rủi ro cao

Phóng viên (PV): BHD là một trong số ít doanh nghiệp tư nhân kinh doanh hiệu quả trong lĩnh vực văn hóa. Từ thực tiễn, bà có đánh giá gì về tiềm năng của lĩnh vực này?

Bà Ngô Thị Bích Hạnh: BHD kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp nội dung, một bộ phận quan trọng cấu thành công nghiệp văn hóa. Trên thế giới, đây là một thị trường có quy mô đạt 2.514 tỷ USD, gấp 4 lần quy mô thị trường ngành công nghiệp bán dẫn.

Trong ngành công nghiệp nội dung ở Việt Nam, thị trường điện ảnh tăng trưởng mạnh mẽ từ doanh thu khoảng 3 triệu USD năm 2008 lên 52 triệu USD năm 2012 và đến năm 2023 đạt 151 triệu USD, đứng thứ hai Đông Nam Á, sau Indonesia. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 21%/năm, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển ngành công nghiệp điện ảnh nhanh nhất thế giới. Bên cạnh đó, thị trường nội dung số của Việt Nam cũng có những bước tăng trưởng vượt bậc, ước tính có hàng triệu lao động tham gia, mang về lượng ngoại tệ tương đương khoảng 1.500 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
 Bà Ngô Thị Bích Hạnh.

PV: Giới kinh doanh đúc kết: “Lợi nhuận càng lớn, rủi ro càng cao”. Thị trường điện ảnh Việt Nam đang là miền đất hứa, nhưng phải chăng cũng là “đất dữ” đầy rủi ro, mạo hiểm, thưa bà?

Bà Ngô Thị Bích Hạnh: Đúng vậy! Số liệu thực tế chứng minh, hiện tại, rạp chiếu phim của các thương hiệu Việt chiếm khoảng 33% thị phần; 67% thị phần còn lại là của nước ngoài. Tại khu vực Đông Nam Á, thị phần phim nước ngoài chỉ chiếm từ 10 đến 30%. Trong 10 năm qua, doanh thu phim Việt chỉ chiếm khoảng 18-33% và phim ngoại nhập khẩu đang thắng thế với tỷ lệ khoảng 67-82% tổng doanh thu phòng vé.

Trong khi đó, các nước có nền điện ảnh mạnh trên thế giới như Hàn Quốc có tỷ lệ doanh thu cho phim nội địa trong suốt nhiều năm qua ít nhất là 54%, có những năm cao tới 65%. Điều chúng ta cần làm là đẩy mạnh thị phần phim Việt, để người Việt có thêm cơ hội xem phim bằng tiếng mẹ đẻ và tiếp cận văn hóa Việt Nam. Bởi điện ảnh không chỉ là một lĩnh vực mang lại việc làm, doanh thu, lợi thuận, thuế mà còn góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia, phát triển các sản phẩm thế mạnh.

leftcenterrightdel
 Trình diễn thời trang trong chương trình Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023. Ảnh: THANH TÙNG

Một điểm yếu của thị trường điện ảnh Việt Nam là phát triển nóng, chi phí vận hành rạp cao nên khả năng sinh lời cho rạp chiếu chưa tốt, tiềm ẩn rủi ro nếu không cắt giảm được chi phí. Những người hoạt động trong ngành điện ảnh hiện gặp nhiều khó khăn.

Sự rủi ro không chỉ đến ở chi phí sản xuất và thủ tục hành chính. Ví dụ, nhiều doanh nghiệp tư nhân rất muốn làm phim về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng. Tuy nhiên, đây là đề tài khó, nếu nghệ thuật mà chép sử “thật thà như đếm” thì không hấp dẫn; nhưng nếu hư cấu, dù không có dụng ý xấu vẫn có thể bị nghi ngờ, bị phản ứng, dễ bị phạt, gây tác động tiêu cực tới doanh nghiệp. Điều khó khăn là không có quy định hay tiêu chuẩn nào để lượng hóa thế nào là hư cấu hợp lý, thế nào là quá đà. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp tư nhân còn lựa chọn đầu tư theo hướng an toàn.

Doanh nghiệp vẫn ngóng chờ ưu đãi

PV: Trao đổi với nhiều chuyên gia, nhà quản lý, chúng tôi ghi nhận ý kiến: Thể chế, chính sách thúc đẩy đầu tư, tài trợ cho văn hóa chưa tạo ra ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp tư nhân. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Bà Ngô Thị Bích Hạnh: Các ngành công nghiệp văn hóa vẫn còn mới mẻ ở nước ta. Bởi vậy, các thể chế, chính sách của Việt Nam hiện chủ yếu được vận hành theo kiểu quản lý về văn hóa là chính chứ chưa chuyên biệt, phù hợp cho phát triển công nghiệp văn hóa cả về chính sách và nhân lực quản lý. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh văn hóa chưa có nhiều nên hiện tại, các doanh nghiệp và cá nhân trong lĩnh vực này phát triển tự phát, khó trở thành tập đoàn giải trí sáng tạo lớn.

Việc hình thành và vận hành quỹ đầu tư, tài trợ cho văn hóa gặp nhiều trở ngại vì những mạnh thường quân không được hưởng ưu đãi. Muốn các quỹ hoạt động bền vững phải có cơ chế huy động hợp lý, minh bạch. Mấu chốt để công nghiệp văn hóa phát triển là cần sự dấn thân của các tập đoàn lớn. Với bề dày kinh nghiệm, tài lực bảo đảm mới có thể tạo bước đột phá chứ không thể trông chờ vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ như hiện nay.

PV: Nhiều nhà quản lý và chuyên gia thừa nhận, việc Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư không có danh mục dành cho lĩnh vực văn hóa là một thiếu sót lớn. Theo bà, hợp tác công-tư có vai trò, ý nghĩa như thế nào đối với phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam?

Bà Ngô Thị Bích Hạnh: Khi có sự tham gia của đầu tư tư nhân vào lĩnh vực văn hóa, chúng ta đã ghi nhận sự khởi sắc, phát triển. Trên cả nước hiện có hơn 46.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực các ngành công nghiệp văn hóa.

Nếu được áp dụng cơ chế đầu tư theo đối tác công-tư, ngành văn hóa sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển. Những gì dễ thấy nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành văn hóa như các trung tâm triển lãm, nhà hát, nhà văn hóa, bảo tàng, rạp chiếu phim, các di tích... đang rất cần nguồn lực xã hội trong việc xây dựng và vận hành các thiết chế này. Tháo gỡ những khó khăn về nguồn lực và cơ chế vận hành của các thiết chế văn hóa ấy không chỉ giúp các thiết chế này thích nghi tốt hơn với nền kinh tế thị trường, trở thành những không gian sáng tạo, giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước mà còn thu hút sự tham gia của người dân, lan tỏa ý nghĩa tích cực, tốt đẹp của các thiết chế văn hóa đến toàn xã hội.

PV: Tại các hội nghị, hội thảo gần đây, bà đều kiến nghị cần có những quy định phải bảo hộ các sản phẩm văn hóa và khơi thông nguồn vốn vay ngân hàng cho khối tư nhân đầu tư vào văn hóa. Bà có thể lý giải cụ thể hơn về hai vấn đề này?

Bà Ngô Thị Bích Hạnh: Sản phẩm văn hóa là tài sản của trí tuệ nhưng lại không thể đưa ra vay vốn ngân hàng, cũng không được bảo hộ bản quyền. Ví dụ, hành vi trộm cắp một chiếc xe máy có thể bị đi tù, trong khi người quay trộm bộ phim trị giá hàng chục tỷ đồng rồi tán phát trên không gian mạng gây thiệt hại lớn cho nhà sản xuất thì chỉ bị phạt 3 triệu đồng.

Tôi mong rằng, Nhà nước cần có hệ thống quy định pháp luật, coi sản phẩm của công nghiệp văn hóa là tài sản trí tuệ, được định giá, có giá trị trong các giao dịch tài chính và được mọi người định hình, chấp nhận. Rất mong Nhà nước có chính sách cho doanh nghiệp văn hóa được vay ngân hàng với lãi suất như lãi suất cho vay nông nghiệp.

leftcenterrightdel
Đạo diễn và diễn viên bộ phim "Mắt biếc" tại lễ ra mắt. Ảnh: XUÂN LÊ 

Để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, trước hết phải xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất bảo đảm, như trong điện ảnh là rạp chiếu phim. Xây dựng rạp chiếu phim cần được ưu đãi tối đa, nhất là những địa điểm xa thì được miễn/giảm tiền thuê đất, giảm tiền điện, nước.

Có thể hình dung, đầu tư cụm rạp chiếu phim giống như xây khách sạn và nhà máy, kinh phí đầu tư ban đầu tương đối cao, vì vậy bắt buộc phải có nguồn vốn vay của ngân hàng. Doanh nghiệp lớn nước ngoài vốn lớn nên phát triển rất nhanh nhằm giành thị phần không cần vay vốn hoặc hay vốn giá rẻ. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể vay vốn ngân hàng thương mại trong nước, không dễ tiếp cận nguồn vốn và chịu lãi suất vay cao nên kinh doanh rất khó khăn.

Ngoài ra, các cơ quan sở tại liên quan cần tạo điều kiện và hỗ trợ hết sức cho các đoàn phim trong và ngoài nước sản xuất trên địa bàn của mình.

Khi doanh nghiệp tư nhân được ưu đãi về vốn, phí, cơ chế, tôi tin chắc sẽ có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân cùng bắt tay vào phát triển công nghiệp văn hóa.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

“Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa, xây dựng con người. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế và phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư, đặc biệt là ở vùng còn khó khăn. Khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học-nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản...” (Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”). 


(còn nữa)

Nhóm phóng viên Báo QĐND (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.